Phở "treo": Hình thức thiện nguyện kiểu mới làm ấm lòng giữa phố cổ Hà Nội

17:19 | 04/09/2024

114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian gần đây, một quán phở gia truyền nhỏ trên phố Báo Khánh (Hoàn Kiếm) đã thu hút sự chú ý của mọi người nhờ vào hoạt động thiện nguyện ý nghĩa mang tên “phở treo”.
Phở
Quán Phở "treo" nhỏ nằm trên con phố cổ Báo Khánh, Hà Nội

Phở "treo" trở thành mô hình thiện nguyện độc đáo

Phở treo là mô hình hoạt động thiện nguyện do gia đình chị Phan Lệ mở ra với mục đích san sẻ phần nào bữa ăn cho những người lao động nghèo, những hoàn cảnh khó khăn tại trung tâm Hà Nội. Lấy cảm hứng từ hình thức cà phê “treo” dành cho những người khó khăn tại Italy trong thời gian dịch bệnh COVID-19 và một số mô hình cơm “treo”, bánh mì “treo” tại THPCM, thời gian gần đây, chị Lệ cùng gia đình đã quyết định thực hiện mô hình thiện nguyện này.

Phở
Bảng thông báo số lượng bát phở được "treo" mỗi ngày

Mỗi ngày, quán Tuệ An đều dành khoảng 30 phần phở cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người đến quán có thể nhận từ 1 đến 2 phần, tùy theo nhu cầu. Nói về duyên phận khi mở mô hình Phở "treo", chị Lệ - chủ quán cho biết, trước khi mở mô hình này, gia đình đã phát những suất thức ăn thiện nguyện cho những hoàn cảnh khó khăn đã được 12 năm. Tuy nhiên, biết được mô hình cafe "treo" ở Italy và được sự ủng hộ của gia đình, chị quyết định mở mô hình phở "treo" kiểu mới này để nhân rộng lòng nhân ái của mọi người để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Chị kể: "Khách hàng của chúng tôi là những người lao động quanh khu vực này, và những người đến lấy phở cũng là những lao động nghèo quanh đây. Chúng tôi chủ yếu được người lao động nghèo biết đến qua truyền miệng vì có những người còn không có điện thoại, giành giật, chắt chiu từng bữa ăn."

"Ban đầu họ cũng rất ngại nên thường không dám vào. Chúng tôi mời họ vào và giải thích với họ, ngoài 30 bát cố định do gia đình thiện nguyện, các bữa ăn khác đã được những người ăn trước thanh toán chứ không hoàn toàn là tiền chúng tôi bỏ ra. Biết tâm lý của họ nên gia đình tôi treo tấm biển số lượng phở "treo" lên mỗi ngày, họ thấy còn nhiều phở mới dám vào ăn." - chị Lệ chia sẻ.

Phở
Chị Lệ - cô chủ quán luôn tận tay làm từng bát phở cho những người lao động nghèo

Vừa làm thiện nguyện, vừa bảo vệ môi trường

Mỗi ngày đều có một lượng người lao động nhất định đến lấy phở. Vì mang tâm lý ngại ngùng nên nhiều trường hợp chỉ dám đến xin mang về, không dám ngồi xuống ăn tại quán. Hiểu được tâm lý đó, chị Lệ và gia đình đã mạnh tay chi cho mỗi người một chiếc cặp lồng để mang đi đựng phở. Chị nói: "Trước đây, chúng tôi cũng dùng hộp đồ nhựa để đựng phở cho các cô các bác. Tuy nhiên, khi thấy hiện tượng dùng đồ nhựa nhiều mà không được xử lý đúng chỗ, gây hại cho môi trường, chúng tôi quyết định mua luôn cho mỗi người một chiếc cặp lồng để đựng phở."

Phở
Chị Lệ trao chiếc cặp lồng đã đựng đầy phở cho người đến mang đi

Nói về lý do, chị mong muốn rằng, sẽ bảo vệ được môi trường sống xung quanh, không bị xả thải nhiều đồ nhựa. Cùng đó, khi cặp lồng được rửa sạch sẽ sẽ được tái sử dụng vào lần sau, mọi người cũng không phải ngại ngần khi cầm hộp đến đựng phở. Chị cũng rất kiên quyết yêu cầu mọi người đã có cặp lồng phải mang đi để đựng.

Vừa cầm hộp phở trên tay, vừa gói hộp cho chặt lại, chị Nguyễn Thục Hiền quê ở Thanh Hoá, mưu sống bằng nghề bán đồ dạo rất cảm động khi nhận phở. Chị chia sẻ, dù biết đến quán từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên chị đến quán phở. Mỗi ngày chị chỉ kiếm được 50.000 - 80.000 đồng, cuộc sống không ổn định và phải chăm đứa con bị bệnh hiểm nghèo nên chị chắt chiu từng đồng. Có được suất phở này sẽ đỡ cho mẹ con chị một ngày ăn và thêm động lực để tiếp tục sinh sống.

Phở
Chị Thục Hiền nghẹn ngào cầm hộp phở - suất ăn cả ngày của hai mẹ con chị

Bên cạnh đó, mô hình phở "treo" đã thu hút rất nhiều người dân đến tham gia, thưởng thức món phở và trải nghiệm công việc thiện nguyện tự mình treo bát phở của mình. Bạn Gia Linh (24 tuổi, ngụ ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cô biết đến quán phở qua các kênh truyền thông, vừa được thưởng thức món phở yêu thích và vừa đóng góp một phần công sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cô cảm thấy đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn và mong mô hình này được nhân rộng rãi để cho thể thưởng thức món cơm "treo", mỳ "treo", bún "treo",...

Phở
Mô hình được người dân, đặc biệt là các bạn trẻ đón nhận rộng rãi

Hằng Nga - Diễm Hằng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan