Sự nổi giận của thiên nhiên!

07:00 | 20/11/2013

2,478 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão Haiyan đánh vào Philippines tuần trước đã khiến cả thế giới thức tỉnh. Giờ là lúc giới chính trị và các nhà khoa học đang ngồi lại để tìm hiểu xem vì sao những cơn cuồng phong ngày càng hung dữ và tại sao thiên tai ngày càng khốc liệt?

Khi nước biển dâng

Philippines là “rốn bão” nên rất có kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, Chính phủ Manila vẫn bất ngờ bởi sức tàn phá của cơn bão Haiyan. Điều này đã khiến số người chết vì bão tăng vọt. Trước đó vài tuần, Ấn Ðộ gặp trận bão cực mạnh Cyclone Phailin và Chính phủ New Delhi cho di chuyển dân vào các trung tâm xa trong đất liền, kết quả chỉ có 25 người chết. Áp dụng chiến thuật tương tự, Philippines cũng đưa dân từ những căn nhà mong manh dọc duyên hải đến những tòa nhà bê-tông sâu trong nội địa.

Nhưng điều mà chính quyền không tiên liệu trước được là bão Haiyan tạo nên những đợt sóng cao 6m, quét xuyên qua Tacloban, thủ phủ đảo tỉnh Leyte, là nơi chịu thiệt hại nặng nhất. Nhiều nhà cửa xây dựng thô sơ của dân chúng ở những khu vực thấp cách bờ biển hàng cây số bị nước cuốn trôi. Những trận mưa lớn kéo dài do bão mang tới gây ngập lụt nhiều vùng khác của Philippines không phải ngay tại nơi mà trung tâm bão đi qua. Ngoài ra, những đợt tàn phá đầu tiên do gió ở vận tốc 235km/h và có khi lên đến 275km/h với tiếng gào rú như động cơ phản lực lúc cất cánh rời khỏi mặt đất. Với tốc độ gió này, tất cả cây cối nhà cửa đều bị quét sập, kể cả nhiều nhà xây cất bằng gạch không phải bê-tông cốt thép cũng không đứng vững.

Siêu bão Haiyan gần như xóa sổ miền Trung Philippines

Bàn về nguyên nhân những trận cuồng phong ngày càng dữ dội, các nhà khoa học cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự liên hệ giữa số vụ thiên tai gia tăng và hiện tượng hâm nóng khí hậu. Theo giải thích của Phó giám đốc nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC), ông Jean Jouzel, trong vòng ba thập niên nay, các trận thiên tai từ hiện tượng vòi rồng cho đến lũ lụt liên tục xảy ra với một nhịp độ chưa từng thấy.

Một nghiên cứu do Công ty Bảo hiểm Munich Re công bố năm 2012 cho thấy, trong cùng giai đoạn, số lượng thảm họa tăng gấp 5 lần tại Bắc Mỹ; gấp 4 lần tại châu Á; 2,5 lần tại châu Phi; 2 lần tại châu Âu và 1,5 lần tại Nam Mỹ. Một chỉ số khác cho thấy có mối liên hệ đó, cường độ các trận bão và cuồng phong thường liên quan đến nhiệt độ đại dương.

Quan sát các dữ liệu có được về nhiệt độ của Đại Tây Dương từ năm 1923 với những giai đoạn giông bão, một nghiên cứu của nhà khoa học Đan Mạch cho biết, trung bình những năm nóng được đánh dấu bằng những cơn bão mạnh hơn những năm lạnh, cho dù đó là loại bão nào.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới tác động của trận bão này chắc chắn tạo ra nhiều hậu quả tệ hơn tác động của trận bão cách đây 100 năm chỉ vì mực nước biển hiện nay cao hơn trước đây. Một trận bão giống y như trận bão Haiyan mà xảy ra cách nay 50 năm nó tác động ít hơn vì mực nước biển lúc đó thấp hơn.

Các trận bão “một lần trong một đời” nay đang diễn ra mỗi năm một lần. Câu hỏi nay đặt ra là: “Đây có phải là điều bình thường mới hay không? Nếu vậy thì chúng ta phải chuẩn bị những gì”. Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu tại Ba Lan từ ngày 11/11, đại diện trên 190 quốc gia để bàn cách tạo một đà mới cho công cuộc đấu tranh chống hiện tượng thay đổi khí hậu, đặt cơ sở cho hiệp định dự kiến vào năm 2015. Tại đây, cộng đồng quốc tế ấn định mục tiêu giới hạn tình trạng khí hậu nóng lên ở mức 2°C so với kỷ nguyên tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nếu không làm gì cả, nhiệt độ có thể tăng gần 5°C từ nay cho đến cuối thế kỷ, và các thiên tai sẽ xuất hiện rất nhiều.

