Phát triển kinh tế thị trường Việt Nam: Bao năm vẫn loay hoay tháo gỡ rào cản về thể chế
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, việc đánh giá nền kinh tế thị trường Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng và có ý nghĩa. Tuy nhiên, để theo dõi và đánh giá thường kỳ mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam, chúng ta cần dựa trên một bộ chỉ số có tính quốc tế để so sánh với các nước trên thế giới. Điều này tương tự như việc cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, Chính phủ đã dựa nhiều vào các chỉ số Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, Năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đổi mới sáng tạo của WIPO…
![]() |
Tọa đàm Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam |
Trên thế giới hiện nay có 2 bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của các nền kinh tế trên thế giới. Bộ chỉ số thứ nhất là Index of Economic Freedom do Quỹ di sản (The Heritage Foundation) và Tạp chí phố Wall của Mỹ xây dựng từ năm 1995. Bộ chỉ số thứ 2 là Economic Freedom of the World do Viện Fraser Institute (Canada) xây dựng.
Như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có hàm ý rất rõ ràng với Việt Nam hiện nay do nền kinh tế của Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế tại tại tọa đàm Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam do Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, nền kinh tế thị trường Việt Nam vẫn đang có quá nhiều vấn đề tồn tại vì thế để phát triển đúng hướng còn rất nhiều việc phải làm.
Phát biểu tại tọa đàm, TS Lê Đăng Doanh cho hay, trên thế giới đã có 90 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng theo đánh giá của Mỹ, Liên minh châu Âu, Việt Nam chưa được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, theo các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của họ. Ngay cả Trung Quốc cũng chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường.
Theo TS Lê Đăng Doanh, thực tế ở Việt Nam, nhiều ngành và lĩnh vực, cụ thể nhất là thị trường đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng tiêu chí để đánh giá nền kinh tế thị trường ở đây lại rất thấp. Vì thế cần phải đẩy mạnh gỡ bỏ rào cản trong thể chế, nhà nước điều hành không can thiệp sâu vào nền kinh tế thị trường, chỉ nắm giữ ngành quan trọng, cốt yếu để Việt Nam có nền kinh tế thị trường thực sự.
![]() |
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại tọa đàm |
Cùng chung ý kiến trên, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nghị quyết, văn bản xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện tại không thiếu, song quan sát thì thấy chủ yếu vẫn là tinh thần “tháo gỡ rào cản” trong môi trường kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp. Nhưng bao năm nay, các văn bản, nghị quyết vẫn loay hoay tháo gỡ rào cản mãi cũng không xong. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều quốc gia đã chuyển đổi sang giai đoạn quản trị để thuận lợi hóa môi trường đầu tư.
Cũng theo bà Phạm Chi Lan, nếu nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, còn rất nhiều vấn đề để trở thành nền kinh tế thị trường thực sự, đúng nghĩa. Cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam gồm có: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và khối tư nhân. Nhưng các chính sách hiện nay chủ yếu là ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Nêu ý kiến của mình, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, ở cấp độ kinh tế thị trường, rõ ràng, vai trò nhà nước và vai trò thị trường không thể tách rời, không thể đối nghịch nhau mà phải bổ sung cho nhau. Như vậy, cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực chính phủ. Nếu 2 chỉ tiêu này đều tốt thì nền kinh tế thị trường của chúng ta được coi là nền kinh tế thị trường tốt. Đáng tiếc rằng, cả 2 chỉ số này của Việt Nam đều chưa tốt.
Vì thế, theo ông Cung, cải cách sẽ nằm ở 2 yếu tố, cải cách sở hữu và cải cách vai trò của Nhà nước. Hướng chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay không nằm ở vế thị trường, mà nằm ở vế Nhà nước.
"Cho nên phải cải cách Nhà nước, thay đổi tư duy. Khi nói sở hữu chuyển sang kinh tế thị trường thì những thị trường liên quan sở hữu, và những thiết chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp và người dân là những mục tiêu cần nhắm vào để cải cách" - ông Cung nêu rõ.
Đức Minh
![]() |
![]() |
![]() |
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/5: Sản lượng dầu thô của OPEC+ giảm
-
Kế hoạch bí mật của EU về khí đốt Nga và ảnh hưởng đối với xuất khẩu LNG của Mỹ
-
Nga dự báo mạnh mẽ trở lại thị trường dầu mỏ
-
Tin tức kinh tế ngày 14/5: Hà Nội thu ngân sách cao nhất cả nước
-
Doanh số bán xe điện toàn cầu tăng mạnh bất chấp căng thẳng thương mại