Phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra
Theo đó, trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra hành chính, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra mở tại tổ chức tín dụng đó khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản.
Dự thảo Thông tư liên tịch cũng nêu rõ, việc phong tỏa tài khoản sẽ được thực hiện khi đôi tượng thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà không có mục đích rõ ràng, hợp lý; Có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; Đối tượng thanh tra có hành vi làm sai lệch hiện trạng, tình tiết, chứng cứ ảnh hưởng đến việc kết luận, xử lý trong thanh tra.
Ngoài ra, nếu đối tượng thanh tra không thực hiện các quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì cũng bị áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản.
Về phía tổ chức tín dụng, sau khi có văn bản yêu cầu phong tỏa tài khoản nơi đối tượng thanh tra mở tài khoản của người có thẩm quyền thì phải tiến hành phong tỏa tài khoản. Quyết định phong tỏa tài khoản phải xác định rõ là phong tỏa chiều chi tiền hay cả chiều chi và thu tiền; số tiền bị phong tỏa là toàn bộ hay một phần…
Đặc biệt, Dự thảo Thông tư liên tịch cũng quy định, khi hết thời gian phong tỏa, nếu đối tượng thanh tra không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản thì người ra văn bản yêu cầu: Phong tỏa tài khoản có quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế để thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản; Ra văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khấu trừ tiền trong tài khoản của đối tượng thanh tra chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra; Ban hành quyết định tạm giữ hoặc yêu cầu, kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ giấy tờ, tài sản để bảo đảm việc thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản; Xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử lý hành chính đối với hành vi không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi đối tượng thanh tra có tài khoản cũng phải thực hiện Thông tư này. Theo đó, khi nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định phong tỏa tài khoản phải ban hành kịp thời quyết định để hủy bỏ quyết định phong tỏa tài khoản trước đó…
Dự thảo cũng quy định, với trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản; không thực hiện quyết định phong tỏa tài khoản, quyết định hủy phong tỏa tài khoản; không thực hiện yêu cầu phong tỏa tài khoản, yêu cầu hủy phong tỏa tài khoản, yêu cầu khấu trừ tiền của cơ quan thanh tra thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc cung cấp thông tin về tài khoản, việc phong tỏa tài khoản, việc hủy phong tỏa tài khoản thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thanh Ngọc