Quảng Ngãi: Cấm tất cả các phương tiện, tàu thuyền ra biển hoạt động từ trưa 18/9
Ngày 18/9, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi công điện khẩn số 03/CĐ-UBND ngày 17/9 về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu đối với công tác đảm bảo an toàn, thuyền, lồng bè và gió mạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP trên địa bàn cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, bão. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của ATNĐ, bão. Việc này nhằm chủ động phòng tránh, thoát và không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Tất cả tàu, thuyền sẽ bị cấm đi ra biển từ 12 giờ trưa ngày 18/9 đến khi thời tiết ổn định. |
Đồng thời, cấm chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền. Cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (gồm cả tuyến vận tải Sa Kỳ - Lý Sơn) từ 12 giờ trưa này (ngày 18/9) cho đến khi thời tiết ổn định. Ngoài ra, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các tàu, thuyền để xử lý kịp thời, tránh các tình huống xấu có thể xảy ra.
Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu chủ lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản trên sông, biển khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời, thông báo, hướng dẫn hỗ trợ người dân gia cố nhà ở để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, khẩn trương tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, ngã đổ để đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình cơ sở hạ tầng.
Đối với việc ứng phó mưa lớn, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến mưa trên địa bàn để kịp thời thông báo đến người dân trong khu vực để chủ động ứng phó. tập trung di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu… đến nơi an toàn. Đặc biệt, lưu ý các vùng đã bị sạt lở và có nguy cơ cao sạt lở như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long và khu dân các vùng trũng dễ bị ngập như ven sông Trà Bồng, sông Vệ, Trà Câu, Phương Giang…
Bố trí lực lượng canh gác 24/24, cắm biển cảnh báo và quyết liệt ngăn cấm người dân đi qua các khu vực nguy hiểm. Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi đang xuống cấp, có khả năng nguy hiểm như hồ Ông Tới (huyện Mộ Đức), hồ Phượng Hoàng (huyện Bình Sơn)… và bố trí người túc trực vận hành, sẵn sàng xử lý các tình huống. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần kiểm tra công trường và chỉ đạo Chủ đầu tư các công trình đang thi công, các công trình trên sông, suối, vùng ven biển để chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, công trình…
Dự kiến ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, khu vực ảnh hưởng từ tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi. |
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác ứng phó bão, mưa, lũ. Đồng thời, Chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN để tổ chức các biện pháp ứng phó bão, mưa, lũ trên, hướng dẫn phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ để đảm bảo an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 9h ngày 18/9, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 16.9 độ Vĩ Bắc; 113.4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 213km. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10-15km/h. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10. |
Phúc Nguyên
-
Cảnh báo bão Toraji nối tiếp bão Yinxing đổ bộ Biển Đông
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Bão Yinxing sẽ suy yếu khi đi vào vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi
-
Bão Yinxing sắp đổ bộ miền Trung, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống
-
Cuộc thi Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững