PGS.TS Nguyễn Văn Huy: "Phải thay đổi tư duy làm bảo tàng"

18:45 | 20/09/2012

2,534 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Câu chuyện hơn 11.000 tỉ đồng để xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đại, hoành tráng làm dấy lên trong dư luận không ít những lo ngại. Bởi thực tế, các bảo tàng của chúng ta chưa sử dụng hết công năng của nó. Hệ thống bảo tàng cũ kỹ, lạc hậu. Bảo tàng vẫn còn xa lạ với đông đảo người dân. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy làm bảo tàng, trước khi nghĩ đến việc xây dựng một bảo tàng mới hay chưa? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học về vấn đề này.

PV: Hầu như hiện nay tỉnh thành nào cũng có bảo tàng. Nhưng các bảo tàng của chúng ta rất vắng khách tham quan. Ngay tại Bảo tàng Hà Nội được đánh giá là lớn nhất Việt Nam, sau 2 năm hoạt động theo thống kê chỉ có khoảng 130 nghìn lượt khách. Vì sao một đất nước luôn chú trọng đến việc phát triển văn hóa, giáo dục lại vẫn xảy ra tình trạng này, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tôi nghĩ các bảo tàng của nước ta ít khách tham quan là có thể hiểu được. Hiện nay rất hiếm bảo tàng thu hút được đông khách. Nguyên nhân thì có nhiều lắm nhưng một trong những lý do quan trọng theo tôi là chất lượng làm bảo tàng chưa tốt, các trưng bày không hấp dẫn, theo một phong cách cũ không đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan.

Phần lớn trưng bày ở các bảo tàng không được đầu tư thích đáng, đặc biệt là các bảo tàng địa phương. Mỗi năm các bảo tàng tỉnh chỉ được khoảng 300 triệu, nhiều lắm đến 500 triệu để nuôi sống toàn bộ bảo tàng, kể cả lương và tất cả các khoản phí. Vì vậy rất khó để có được những trưng bày tốt. Việc trưng bày muốn lôi cuốn được khách thì phải liên quan đến hệ thống chiếu sáng đặc biệt, thiết bị tủ kệ hiện đại và tinh tế, các pano, đồ họa phải đẹp, thích ứng được đòi hỏi mới mẻ của công chúng, nhưng với đồng tiền bỏ ra không đáng kể như thế chắc chắn chúng ta không thể có những trưng bày tốt được. Các bảo tàng thường nghĩ các trưng bày chuyên đề chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn để phục vụ một nhiệm vụ chính trị nào đó thôi nên các bộ chủ quản hay Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cũng không nghĩ đến việc đầu tư kinh phí một cách đầy đủ.

Về mặt nội dung cũng ít được đầu tư để có những ý tưởng thật hay cho trưng bày. Không có những nghiên cứu về nhu cầu của khách tham quan để trưng bày có thể đáp ứng được nhu cầu đó. Thường người làm bảo tàng nghĩ ra chủ đề gì thì đi tìm hiện vật để minh chứng. Vì thế chắc chắn sẽ không đưa lại được sự hấp dẫn cho khách tham quan.  

PGS.TS Nguyễn Văn Huy

PV: Có ý kiến cho rằng, do chúng ta chưa có được đội ngũ chuyên nghiệp. Làm bảo tàng phải có những nguyên tắc chuyên môn hay thiết kế nội thất riêng nhưng hiện tại ở ta lại đang làm rất lộn xộn?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Thiết kế nội thất của bảo tàng là một lĩnh vực rất riêng nhưng thường những người họa sĩ, các kiến trúc sư không được đào tạo chuyên sâu về nội thất bảo tàng… Chất lượng trưng bày nội thất trong bảo tàng phụ thuộc vào tay nghề, quan niệm, nhận thức của họ. Nhưng những người làm nội thất của chúng ta bây giờ thường ít đầu tư và ít sáng tạo. Điều dễ nhận thấy là những thiết kế nội thất của nhiều bảo tàng mới ở ta thường rất giống nhau. Thường người ta sử dụng mô hình thiết kế sẵn và cứ thế đem lắp vào trong các bảo tàng. Vừa nhanh, vừa rẻ tiền nhưng chính đó là tính thiếu chuyên nghiệp. Điều này một mặt vừa liên quan đến tay nghề và đạo đức nghề nghiệp của người làm thiết kế nội thất nhưng một mặt khác là do quan niệm và nhận thức của những người làm bảo tàng chưa đầy đủ, họ chưa đặt ra những yêu cầu cao đối với thiết kế. Một trong những căn bệnh rất phổ biến ở các bảo tàng của chúng ta hiện nay cũng góp phần khiến khách thăm quan không thấy hấp dẫn là khi làm trưng bày người ta rất không chú ý đến hiện vật, thường bày xô bồ, trong khi đó lại xem trọng trang trí. Tức là tạo ra rất nhiều những phù điêu bằng đồng hay đủ loại chất liệu khác nhau, tranh vẽ, hiện vật phục chế không gây ra được cảm xúc hay không tạo được sự thích thú cho khách thăm quan. Trong khi đó nội thất, đồ họa đòi hỏi tôn vinh hiện vật một cách tinh tế, rất tỉ mỉ thì lại không được chú ý. Những kiến trúc sư, họa sĩ nội thất lẽ ra phải tính toán đến từng hiện vật, chẳng hạn hiện vật bé, nhỏ thì phải tạo giá đỡ cho chúng để khách xem có thể cảm thụ được vẻ đẹp hay ý nghĩa của hiện vật đó nhưng họ lại để chúng nằm bẹp trong những tủ giá kệ đồng loạt, bị đối xử giống nhau. Mỗi hiện vật có một cá tính, lịch sử và đặc điểm riêng nên người thiết kế nội thất phải hiểu và biết xử lý chúng, tiếc là hầu hết bảo tàng của ta không quan tâm đến yêu cầu tối thiểu này.