2013 có thể nói là năm nóng kỷ lục

Trong một bản báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc nói rằng 2013 có thể là một năm nóng nhất kể từ khi chuyện thời tiết bắt đầu ghi vào sử sách từ năm 1850.

Bản báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mô tả chi tiết về lượng nước mưa, các vụ lụt lội, hạn hán, bão nhiệt đới, băng phủ và mực nước biển. Tổng thư ký WMO, ông Michel Jarraud nói các dữ liệu cho thấy một xu hướng tăng nhiệt rõ ràng. Ông nói: “Thập niên này, thập niên vừa qua là thập niên nóng ấm nhất được ghi nhận và điều chúng ta gọi là những năm lạnh nhất bây giờ thực ra còn nóng hơn so với bất cứ năm nóng nào trước 1998”.

Ông Jarraud nêu ra những khối lượng tập trung khí carbon dioxide (CO2) và các loại khí nhà kính khác trong khí quyển đã đạt những mức cao mới trong năm 2012. Ông nói các khối lượng này dự trù sẽ đạt các mức chưa từng thấy một lần nữa trong năm nay, có nghĩa là thế giới sẽ tiếp tục ấm nóng hơn.

Bản báo cáo nói nhiệt độ bề mặt chỉ là một phần trong câu chuyện về biến đổi khí hậu. Báo cáo nói cái được gọi là chu kỳ nước của các vụ hạn hán, lụt lột và lượng nước mưa nguy hiểm cũng có tác động mạnh đến hiện tượng này.

Trong thời gian 9 tháng đầu năm 2013, bản báo cáo nhận thấy phần lớn các khu vực nằm trên đất liền của thế giới có nhiệt độ cao hơn trung bình, nổi bật là ở Australia, nước đã hứng chịu một đợt nóng rất cao. Bắc Mỹ, đông bắc Nam Mỹ, Bắc Phi, và phần lớn khu vực Âu - Á cũng ghi nhận các nhiệt độ cao.

Bản báo cáo nói lượng nước mưa vượt kỷ lục đã xảy ra ở nhiều nơi thuộc Bắc Mỹ, trong khi các nước phía nam châu Phi như Angola và Namibia thì lại chịu những cơn hạn hán tệ hại nhất từ 30 năm qua. Nhưng bản báo cáo nói lượng mưa trên trung bình đổ xuống phần lớn trung và tây bộ vùng Sahel.

Bản báo cáo của WMO nêu ra rằng lớp băng ở biển Bắc Cực đã phục hồi đôi chút sau vụ tan chảy chưa từng thấy vào năm 2002, nhưng vẫn còn ở một trong các mức thấp nhất ghi nhận được.

Nạn nhân chính là các nước nghèo

Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Ba Lan vừa qua tổ chức bảo vệ môi trường Germanwatch của Đức đã công bố danh sách các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, đó là các nước phía Nam bán cầu. Danh sách nói trên là một “bảng xếp hạng” bao gồm 180 nước, được Germanwatch dựa vào tỷ lệ nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai (tỷ lệ tính trên 100.000 dân), và vào tỷ lệ thiệt hại do thiên tai đối với GDP của cả nước.

Một điều đáng chú ý là, 10 nước đứng đầu bảng là các nước nghèo hoặc đang phát triển. Chẳng hạn như, những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai trong giai đoạn 1993-2012 là Honduras, Myanmar và Haiti. Ước tính trong giai đoạn này, trên phạm vi thế giới, thiên tai đã làm thiệt mạng đến 530.000 người và gây tổn thất vật chất lên đến 2.500 tỉ USD.

Riêng đối với năm 2012, đứng đầu về số người thiệt mạng và có nhiều tổn thất vật chất do thiên tai là Haiti, Pakistan và Phillipines. Đối với Philippines, nước vừa hứng chịu siêu bão Haiyan với những tổn thất về người và của còn chưa tính hết, thì vào năm 2012, đã có hơn 1.400 người thiệt mạng và thiệt hại hơn 1,2 tỉ USD, tức chiếm 0,29% GDP cả nước.

Bên cạnh đó còn có những nước đang chịu nhiều nguy cơ bị thiên tai, và trong số 10 nước đứng đầu có cả Việt Nam.

H.Phan (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc