Phụ huynh học sinh gửi tâm thư cho chủ tịch tỉnh

07:02 | 08/05/2015

4,625 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ông Nguyễn Văn Phúc (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) đã gửi tâm thư đến ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước về vấn nạn dạy thêm và học thêm trên địa bàn tỉnh nhà. Lá thư dài 7 trang giấy A4 đã trình bày những thực trạng đang diễn ra tại một số trường THPT trên địa bàn thị xã Bình Long.

Chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước sau khi đọc tâm thư.

Sau khi nhận được thư, ngày 5/5, ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức kiểm tra và chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, nâng cao chất lượng giảng dạy của Trường THPT Bình Long. Thông báo kết quả kiểm tra, xử lý của Sở về tình trạng trên cho ông Nguyễn Văn Phúc và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 15/5/2015.

Xin trích đăng nguyên văn lá thư “đặc biệt” này:

“Lời đầu tiên, tôi xin chân thành cảm ơn ông đã bỏ chút thời gian đọc tâm thư này, kính chúc ông Chủ tịch luôn có nhiều sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Thưa ông Chủ tịch! Tôi viết thư này không nhằm mục đích khiếu nại, cũng không nhằm mục đích đả kích hay bôi nhọ bất kỳ ai, mà thông qua tâm thư này, tôi muốn bày tỏ nỗi lòng, tâm tư của một công dân về một vấn nạn đã và đang gây bức xúc, phản cảm cho ngành giáo dục của tỉnh nhà, vấn nạn "ép học thêm" - một vấn nạn mà ai ai cũng có thể cảm nhận, trừ mấy vị Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thị xã Bình Long (kể cả các vùng lân cận khác), Thanh tra Sở GD&ĐT… một vấn nạn mà người dân chúng tôi quá thất vọng nhưng không dễ gì lên tiếng vì một điều gì đó xem ra quá khó hiểu so với những gì mắt thấy tai nghe.

Thưa ông! Có lẽ ông đã quá rõ Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 29/01/2013 quy định về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Quyết định này chính là một văn bản cụ thể hóa một nội dung quan trọng của Luật Giáo dục mà địa phương nào cũng có về dạy thêm, học thêm.

Tôi không bàn đến sự tiến bộ, tính nhân văn trong Quyết định số 08 nói trên, bởi nó là kết tinh của tri thức, đạo đức và tầm nhìn của đông đảo tầng lớp xã hội; nếu có gì cần chỉnh sửa, bổ sung thì đó là cả một kỳ họp của Quốc hội.

Vậy nhưng, trên địa bàn tôi đang thường trú - Hớn Quản, thị xã Bình Long và các vùng lân cận khác nữa, các trường THPT đã và đang tổ chức dạy thêm, học thêm như thế nào, ông Chủ tịch có biết không?

Tất cả các trường THPT đã và đang ngang nhiên tổ chức dạy thêm, học thêm trái pháp luật mà người dân chúng tôi gọi là vấn nạn "ép học thêm"; và hơn thế nữa, vấn nạn này có thể xem là một hành vi thất đức, hèn hạ và vô cảm.

Nếu không nhầm, vào ngày 4/11/2014 (chỉ cách đây mấy tháng), bài báo: “Trường THPT thị xã Bình Long ép học thêm?” đăng trên Báo Bình Phước đã có mặt trên bàn làm việc của ông Chủ tịch (và tất nhiên còn một vài vị khác nữa). Thưa ông Chủ tịch, ông có biết, để có được bài báo đó, nhà báo Nhất Sơn đã trực tiếp phỏng vấn với bao nhiêu em học sinh khối 12 Trường THPT thị xã Bình Long và bao nhiêu phụ huynh học sinh của các em không? Và ông có biết, Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh tiến hành tranh tra nội dung bài báo như thế nào không?

Các em học sinh đã trình bày với nhà báo với nỗi lòng bức xúc nhất, rằng các em đã và đang quá tải bởi việc bị ép học thêm, học suốt ngày nhưng kiến thức gần như không có, tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi nghiêm trọng, và chính các em đưa ra những bằng chứng “mắt thấy, tai nghe” về việc nhà trường ép học thêm; phụ huynh thì cho rằng nhà trường không hề xin phép hay xin ý kiến gì của họ về việc dạy thêm, học thêm tại trường.

Họ chỉ biết đóng tiền bởi tờ giấy thông báo các khoản thu từ phía nhà trường và đành ngậm ngùi nhìn con hàng ngày đến trường học với một thời gian kỷ lục (từ 12 đến 14 giờ trong ngày trong suốt cả tuần) trong một thể trạng mà rất nhiều em nói là “lết xác tới trường”.

Việc thanh tra, ông Chủ tịch xem, như thế này là thế nào?

 Trước thanh tra vài ngày:

- Đồng loạt các em học sinh học thêm tại nhà giáo viên được thông báo tạm nghỉ trong vòng một tuần.

- Trên lớp dạy thêm tại trường. Một giáo viên là Phó hiệu trưởng đến một vài lớp và hỏi cả lớp: Các em cho tôi biết, trong giờ dạy thêm, có chuyện giáo viên dạy nội dung chính khóa không? Có giáo viên nào tổ chức kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết (45 phút) trong giờ dạy thêm không?

Ông Chủ tịch có biết, lúc đó, biểu hiện của cả lớp thế nào không? Thưa ông Chủ tịch, cả lớp lặng yên, các em nhìn nhau và nhìn giáo viên này.  Một lúc sau mới có em lên tiếng: Thưa cô, không ạ.

Ông Chủ tịch có cảm nhận không gian và câu trả lời của em học sinh đó không? Câu trả lời “không ạ” của em học sinh nào đó ông có tin là sự thật không, thưa ông? Cô giáo đó còn hỏi thêm thế này: Lớp mình, có ai không nhất trí học thêm thì giơ tay? (đồng thời cô ấy đảo mắt khắp lớp tìm xem ai là giơ tay (?)). Thưa ông Chủ tịch! Nếu ông là các em học sinh trong tình huống này, ông có thể đứng trước Phó hiệu trưởng trả lời rằng ông không chấp nhận học thêm không?

Khi tổ Thanh tra làm việc tại trường:

- Các em học sinh được gọi lên trả lời các câu hỏi của các vị thanh tra chính là các em được chính giáo viên lựa chọn và trong quá trình các em trả lời các câu hỏi, luôn có một Phó hiệu trưởng và ông Hồ Trọng Lộc là Hiệu trưởng của trường ngồi kế bên; thậm chí có lúc, chính vị Phó hiệu trưởng này hoặc ông Hiệu trưởng trực tiếp hỏi các em chứ không phải vị thanh tra kia. Việc làm này, theo ông, thưa Chủ tịch tỉnh, có thể phản ánh đúng những gì mà bài báo nói trên đã viết lên tất cả nỗi bức xúc của rất nhiều em học sinh cũng như phụ huynh học sinh không?

- Không hề có sự đối thoại nào giữa Thanh tra Sở GD&ĐT và một trong những em học sinh hay phụ huynh học sinh đã phản ánh với nhà báo Nhất Sơn. Thưa ông Chủ tịch! Việc này nói lên điều gì? Phải chăng, Thanh tra Sở đã quá xem thường tiếng nói của người dân chúng tôi, thậm chí, còn xem thường cả tờ báo mà nó đã ghi rất rõ là: “Tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước”.

Tâm thư của phụ huynh Nguyễn Văn Phúc.

Sau thanh tra:

Mọi việc trở nên yên lặng một cách khó hiểu và không hề có sự chấp hành các điều cơ bản nhất của Luật Thanh tra của các vị tiến hành ra quyết định thanh tra, thanh tra và Kết luận Thanh tra. Các em học sinh và phụ huynh học sinh chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ một thông tin chính thức nào một cách công khai từ phía thanh tra.

Thưa ông Chủ tịch! “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” và tinh thần “thượng tôn pháp luật” trong trường hợp này là thế nào? Chỉ có những ai “mù” đúng nghĩa mới không nhìn thấy sự bất thường trong cái gọi là “im lặng một cách khó hiểu”; đó cũng chính là sự bưng bít, “che trời” của các vị có chức quyền trong vụ việc này.

Điều lớn hơn nhiều mà tôi muốn nói với Chủ tịch, đó là hậu quả và sự tổn thương của các em học sinh trong việc bị các Hiệu trưởng các trường THPT ép học thêm là không thể lường hết được.

