Phí trước bạ ôtô lắp ráp trong nước được giảm 50% trong 3 tháng
Ảnh minh hoạ |
Theo Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi sơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước thì lệ phí trước bạ nộp lần đầu với ôtô, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc và các loại xe tương tự sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%, từ 1/9 đến 30/11. Từ 1/12, lệ phí này sẽ trở về mức cũ.
Đây là năm thứ tư liên tiếp xe sản xuất trong nước được hưởng chính sách này. Nhưng thời gian thực hiện chính sách lần này rút ngắn một nửa so với các đợt điều chỉnh trước đây (6 tháng). Thực tế, giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng sẽ hạ các chi phí để xe lăn bánh. Việc giảm loại phí này cũng nhằm kích cầu tiêu dùng thị trường xe trong nước trong bối cảnh các doanh nghiệp lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), nửa đầu năm nay, tổng doanh số bán ôtô lắp ráp, sản xuất trong nước chỉ đạt 67.849 xe, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 4/2024, doanh số bán ôtô lắp ráp, sản xuất trong nước thấp hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc 3-14%. Điều đáng nói, trong khi sản lượng và doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước liên tục giảm, thì ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng nhanh. Nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã được nhà phân phối mạnh tay ưu đãi, hạ giá sâu giúp tăng doanh số, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe trong nước.
Việc thực hiện các cam kết FTA cũng gây sức ép trước giá thành, chất lượng của xe nhập khẩu. Theo Bộ Tài chính, đây là những khó khăn đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ không đủ để tạo ra sự ổn định trong duy trì sản lượng và doanh số bán hàng, cũng như sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.
Hiện lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại và từng địa phương khi đăng ký. Chẳng hạn, mức phí lần đầu với ôtô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Từ lần nộp lệ thứ hai, mức thu lệ phí trước bạ là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành. Chính sách còn góp phần tăng quy mô của thị trường nội địa, qua đó kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất, cao su... Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, khi xây dựng chính sách này, Bộ Tài chính từng đề nghị Chính phủ cân nhắc không thực hiện. Lý do là thời gian qua Việt Nam nhận được nhiều yêu cầu giải thích khi chính sách có sự phân biệt áp dụng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Để ứng phó, Bộ này đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương rà soát, đưa ra phương án xử lý trong trường hợp Việt Nam có thể bị khởi kiện.
Ước tính, ngân sách giảm thu khoảng 2.600 tỷ đồng khi thực hiện chính sách này.
N.H
Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/7/2023 |
Sản xuất ô tô trong nước bất ngờ tăng mạnh |
Tin tức kinh tế ngày 1/1: Lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước tăng trở lại |
-
Giá vàng hôm nay (10/10): Đồng loạt giảm
-
Hội thảo CLB Ca cao ASEAN (ACC) lần thứ 24 diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu
-
Xuất nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện - Động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
-
Giá vàng hôm nay (9/10): Thị trường thế giới quay đầu giảm
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: GRDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh