Sách giáo khoa sau năm 2016: Phát huy tối đa năng lực của học sinh

06:40 | 08/10/2013

1,871 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 9 định hướng đổi mới của đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến sẽ thực hiện thí điểm chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới từ năm 2016 – 2019.

Học nhiều… biết ít

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, chương trình hiện hành về cơ bản vẫn tiếp cận theo hướng nội dung, chạy theo khối lượng kiến thức, còn nặng tính hàn lâm… Có chú ý đến cả 3 phương diện kiến thức, kĩ năng và thái độ nhưng vẫn là những yêu cầu rời rạc riêng rẽ, chưa liên kết, thống nhất và vận dụng tổng hợp thành năng lực hành động, năng lực thực hiện… gắn với yêu cầu của cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, chương trình hiện nay bị quá tải không phải do nhiều kiến thức hoặc cao quá mà do hiện chỉ có một bộ SGK, nên muốn đảm bảo tính khoa học thì các môn học phải trình bày chặt chẽ, logic, bởi vậy một số kiến thức hàn lâm dù không thực sự cần thiết nhưng để chặt chẽ vẫn phải đưa vào.

Bên cạnh đó, chương trình xây dựng bị cắt khúc theo kiểu cấp trên - cấp dưới, các môn không liên thông nên kiến thức bị thừa. Mục tiêu giáo dục hiện nay theo hướng toàn diện, học sinh học như nhau nên không chú ý đến tính phân hóa, dẫn tới nặng về chương trình.

Do đó, đề án hướng tới tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục) theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Để thực hiện những giải pháp nhằm chuyển từ giáo dục chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, chương trình học mới sẽ xác định mục tiêu giáo dục con người vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. Phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ thay vì chỉ chú trọng trang bị kiến thức; kết hợp hài hòa dạy người, dạy chữ và dạy nghề.

Chương trình SGK hiện nay được đánh giá là nặng tính hàn lâm.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh, phải đổi mới việc thi cử gắn với đổi mới chương trình (nội dung, phương pháp, kế hoạch, kiểm tra đánh giá). Khi chương trình mới đặt ra đổi mới kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, phản ánh chất lượng giáo dục theo tinh thần mục tiêu mới và có thể sử dụng kết quả đó vào việc tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các trường được phép tự tuyển sinh, có thể sử dụng nhiều hay ít kết quả thi tốt nghiệp để làm nhẹ bớt tuyển sinh.

Giảm môn học, giảm gánh nặng

Trong Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, trong dự kiến đổi mới, thì dạy tích hợp sẽ khiến số môn học giảm đi, nội dung được xem xét chu đáo, không chồng chéo. Thiết kế chương trình theo hướng phân hóa sẽ phát huy năng lực riêng từng học sinh. Những điều này sẽ khắc phục tình trạng quá tải như hiện nay.

Theo đó, Bộ GD-ĐT dự kiến chương trình sau năm 2015 giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không học cùng một lúc quá 8 môn học.

Những chương trình như giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đổi mới theo hướng tập trung vào những giá trị cơ bản của đạo lý dân tộc, đạo đức xã hội, trách nhiệm cộng đồng, những giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin; giảm tải phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề đào tạo. Dạy học ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng thực tế của người học…

Cụ thể, bậc Tiểu học sẽ chỉ còn 3-6 môn học + 4 hoạt động (hiện nay 11 môn học + 3 hoạt động). Đổi mới hình thức dạy theo hướng tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội (các lớp 1, 2, 3) và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Lớp 4 và lớp 5, thực hiện điều chỉnh và hình thành 2 môn Khoa học và Công nghệ; Tìm hiểu xã hội.

Bậc THCS sẽ chỉ còn 8 môn học + 4 hoạt động (hiện nay 13 môn học + 4 hoạt động). Bậc học này, tăng cường tích hợp trong nội bộ môn học Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công nghệ, Giáo dục công dân… và lồng ghép các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản… vào các môn học và hoạt động giáo dục. Đồng thời, xây dựng 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Bậc THPT, tiếp tục thực hiện tích hợp. Lớp 11 và 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Học sinh học ít môn, trong đó một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Dự kiến có 3 môn bắt buộc (Tiếng Việt, Toán và Ngoại ngữ). Đồng thời, học sinh được chọn 3 môn/chủ đề trong danh mục các môn/chủ đề tự chọn như Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Khoa học về máy tính, Kinh doanh, Ngoại ngữ 2, Nghệ thuật, Hướng nghiệp…

Sẽ thí điểm SGK mới từ năm 2016

Ngoài việc thay đổi số lượng môn học, Bộ GD-ĐT còn dự kiến 8 định hướng nữa trong việc đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông Việt Nam sau năm 2015.

Chương trình sẽ được chuyển dịch theo hướng phát huy khả năng cá nhân của người học.

Những định hướng này bao gồm đổi mới toàn bộ các thành tố của quá trình giáo dục (Mục tiêu giáo dục; Nội dung, cấu trúc của chương trình giáo dục; Phương pháp dạy học; Kiểm tra đánh giá); Chương trình đảm bảo tính hệ thống và nhất quán; Chương trình bảo đảm nền tảng cơ bản, tích hợp cao và phân hóa sâu… cho đến việc cập nhật và hội nhập với xu thế quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông; Chú trọng tính khả thi và điều kiện thực hiện…

Những đổi mới này bắt đầu với việc mới về cách tiếp cận: Xây dựng chương trình phát triển năng lực người học. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, chương trình hiện hành về cơ bản vẫn tiếp cận theo hướng nội dung, chạy theo khối lượng kiến thức, còn nặng tính hàn lâm… Có chú ý đến cả 3 phương diện kiến thức, kỹ năng và thái độ nhưng vẫn là những yêu cầu rời rạc riêng rẽ, chưa liên kết, thống nhất và vận dụng tổng hợp thành năng lực hành động, năng lực thực hiện… gắn với yêu cầu của cuộc sống.

Chương trình mới tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học, không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, động cơ… vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày.

Tiếp cận theo hướng năng lực đòi hỏi học sinh làm/ vận dụng được gì hơn là học sinh biết những gì. Tránh được tình trạng biết rất nhiều nhưng làm/ vận dụng không được bao nhiêu; biết những điều rất cao siêu, nhưng không làm được những việc rất thiết thực đơn giản trong cuộc sống thường nhật.

Theo Ban soạn thảo Đề án, một trong những hạn chế của các lần thay đổi vừa qua là cách làm theo kiểu cuốn chiếu nên thời gian thí điểm chương trình và SGK quá dài. Do đó, định hướng đổi mới lần này chủ trương thực hiện cách biên soạn đồng thời và thí điểm đồng thời 3 cấp nhằm rút ngắn thời gian thí điểm khoảng 3 – 4 năm (từ 2016 – 2019).

Cấp học

Chương trình hiện hành

Chương trình sau 2015 (dự kiến)

Tiểu học

11 môn học + 3 hoạt động

3 - 6 môn học + 4 hoạt động

THCS

13 môn học + 4 hoạt động

8 môn học + 4 hoạt động

THPT

13 môn học + 5 hoạt động

3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (lớp 11 và 12)

Nhã Anh