Thưa ông chủ tịch! 100 thanh sắt mà chúng ta cùng cho vào một lò luyện thì liệu có thể có được cả 100 thanh thép tốt không? Hay, nếu làm vậy, sẽ có không ít thanh sắt phải tan chảy khi chưa kịp ra lò; không ít thanh sắt còn nhuốm thêm bẩn bởi các bụi bặm của các loại tạp nham??? Mà đáng lẽ ra, chúng ta cần phân loại, cái nào luyện thép, cái nào luyện gang, cái nào cần xử lí trước khi mang luyện, và cuối cùng sử dụng vào mục đích gì và chỉ có như vậy thì “thép” hay “gang” hay gì đi nữa cũng đều có giá trị, bởi mỗi một loại đều có chức năng riêng.

Tất cả các em học sinh đều phải đi học thêm. Sáng học không hiểu, chiều cũng giáo viên đó dạy, thì tôi xin hỏi ông chủ tịch, các em có hiểu bài không? Do đó, các em lại phải đi học thêm buổi tối tại nhà các giáo viên hoặc trung tâm. Xin ông chủ tịch đừng nói với tôi rằng “mài” riết rồi “sắt” cũng thành kim. Tiếp nhận kiến thức là cả một quá trình đòi hỏi người dạy không thể có chuyện “nhét” riết rồi cũng vào như nhét củ khoai tây vào bao tải.

Từ văn phòng làm việc của chủ tịch tại Đồng Xoài cho đến TP Bình Dương – quê nhà của chủ tịch, vẻn vẹn khoảng một trăm cây số. Tài xế của chủ tịch có chạy (với tốc độ quy định cho phép) thanh thoát khi lần đầu đưa đón chủ tịch đi trên con đường ĐT 741 không? Hay chỉ sau nhiều lần như vậy, khi đã quen thuộc mọi ổ gà, ngã tư, ngã ba, khu vực dân cư, khúc quanh nguy hiểm… thì lái xe mới tự tin trước vô lăng, thưa ông?

Điều này tôi muốn nói rằng, việc tiếp thu của các em trên trường lớp, từ thầy cô, chỉ thật sự có kết quả khi các em có đủ thời gian tự mình “trải nghiệm” chứ không phải học theo cái kiểu “nhồi nhét”, “cưỡi ngựa xem hoa” hay lý thuyết “sáo rỗng” và xơ cứng, lỗi thời! Xin thưa chủ tịch, chủ tịch có biết thời gian các em được “trãi nghiệm” trong ngày là bao nhiêu và trong một thể trạng thế nào không???

Chủ tịch có biết, quê tôi còn nghè lắm không? 12 năm lo cho con ăn học là 12 năm phụ huynh chúng tôi oằn lưng, là “một nắng hai sương”, là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, là những khoản nợ ngân hàng chưa trả, là rất nhiều buổi sáng phải nhịn dù bụng đói meo, là những bữa cơm chỉ vài con khô, còn rau rác hái quanh nhà… Vì sao chúng tôi phải làm như vậy?

Đó chính là vì một thế hệ ngày mai của chúng tôi được tốt hơn thế hệ chúng tôi, đó là vì ước mong bay cao, bay xa của con em chúng tôi; Hơn thế nữa, đó cũng chính là sự đợi chờ suốt bao năm không chỉ của các em mà là cả tầng tầng lớp lớp phụ huynh chúng tôi cho cả 18 năm chuẩn bị, vun đắp, ước mong. 18 năm không ngắn phải không ông???

Vậy mà giờ đây, khi những ngày tháng cuối cùng của năm học sắp kết thúc, các em học sinh chúng tôi đã và đang có những gì trước một kì thi lớn sắp diễn ra, kì thi Quốc gia năm 2015. Được bao nhiêu em có thể tự tin với kiến thức mình đang có? Hay tuyệt đại đa số các em đều thấy rằng quá trống rỗng trong đầu, trước những đề thi thử chưa đến nỗi quá áp lực mà gần như các em không thể thực hiện dù chỉ với cấp độ trung bình! Bao nhiêu em học sinh phải đứng trước lựa chon phải đăng kí “chỉ xét tốt nghiệp” mặc dù ước mơ của em và gia đình là mái trường đại học rất gần kia nhưng bây giờ đã quá xa xăm???

Tôi chưa nói đến một sự thật phủ phàng hơn là hầu hết các em đều không thể xác định mình sẽ thi vào đâu, ngành gì mới là phù hợp (?). Trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông chủ tịch? Là do phụ huynh chúng tôi hay do nhà trường?

