Phát hiện sớm biến chứng tim mạch trên người bệnh đái tháo đường

10:18 | 02/05/2019

242 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh nội tiết chuyển hoá đặc trưng bởi sự tăng glucose máu mạn tính. Bệnh tiến triển mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, não, thận, thần kinh và tim mạch. Trong số các biến chứng do bệnh ĐTĐ gây nên, biến chứng tim mạch là phổ biến nhất và nguy hiểm nhất vì có tỉ lệ tử vong gần 70%.    
phat hien som bien chung tim mach tren nguoi benh dai thao duongMối nguy chết người từ thuốc điều trị đái tháo đường “cấp tốc”
phat hien som bien chung tim mach tren nguoi benh dai thao duongTài xế bị bệnh tiểu đường suýt mất mạng vì… quên ăn sáng
phat hien som bien chung tim mach tren nguoi benh dai thao duongGần 70% người mắc tiểu đường tại Việt Nam chưa được chẩn đoán bệnh

Bệnh ĐTĐ là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng sự xuất hiện và mức độ trầm trọng của các biến cố tim mạch (ở cả nam và nữ): tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên gấp 1,8 lần, tăng nguy cơ bị tai biến mạch não lên gấp 2,4 lần, tăng nguy cơ viêm tắc động mạch chi dưới lên gấp 4,5 lần. Đối với người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), những biến chứng tim mạch được xem là nguy hiểm nhất vì nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tàn tật, mất ngón, đoạn chi, suy tim, nhồi máu cơ tim và thậm chí là tử vong.

Hầu hết những biểu hiện tim mạch do đái tháo đường thường rất âm thầm trong giai đoạn đầu. Vì vậy, đa số người bệnh chủ quan và làm cho các biến chứng này thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị. Các biến chứng trên tim mạch có thể được phát hiện sớm thông qua việc thăm khám và thực hiện các xét nghiệm máu cũng như đo điện tim, siêu âm tim, hoặc các nghiệm pháp đánh giá chuyên sâu khác.

Việc phát hiện sớm các biến chứng giúp cho người bệnh ĐTĐ được điều trị một cách toàn diện, ngăn ngừa các biến chứng cấp tính như nhồi máu cơ tim cấp… Trong trường hợp không được chẩn đoán và điều trị phòng ngừa sớm, người bệnh thường nhập viện ở giai đoạn muộn, gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị, gia tăng tỉ lệ tử vong và chi phí điều trị, cũng như tỉ lệ phục hồi thấp.

phat hien som bien chung tim mach tren nguoi benh dai thao duong
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường

ThS BS. Nguyễn Minh Nhựt - Khoa Nội Tim mạch BV ĐHYD cho biết: “Đường huyết tăng cao và tình trạng tăng đề kháng insulin được xem là con đường chính dẫn đến các biến cố tim mạch ở người bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Các biến chứng tim mạch ở người bệnh ĐTĐ type 2 là cả một quá trình phức tạp, không chỉ do đường huyết cao mà còn do nhiều yếu tố nguy cơ khác như: lớn tuổi, hút thuốc lá, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp… Người bệnh ĐTĐ có càng nhiều yếu tố nguy cơ, thì tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh lý tim mạch càng cao”.

Hiện tại việc dùng thuốc kiểm soát đường huyết và dự phòng cũng như làm giảm các biến cố tim mạch là vấn đề hàng đầu luôn được bác sĩ quan tâm và cân nhắc. Bên cạnh đó, vấn đề thay đổi lối sống lành mạnh, nâng cao sự hiểu biết về bệnh tật, vai trò của tuân thủ điều trị cũng như các chương trình giáo dục sức khỏe, tầm soát sớm biến chứng đái tháo đường luôn được đề cao. Hiểu biết đặc điểm về bệnh lý cũng như những biểu hiện lâm sàng của biến chứng tim mạch sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế sự tiến triển của bệnh tim mạch ở các người bệnh ĐTĐ.

BS. Trần Minh Triết - Khoa Nội tổng hợp BV ĐHYD chia sẻ: ĐTĐ type 2, một khi đã được chẩn đoán cần được điều trị sớm, theo dõi và duy trì suốt đời. Chính vì vậy việc tuân thủ điều trị là tối quan trọng. Người bệnh cần tham gia những chương trình tầm soát và giáo dục sức khỏe sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về bệnh và được chẩn đoán, xử trí sớm những vấn đề sức khỏe của mình. Từ đó có cuộc sống vui khỏe với bệnh lý ĐTĐ type 2 của mình.

Như trường hợp bệnh nhân T.T.M., 60 tuổi, nhà ở Thủ Đức, phát hiện ĐTĐ cách đây 5 năm, trong khoảng thời gian đầu, bệnh nhân theo dõi và điều trị liên tục, kết quả điều trị ban đầu rất khả quan, nhiều lần tái khám kết quả đường huyết đều nằm trong giới hạn tốt. Tuy nhiên dần dần bệnh nhân chủ quan, tự mua thuốc theo toa cũ uống và thỉnh thoảng tự đo đường huyết tại địa phương, thấy đường huyết trong giới hạn bình thường, nên không đi tái khám nữa. Trong một lần dọn dẹp nhà cửa, bệnh nhân đột nhiên lên cơn mệt, khó thở, đau ngực trái dữ dội và được người nhà đưa đến cấp cứu tại BV ĐHYD. Tại đây bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp, được tiến hành chụp mạch vành, can thiệp mạch cấp cứu và sau đó được điều trị tích cực. Sau hơn 1 tuần nằm viện, sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục và trở về cuộc sống bình thường.

BS. Trần Minh Triết cho biết, ĐTĐ là một bệnh lý mạn tính, có nhiều biến chứng, trong đó biến chứng trên tim mạch là hàng đầu. Do đó bên cạnh điều trị ổn định đường huyết, người bệnh cần tái khám định kỳ để được tầm soát các biến chứng liên quan đến ĐTĐ, trong đó biến chứng tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho người bệnh ĐTĐ.

Mai Phương