Sinh viên đánh giá giảng viên: Chỉ là hình thức

07:00 | 13/11/2013

3,392 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ trương lấy ý kiến đánh giá giảng viên từ sinh viên đã được đặt ra từ 5-6 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả xứng đáng. Mặc dù đầu năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể, song ở nhiều trường, việc SV đánh giá GV vẫn chưa được coi trọng.

Đồng thuận những khó triển khai

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Công văn số 7324/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Theo đó, sinh viên đánh giá giảng viên ở 7 phương diện: Công tác chuẩn bị giảng dạy, nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên; học liệu phục vụ giảng dạy, học tập và thời gian giảng dạy của giảng viên; trách nhiệm và sự nhiệt tình của giảng viên đối với người học; khả năng của giảng viên trong việc khuyến khích sáng tạo và tư duy độc lập của người học trong quá trình học tập; sự công bằng của giảng viên trong kiểm tra đánh giá quá trình và đánh giá kết quả học tập của sinh viên; năng lực của giảng viên trong tư vấn và tổ chức, hướng dẫn hoạt động học của người học và tác phong sư phạm của giảng viên.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đây là biện pháp góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy tiên tiến, hiện đại; tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học với quyền lợi, nghĩa vụ học tập, rèn luyện của bản thân, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.

Công tác đánh giá giảng viên vẫn còn nặng nề hình thức, chưa đem lại hiệu quả xứng đáng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định việc đánh giá giảng viên phải đảm bảo truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thông tin phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên phải được xử lý khách quan, trung thực và được sử dụng đúng mục đích.

Ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT cũng cho hay, theo phản hồi từ các trường, 100% đồng thuận triển khai việc sinh viên (SV đánh giá giảng viên (GV).

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Lương Thế Vinh, đang tồn tại hai xu hướng đều khá cực đoan: Một là sử dụng kết quả đánh giá này để tạo sức ép lên người thầy; kiểu thứ hai cho rằng SV không đủ tầm để đánh giá GV nên đưa ra các tiêu chí đánh giá chung chung, mù mờ khiến SV trả lời quấy quá cho xong. Để tránh rơi vào cả hai thái cực này, trường Lương Thế Vinh đã xây dựng bảng câu hỏi khảo sát khá cụ thể, với các tiêu chí và chỉ số mà SV cảm nhận được, hiểu rõ được.

“Việc làm này đòi hỏi sự thận trọng, nên chia thành nhiều giai đoạn, triển khai từng bước vì nếu không cẩn thận sẽ đem lại kết quả ngược, dễ phát sinh tiêu cực. Chất lượng giảng dạy là sự sinh tồn của một trường ĐH nên phai rất thận trọng”- ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Vẫn còn hình thức

TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và khảo thí, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ví von: các giảng viên có là đầu bếp giỏi đến mấy mà nấu một món thì SV cũng chê, vì thế cần thay đổi theo khẩu vị khách hàng. Người học có quyền được phản hồi về các giờ dạy và cho ý kiến.

Tuy nhiên, TS Khanh cũng thừa nhận, nhiều SV còn ngại và có SV không ý thức được điều này. Thậm chí, có cả phó chủ nhiệm khoa bị đánh giá thấp đã phản đối kịch liệt. Đánh giá giảng viên là hoạt động mới mẻ nên một số SV chưa ý thức được việc này, dẫn đến đánh giá qua loa, đại khái, thậm chí có những phiếu đánh giá thiếu tính xây dựng, chưa thật sự nghiêm túc.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra bộ tiêu chí đánh giá giảng viên với 10 tiêu chí và chỉ số, tuy nhiên, bộ tiêu chí này đã vấp phải nhiều ý kiến chưa đồng tình của lãnh đạo các trường. TS Nguyễn Công Khanh cho rằng, việc đánh giá giảng viên phải dựa trên nhiều mặt và SV đánh giá giảng viên chỉ dựa chủ yếu vào mảng đánh giá phương pháp giảng dạy trên lớp.

Bên cạnh đó, không ít SV cũng thừa nhận rằng, dù nội dung gì được đưa vào trong tiêu chí thì các GV có phong cách dễ gần, thường cho điểm cao, rộng rãi trong đánh giá SV vẫn thường được SV "chấm điểm" theo cảm tính. Còn đa số SV các trường thực hiện lấy ý kiến qua trang web nhà trường cho biết họ cảm thấy bị thúc ép, không thoải mái khi tham gia đánh giá GV.

Ông Trần Mạnh Dũng (Trưởng Phòng Đào tạo- Học viện Ngân hàng) cho rằng: Việc lấy ý kiến đánh giá của sinh viên với giảng viên cần tiến hành nhiều lần và nhiều thời gian khác nhau trong năm học. Nếu chỉ lấy ý kiến một lần trong thời gian một năm học dễ dẫn tới sự đánh giá cảm tính.

Thời điểm trước kỳ thi nếu nhà trường yêu cầu sinh viên đánh giá thầy cô, kết quả thường chưa thực sự khách quan. Vậy nên muốn được nghe ý kiến xác đáng, khách quan và trung thực nhất thì nhà trường nên lấy ý kiến sinh viên ngay sau khi kết thúc việc thi hết môn, nhưng chưa công bố điểm.

Ngoài ra, ở nhiều cơ sở giáo dục việc đánh giá giảng viên của sinh viên hiện vẫn chưa mang lại kết quả tốt nhất, một phần do việc sử dụng kết quả đánh giá ở các nhà trường hiện vẫn chỉ mang tính chất tham khảo bước đầu, phần nhiều sinh viên vẫn nghĩ rằng đó chỉ là hình thức nên không có sự mặn mà tham gia.

Khánh An