Có thể chủ tịch vẫn cho là cả phụ huynh chúng tôi và nhà trường đều phải chịu trách nhiệm. Đúng vậy, thưa chủ tịch! Nhưng, để trả lời câu hỏi này một cách khách quan nhất, xin ông nhớ rằng, nhà trường đã gần như trực tiếp hoặc gián tiếp ép con em chúng tôi suốt ngày đi học và phụ huynh chúng tôi, cơ may được gặp con em mình chỉ là trong tâm trạng các cháu đã quá mệt mỏi.

Có câu chuyện này, tôi tin là không lạ lẫm gì với chủ tịch. Chúng ta vẫn thường nghe, các công ty xe hơi hàng đầu trên thế giới, mỗi khi sản phẩm của họ bị lỗi, lập tức họ phải thu hồi sản phẩm về để khắc phục sự cố và tất nhiên họ phải chịu toàn bộ chi phí, mà mỗi đợt như vậy, số lượng xe không phải nhỏ tí nào, có khi lên cả con số vài ngàn chiếc.

Thưa chủ tịch, sản phẩm giáo dục của tình nhà nói riêng cũng như cả nước nói chung đã và đang bị lỗi không hề nhỏ chút nào. Với cương vị là người chịu trách nhiệm đầu tiên trước cử tri tỉnh nhà, trước lãnh đạo Đảng bộ tỉnh, trước chính phủ, chủ tịch có suy nghĩ gì về thực trạng suy giảm đáng báo động trong ngành giáo dục tỉnh nhà???

Hay cuối cùng, các sản phẩm giáo dục đã bị lỗi kia sẽ bị nhà trường phủi bỏ trách nhiệm một cách vô cảm mà người chịu tổn thương lớn nhất chính là các em, sau đó là phụ huynh chúng tôi???

Thưa chủ tịch! Xét về tuổi đời, chủ tịch đáng để tôi gọi là anh. Xét về phẩm chất và năng lực, tôi không có tư cách gì để so sánh với chủ tịch. Tôi còn biết chủ tịch là nguyên Thiếu tướng trong lực lượng võ trang Quân khu 7 anh hùng; khi tỉnh nhà trong dầu sôi lửa bỏng, ông đã được Đảng bộ và nhân dân Bình Phước tín nhiệm cũng như phê chuẩn của Bộ chính trị về giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của tỉnh.

Viết tâm thư này, tôi chỉ có một nỗi ước ao, mong chủ tịch hãy một lần “vi hành” trực tiếp đến các trường THPT trên địa bàn thị xã Bình Long và các vùng lân cận; xin hãy lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của lớp lớp thế hệ học sinh, của phụ huynh học sinh, của rất nhiều thầy cô giáo có lương tâm nhưng không dám lên tiếng; xin hãy bằng chính “mắt thấy, tai nghe” và cũng chỉ có như vậy, sự thật mới được trả về một cách minh bạch mà vốn dĩ nó phải thuộc về chân lí.

Bằng chính quyền lực mà người dân chúng tôi đã tín nhiệm và trao gởi cho chủ tịch, tôi kính mong chủ tịch hãy vì lớp lớp thế hệ học sinh mà dang tay chở che, bảo vệ các em. Tương lai của các em cũng chính là tương lai của tỉnh nhà. Xin hãy cho các em một môi trường học tập tốt nhất, đó chính là sự công bằng, công khai, đó chính là lương tâm, là đạo lý và thượng tôn Pháp luật.

Như đã nói ở đầu thư, tôi không có ý định khiếu nại hay bôi nhọ ai. Viết tâm thư này bằng cả sự can đảm và nỗi niềm trăn trở bao ngày tháng, mong ông chủ tịch thấu hiểu cho một người dân nhỏ bé như tôi.

Một lần nữa, tôi xin chân thành chúc chủ tịch nhiều sức khỏe, lãnh đạo tỉnh nhà hoàn thành tốt mọi mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng bộ Bình Phước đã đề ra. Kính chúc chủ tịch cùng phu nhân và các cháu hạnh phúc.

Tôi xin phép dừng TÂM THƯ tại đây với niềm tin và nỗi chờ mong sự lên tiếng từ chủ tịch. Kính chào tạm biệt chủ tịch!”.

Hưng Long

(Năng Lượng Mới)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc