Quảng Nam: Người dân thấp thỏm lo sợ vì bờ sông sạt lở

16:19 | 20/10/2022

105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều năm gần đây, tình trạng sạt lở tại bờ sông Vu Gia, đoạn qua thôn Phú Nghĩa (xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) ngày càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, đất sản xuất và tài sản của các hộ dân sống gần đó. Đợt mưa bão vừa qua, tình trạng sạt lở tiếp tục tiếp diễn khiến nhiều hộ dân nơi đây phải di dời khẩn cấp.

Sống trong lo âu

Tình trạng sạt lở tại bờ sông Vu Gia đoạn qua thôn Phú Nghĩa (xã Đại An, huyện Đại Lộc) diễn ra ngày càng nặng. Theo thống kê 3 năm qua, ít nhất hơn 1 héc ta đất sản xuất vòng 1 của người dẫn đã bị “hà bá nuối chửng”. Thời tiết cực đoan cộng với dòng lũ tại thượng nguồn các sông đổ về, dòng chảy mạnh của sông Vu Gia đã làm nhiều diện tích đất của người dân liên tục “biến mất”.

Quảng Nam: Người dân thấp thỏm lo sợ vì bờ sông sạt lở
Bờ sông bị sạt lở tại thôn Phú Nghĩa, cách ngôi nhà gần đó khoảng 10 mét.

Cách đoạn sạt lở bờ sông Vu Gia chừng 3 mét còn có 2 trụ điện lớn mang đường dây trung thế cấp điện cho các xã Đại An, Đại Cường và một số xã khác. Nếu tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra, 2 trụ điện sẽ có nguy cơ bị cuốn trôi theo dòng nước, gây mất an toàn điện, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người dân khu vực.

Ông Ngô Xung (54 tuổi, thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc) cho biết, từ năm 2019 đến nay, gia đình đã mất trắng hơn 1 héc ta đất sản xuất. “Vào mùa mưa bão, dòng nước lớn năm nào đổ về cũng mạnh, sóng nước dâng lên cuồn cuộn cuốn trôi hết đất sản xuất của chúng tôi. Năm nay, tình trạng này tiếp tục diễn ra gây sạt lở còn nhiều hơn mọi năm”, ông Xung nói.

Quảng Nam: Người dân thấp thỏm lo sợ vì bờ sông sạt lở
Ông Ngô Xung đứng trên mảnh đất sản xuất của gia đình đã bị sạt lở.

Gia đình ông Xung cùng 6 hộ dân khác gồm ông Nguyễn Đức Sỹ, ông Ngô Quyên, ông Trần Khương, bà Huỳnh Thị Mai, Huỳnh Thị Huệ và Lê Thị Tám đều nằm cạnh địa điểm thường xuyên sạt lở, cách chừng 10-25 mét. Bà Huỳnh Thị Mai cho biết, nhiều lần bờ sông sạt lở trong đêm, vang những tiếng ầm ầm kéo theo hàng tấn đất rơi xuống xông khiến nhiều hộ dân gần đây phải bỏ chạy đến nơi an toàn.

"Đất sản xuất đã mất khiến chúng tôi không còn chỗ canh tác, giờ ngôi nhà bao nhiêu năm tích góp mới xây được cũng đang cách điểm sạt lỡ chừng 15 mét. Không chỉ tôi mà nhiều người dân gần đây đều lo lắng vì không biết thiên tai sẽ đến khi nào và tài sản của chúng tôi sẽ ra sao”, bà Mai nói.

Quảng Nam: Người dân thấp thỏm lo sợ vì bờ sông sạt lở
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông tại thôn Phú Nghĩa hiện đã được giăng dây, treo biển cảnh báo để đảm bảo an toàn.

Đoạn sạt lở đã cuốn đi hàng tấn đất đá, để lại một vực sâu cao chừng 4 mét, phía dưới là dòng nước đục ngầu, không ngừng chảy xiết. Để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã giăng dây, túc trực cảnh báo nguy hiểm tại đoạn sạt lở bờ sông Vu Gia.

Khẩn trương lên phương án khắc phục

Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Đại An, ông Đỗ Văn Hoà cho hay, tình trạng sạt lở bắt đầu từ năm 2020 nhưng sau đợt bão số 4, 5 vừa qua khiến bờ sông đoạn thôn Phú Nghĩa xảy ra nặng nề hơn. Với tốc độ nhanh như hiện nay, thì khả năng các hộ dân nằm sát bờ sông sẽ gặp nguy hiểm chỉ với một trận lụt nữa.

“Hiện đại phương đã lên phương án và đến các hộ dân nằm gần khu vực sạt lở để di dời đến nơi an toàn. Bà con sau này sẽ được hỗ trợ bằng nguồn xã hội hoá và kinh phí từ cấp trên”, ông Hoà cho biết.

Quảng Nam: Người dân thấp thỏm lo sợ vì bờ sông sạt lở
Lực lượng quân nhân, thanh niên và công an giúp người dân di dời tài sản đến vị trí an toàn.

Theo người dân gần đây cho biết, nguyên nhân khiến bờ sông Vu Gia bị sạt lở có thể do trước đó tỉnh Quảng Nam có chủ trường đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước giải mặn cho TP Đà Nẵng, vì sau khi đập hoàn thành thì tình trạng sạt lở bắt đầu nghiêm trọng hơn.

Trước thông tin đó, Chủ tịch UBND xã Đại An cũng thừa nhận đó có thể là một phần nguyên nhân. “Vì việc đắp đập tạo nên độ chênh lệch mực nước khiến dòng lũ về thì tạo ra dòng chảy mạnh từ trên cao xuống gây nên tình trạng xói lở đất. Lúc đầu thì một đoạn, sau dần nhiều hơn”, ông Đỗ Văn Hoà nói.

Về hướng khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Lê Văn Quang cũng cho biết thêm, qua khảo sát mực nước sáng 19/10 đã thấp hơn 3 mét so với hôm qua, nên có thể tiến hành gia cố, bảo vệ khu vực. Giải pháp trước mắt sẽ là kè bằng cọc tre để ngăn chặn tạm thời, giải pháp lâu dài sẽ kiến nghị lên tỉnh xin hỗ trợ kinh phí để đầu tư kè lại đoạn sạt lở bờ sông đoạn qua thôn Phú Nghĩa.

“Trong chiều nay, máy móc, vật tư và nhân lực sẽ được huy động đến điểm sạt lở để triển khai các biện pháp kè mềm bằng bao tải cát, cọc tre nhằm giữ phần chân bờ kè bị sạt. Tôi đã chỉ đạo các ngành của huyện khẩn cấp thực hiện kè mềm để gia cố tạm thời, hạn chế sạt lở trong đợt mưa sắp tới đây. Qua đó, bảo vệ công trình, nhà cửa, đường dân sinh cho người dân”, ông Quang nói.

Quảng Nam: Người dân thấp thỏm lo sợ vì bờ sông sạt lở
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để khảo sát, lên các phương án xử lý.

Huyện Đại Lộc nhiều năm qua luôn gặp phải tình trạng sạt lở đất tại nhiều vị trí gần nhà dân. Năm 2021, sạt lở bờ sông Vu Gia cũng đã uy hiếp con đường duy nhất vào thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc), khiến 170 hộ dân sinh sống không khỏi lo âu.

Hiện, huyện đã có kiến nghị lên tỉnh Quảng Nam để có các phương án cụ thể nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản cho các hộ dân nơi đây.

Quảng Nam: Hố tử thần xuất hiện trên cầu tại quốc lộ 14B sau mưa lớnQuảng Nam: Hố tử thần xuất hiện trên cầu tại quốc lộ 14B sau mưa lớn
Mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường ở Quảng Nam tê liệtMưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường ở Quảng Nam tê liệt

Huy Linh