Sản xuất công nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng dương trong năm 2023

16:40 | 05/10/2023

249 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế nên tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%).

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020, 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 53,34%.

Sản xuất công nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng dương trong năm 2023
Lĩnh vực dịch vụ, du lịch có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 9 tháng năm 2023.

GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 (đạt lần lượt là tăng 2,19% và 1,57%). Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.

Nhìn chung, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2023 đã dần được hồi phục, đóng góp tích cực đối với đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, cho thấy hiệu quả của chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý III/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III tăng 4,57% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,61% (quý I giảm 0,49%, quý II tăng 0,6%). Mặc dù các ngành sản xuất đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, sản lượng và đơn hàng mới nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đang tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng nhìn chung ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,51 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 49,7 trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8, cho thấy các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, mặc dù mức suy giảm là nhỏ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 0,1% so với tháng 8 và tăng 5,1% so với cùng kỳ. Nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế nên tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%).

Sản xuất công nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng dương trong năm 2023
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tích cực trong tháng 9/2023.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 6,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,8%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,4%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 3,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 3%.

Riêng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đã có sự phục hồi tích cực kể từ tháng 8/2023 sau 7 tháng liên tiếp sụt giảm. Trong quý III/2023, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đã có những dấu hiệu khởi sắc khi chỉ số IIP tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 5,4%; quý II giảm 3,6%); tính chung 9 tháng năm 2023 giảm 2,2%.

Có thể thấy rằng, việc chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng trưởng hơn 5% so với tháng 8 và lần đầu tiên IIP tăng trưởng dương là dấu hiệu tích cực cho phục hồi kinh tế quý IV/2023.

Thành Công

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tích cựcSản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tích cực
Ngành nào kéo IIP đi lên?Ngành nào kéo IIP đi lên?
Phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hướng tới kịch bản GDP cả năm khoảng 6%Phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hướng tới kịch bản GDP cả năm khoảng 6%