“Sông Luộc ở Phương Nam” - Hành trình di cư đậm chất văn hóa, quê hương

20:04 | 07/05/2022

261 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Song song với lịch sử chiến tranh, kinh tế, chính trị là những cuộc di cư. Những cuộc di cư chỉ được nhắc đến vài lần trong sách giáo khoa lại luôn chứa đựng những câu chuyện đầy cảm xúc, lay động lòng người. Đó là những câu chuyện đầy hy vọng, mong mỏi, sợ hãi, đợi chờ, khôn khéo, mong muốn được hoàn thành ước nguyện, sự hy sinh, lòng can đảm, tính kiên trì, đau khổ với khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Và đó cũng là nội dung được phản ánh trong cuốn tiểu thuyết "Sông Luộc ở Phương Nam" của tác giả Khôi Vũ.
“Sông Luộc ở Phương Nam” - Hành trình di cư đậm chất văn hóa, quê hương
“Sông luộc ở Phương Nam” - Hành trình di cư đậm chất văn hóa, quê hương

Sông Luộc ở Phương Nam là câu chuyện di cư đầy khó khăn, mưu sinh của gia đình ông Quản tới vùng đất Biên Hòa trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước (sau năm 1954 – quá trình độc lập, thống nhất đất nước 50-90). Trong quá trình di cư ấy có những gian khó bủa vây họ từ thời cuộc, từ đời sống kinh tế, từ giao tiếp văn hóa, cuộc sống tâm linh... cho tới sự đối phó với nhau của chính những người di cư. Có những giọt mồ hôi đổ, nước mắt thậm chí là bị đe dọa tính mạng cùng nhiều đánh đổi. Dù vậy, họ vẫn gắn bó, cư ngụ, mưu sinh tại vùng đất này qua vài thế hệ. Cũng như nhiều người dân Bắc di cư vào Nam, Biên Hòa đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của họ.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc Thái - đứa con trai duy nhất của ông Quản mắc bệnh nan y. Lần này, Thái phát bệnh, bà Quản lo lắng đến doanh trại quân đội - nơi ông Quản làm việc báo tin. Sau khi đi khám, bác sĩ khuyên ông Quản nên đưa Thái vào Sài Gòn chữa trị. Ông Quản quyết định “đào ngũ”, đưa bà Quản và cả gia đình vào Sài Gòn chữa trị cho Thái. Những ngày đầu chân ướt chân ráo vào Nam, khó khăn đủ đường. Mặc dù được người quen giúp đỡ cho ở, giới thiệu cho đi bác sĩ trong Sài Gòn rồi chỉ chỗ thuê nhà ở... nhưng vấn đề của Thái vẫn chưa giải quyết được, thậm chí bệnh ngày càng nặng tới mức ông bà Quản phải chuẩn bị tinh thần mất Thái. Cuối cùng, Thái lại bất ngờ vực dậy và ngày càng tiến triển tốt.

Để tốt cho bệnh tình của Thái, ông bà Quản chuyển đến ở môt nơi xa thành phố, rồi xây nhà, ở tại Biên Hòa. Ông bà bắt đầu kinh doanh, bán lá lợp nhà cho những người di cư giống mình đang có nhu cầu. Hết thời, không còn nhiều người cần đến lá lợp nữa, ông chuyển sang làm đại lý nước cho đề bô Thái Bình với biển hiệu “Thái Bình - Đề bô la ve nước ngọt của hãng BGI”. Thái cũng dần khỏe lại, bệnh ổn định hơn chỉ là không được khỏe mạnh như những đứa con trai khác cùng trang lứa.

Cuộc sống gia đình ông cứ tiếp tục mưu sinh như vậy, ông hết kinh doanh, bán hàng rồi lại làm ruộng, nuôi heo, cố gắng thích nghi với môi trường và những thay đổi của xã hội, của chính quyền. Khi Thái lớn, đi học, đi cải tạo, vào lính rồi về là một dược sỹ làm việc trong cơ quan nhà nước, lấy vợ, sinh con rồi ông bà Quản mất tính ra họ đã gắn bó với Biên Hòa được 3 thế hệ.

Sông Luộc ở Phương Nam là cuốn tiểu thuyết hay, đầy tâm huyết của tác giả Khôi Vũ. Tác phẩm mà Khôi Vũ đã ấp ủ nhiều năm, đi thực tế, cảm nhận và ghi chép nhiều từ thực tế để có được tác phẩm hoàn hảo nhất. Đặc biệt, đây cũng là câu chuyện gắn với gia đình tác giả. Từ khi gia đình ông vào sinh sống ở vùng đất mới Biên Hòa, cha mẹ ông khôn nguôi nhớ về Thái Bình, nơi có dòng sông Luộc chở nặng phù sa, có làng Hới với nghề dệt chiếu cói nổi tiếng. Sông Luộc, dòng sông nối giữa sông Hồng và sông Thái Bình, chảy ra đến biển. Trùng hợp, ở phương Nam cũng có con sông Đồng Nai có nguồn nội địa rồi đổ ra biển. Sự giống nhau giữa hai dòng sông ở hai đầu đất nước, nỗi nhớ thương đau đáu của cha mẹ về làng quê xưa đã khiến Khôi Vũ nung nấu ý tưởng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về những người di cư gốc Bắc.

Cuốn tiểu thuyết dài 158.000 chữ đã nêu bật được tính cách người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Những người vì biến động lịch sử phải dứt áo ra đi, nhưng “tơ lòng” vẫn vấn vương với quê hương, nguồn cội. Trước mỗi một chương là một câu thơ, câu ca dao, tục ngữ hoặc một câu nói nổi tiếng của người nước ngoài. Điều này đã một phần chứng tỏ thành quả của việc nghiên cứu phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống giữa người Việt ở miền Bắc với người Việt ở phương Nam, của người Việt trong nước với người Việt định cư ở nước ngoài, tìm hiểu, lý giải sự cọ sát, chuyển hóa, ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa các vùng miền cho việc viết và hoàn thành Sông Luộc ở phương Nam.

Sông Luộc ở phương Nam – những trang văn thấm đẫm chất thơ đã chinh phục Ban giám khảo khó tính và được đánh giá là cuốn tiểu thuyết viết về “văn hóa và quê hương” rất cuốn hút đã thành công nhận được giải cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Khôi Vũ tên thật là Nguyễn Thái Hải, sinh năm 1950, quê ở Thái Bình. Ông tốt nghiệp đại học Dược năm 1973, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1990), hội viên Hội VHNT Đồng Nai. Ông là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, một người hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Đồng Nai… Năm 2022, ông đã in 30 tập truyện, tiểu thuyết, tập ký (Khôi Vũ) và 40 tập truyện, truyện dài cho thiếu nhi (Nguyễn Thái Hải) và nhận được nhiều giải thưởng Văn học nghệ thuật giá trị.

Hồng Nhung

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps