Phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số
![]() |
Toàn cảnh diễn đàn |
Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, các nền kinh tế trên toàn thế giới hiện nay đang được dẫn dắt bởi công nghệ số, nên đây là ưu tiên phát triển hàng đầu của các quốc gia, không riêng gì Việt Nam.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay: Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tại Việt Nam, xu thế “số hóa” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế, ngân hàng... Mặc dù vậy, TS Vũ Tiến Lộc vẫn cho rằng, dù có tiềm năng nhưng mức độ phát triển còn hạn chế; hiện tỷ trọng thương mại điện tử mới chiếm 3,6% doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam, trong khi tỷ trọng này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức trung bình là 14,5%.
![]() |
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc diễn đàn |
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, bên cạnh những cơ hội, thì nền kinh tế số, với những mô hình, phương thức kinh doanh mới cũng đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là các thách thức về thị trường, nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà; hay lùi dần xuống những bậc thấp hơn, ít lợi nhuận hơn của các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin đang là một trong những thách thức lớn đối với lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam. Ngoài ra, môi trường pháp lý; thách thức về an ninh, bảo mật; thách thức trong triển khai thương mại điện tử cũng như khả năng thích ứng với nền kinh tế số của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả là các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ, trao đổi về những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp kinh doanh dựa vào công nghệ số, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng, năng lực nội tại của doanh nghiệp trong thực tiễn kinh doanh dựa vào công nghệ số.
![]() |
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, diễn đàn là cơ hội tốt để thảo luận về các giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển và thích ứng được với nền kinh tế số.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, điều kiện cần để các doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế số đó là hạ tầng, nền tảng cho kinh tế số. Chúng ta đã và đang tiếp tục xây dựng hạ tầng cho nền kinh tế số như hạ tầng viễn thông băng rộng; xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng; dịch vụ kết nối nền tảng liên thông; các nền tảng thanh toán điện tử hay xác thực…Tuy nhiên, hai điều kiện cần và đủ nữa cần đề cập đến đó là: vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng bệ đỡ, xây dựng thể chế chắc chắn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể thích ứng và phát triển; nhận thức, mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại diễn đàn |
Cũng bàn đến giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, trong xu thế nền kinh tế số đang phát triển như hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng nên ồ ạt chuyển sang kinh tế số, mà phải phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, trình độ năng lực của từng doanh nghiệp. Theo đó, mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi số phù hợp cho mình.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GMK Nguyễn Đăng Minh chia sẻ, quản trị như thế nào cho hiệu quả và phát huy mọi nguồn lực đã và đang là vấn đề tồn tại với không ít doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Đăng Minh cũng cho biết một thực tế là doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu tư duy làm ra sản phẩm thật tốt mà vẫn đang nghĩ quá nhiều đến lợi nhuận.
Cũng tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, thông tin dữ liệu là rất quan trọng với hoạt động của doanh nghiệp. Từ năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp thống nhất chung cho cả nước. Những thông tin này không chỉ quan trọng với hoạt động quản lý của Nhà nước, mà cũng rất cần thiết với chính hoạt động của doanh nghiệp để tìm kiếm đối tác, hợp tác kinh doanh… Cũng chính vì thế, các doanh nghiệp cần đồng hành cùng thực hiện Chính phủ điện tử, tận dụng mọi cơ chế và phương tiện “Tạo thuận lợi hóa thương mại” như Cơ chế Hải quan một cửa, đăng ký kinh doanh và nhận thông tin trực tuyến; kê khai và quyết toán thuế, bảo hiểm qua Internet; sử dụng hóa đơn điện tử…
Cũng tại diễn đàn, Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) đã công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017-2018. Báo cáo năm thứ 12 được cơ quan này thực hiện có chủ đề: Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số.
Nguyễn Hoan
-
Tăng cường năng lực cạnh tranh qua xuất khẩu xanh
-
Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu
-
Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và châu Mỹ
-
Nâng cao nhận thức về bảo vệ bản quyền và tri thức tại Việt Nam
-
ADB: Ngành công nghiệp sáng tạo kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4