PV: Các bảo tàng của chúng ta phần lớn là được bao cấp và chắc chắn nếu không có sự bao cấp này thì bảo tàng sẽ “chết”, nhưng ông lại cho rằng, bao cấp đang làm thui chột cả một hệ thống bảo tàng. Là người hoạt động lâu năm trong ngành bảo tàng, xin ông cho biết lý do nào khiến ông đưa ra nhận định đó?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Bao cấp là một điều rất nguy hiểm, tai hại. Tôi chưa bao giờ thấy Nhà nước mà đại diện là các cơ quan chủ quản đánh giá chất lượng của các cuộc trưng bày ở bảo tàng. Họ không đánh giá tính hiệu quả của trưng bày, của bảo tàng được thể hiện ở độ hấp dẫn khách. Mỗi cuộc trưng bày cần phải khảo sát xem có bao nhiêu khách đến thăm, có ảnh hưởng đến xã hội như thế nào… Trong bảo tàng thường có những cuộc trưng bày mà chúng tôi nói vui là cuộc trưng bày “cúng cụ”, nghĩa là cứ đến những ngày kỷ niệm hay lễ lớn lại mở ra trưng bày nhưng cắt băng khánh thành xong không ai tính toán đến kết quả cuối cùng là được công chúng hoan nghênh thế nào. Nhưng cuối năm tổng kết tất cả các cuộc trưng bày kiểu ấy đều được đánh giá là rất thành công, có các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hay cấp tỉnh, thành phố đến thăm và ghi nhận đó là kết quả. Năm sau họ lại tiếp tục được cấp tiền làm trưng bày tương tự. Cá nhân tôi nghĩ, cuộc trưng bày chỉ có hiệu quả đối với xã hội khi trưng bày thu hút được đông đảo khách đến thăm. Vì thế mới có câu chuyện chính bao cấp giết chết bảo tàng. Nó không kích thích nhu cầu về chất lượng và sự sáng tạo ở mỗi cuộc trưng bày, ở mỗi bảo tàng. Nước Nhật hiện nay đã tính khác, trước đây người ta cũng cung cấp tiền cho các bảo tàng nhưng bây giờ tiền được đưa về một quỹ, bảo tàng nào muốn làm trưng bày phải có 1 dự án và được đánh giá một cách nghiêm túc. Cuối cùng, nếu dự án đó đảm bảo được tính khoa học, đáp ứng được nhu cầu của công chúng và kết quả sẽ thu hút được nhiều khách thì họ mới đầu tư cho dự án đó.

Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học (ảnh: Mạnh Thắng)

PV: Người Việt thường hình dung bảo tàng nào cũng thực hiện nhiệm vụ chính trị và phục vụ chức năng tuyên truyền là chủ yếu chứ không nhìn nhận đến bảo tàng như một nét văn hóa?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Đó là một tư duy hết sức sai lầm. Một trong những chức năng quan trọng nhất của bảo tàng là giáo dục. Giáo dục thông qua các hiện vật là các chứng cứ lịch sử, di sản văn hóa. Bảo tàng cung cấp cho người xem các  thông tin về hiện vật, qua đó giúp họ cảm thụ và hiểu thêm về những sự kiện lịch sử, các nét văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật để người ta hiểu được giá trị của các hiện vật đó. Lấy tuyên truyền làm mục đích hay áp dụng phương pháp tuyên truyền trong bảo tàng là điều hoàn toàn không đúng với tôn chỉ của bảo tàng. Chúng ta phải có cái nhìn mới về bảo tàng như như thông lệ trên thế giới.

PV: Nghĩa là chúng ta cần một tư duy làm bảo tàng khác đi và mới hơn?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Chúng ta phải thay đổi tư duy về bảo tàng và cách làm bảo tàng. Không phải chỉ những người làm bảo tàng mà cả những nhà quản lý ở cấp cao hơn bảo tàng cũng như các ngành có liên quan như tuyên giáo, kế hoạch - đầu tư, tài chính… cũng phải có tư duy mới thì mới giúp vực các bảo tàng lên được, tức là tạo cho bảo tàng có chất lượng và thu hút đông đảo khách thăm. Rất nhiều bảo tàng hiện nay kể cả các bảo tàng ở trung ương cũng như ở địa phương, vì nghĩ đến tuyên truyền nên làm bảo tàng cứ như làm thông sử, nghĩa là lịch sử diễn ra như thế nào thì bảo tàng cũng phải trình bày tuần tự theo đúng các giai đoạn lịch sử đó, trong khi lại không có hiện vật. Người ta nghĩ rằng, bỏ qua các giai đoạn, thậm chí bỏ qua sự kiện nào đó đều là thiếu sót, thiếu ý thức chính trị và không phản ánh đúng lịch sử. Vì không được bỏ qua những giai đoạn không có hiện vật trưng bày nên người ta phải làm các phù điêu hay hình vẽ để thay thế cho chỗ khuất đó. Điều đó vi phạm đến ngôn ngữ của bảo tàng đó là hiện vật - những bằng chứng lịch sử. Thay thế hiện vật là đi sai mục đích của bảo tàng; đó chính là biến bảo tàng thành nơi minh họa sách giáo khoa lịch sử.

Các bảo tàng Việt Nam không thiếu hiện vật, vấn đề là chúng ta kể chuyện về chúng như thế nào, ít có cách trưng bày của ít, nhiều có cách trưng bày của nhiều.

PV: Nhưng đến các bảo tàng khách tham quan thường có cảm giác hiện vật quá ít, lại rối rắm, khó hiểu. Trong khi đó tâm lý chung của dân chúng là đều muốn xem những cái dễ hiểu, hoặc đơn thuần chỉ muốn tìm lại những giá trị, ký ức cũ…

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Hiện nay ở nước ta những bảo tàng lớn cũng không nhiều đâu, lớn như Bảo tàng Hà Nội cũng là duy nhất thôi. Như tôi đã nói, các bảo tàng thường bố trí giống nhau, hiện vật đều trưng bày trong tủ tường và đặt trên một mặt phẳng. Thủ pháp và kỹ thuật trưng bày của chúng ta còn tùy tiện, không khoa học, thiếu tính sáng tạo.

Giờ chúng ta đang làm bảo tàng theo tư tưởng bao cấp, không làm tốt cũng chả sao. Đó là điều đáng buồn vì chúng xảy ra ở hầu hết các bảo tàng trên khắp đất nước.

PV: Vậy theo ông, có cần làm một cuộc “đại phẫu” cho cả hệ thống bảo tàng trên khắp đất nước?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Nếu muốn một bảo tàng quốc gia thu hút hàng triệu khách tới thăm hay một bảo tàng tỉnh có số khách cũng nửa triệu trên một năm như ở nhiều nước trên thế giới thì chắc chắn phải làm một cuộc “đại phẫu” trong hệ thống bảo tàng nước ta. Rất nhiều ngành kinh tế, xã hội ở nước ta đã trải qua cuộc đại phẫu này, tại sao giới bảo tàng lại không làm được. Phải chăng họ chưa có điều kiện hay chưa được quan tâm đúng mức, hay bản thân họ chưa có nhu cầu?

Ngay như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mà chúng ta đang định xây dựng, theo tôi, nếu không thay đổi tư duy chúng ta sẽ thất bại. Tôi cho rằng, cần phải rút ra từ  những bài học sai lầm đã gây tổn thất cho hệ thống bảo tàng là xây cứ xây, nội dung chuẩn bị sau. Tư duy đó dẫn đến thất bại của hệ thống bảo tàng. Đó là bảo tàng thiếu sức sống, không có khách. Cho nên, nhất thiết chúng ta phải tiến hành song song, vừa xây dựng tòa nhà, vừa xây dựng nội dung, không thể khánh thành tòa nhà trước và làm nội dung trưng bày sau mà quá trình cho ra đời một bảo tàng là sự đồng bộ cả hai phương diện này.

Câu chuyện thứ 2 quan trọng hơn, nội dung trưng bày đó phải đảm bảo chất lượng cao, tức nội dung phải phù hợp với công nghệ làm bảo tàng của thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, đáp ứng được những kỹ nghệ mới nhất.

Du khách nước ngoài tham quan tại Bảo tàng Dân tộc học (ảnh: Mạnh Thắng)

PV: Để đạt được điều đó, chúng ta phải có một nguồn nhân lực mới. Vậy muốn đào tạo nguồn nhân lực có thể tiếp cận với những tư duy tiên tiến như vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Đào tạo nguồn nhân lực là câu chuyện muôn thuở. Làm bảo tàng ở đây chúng ta vừa phải đào tạo tại chỗ trên thực tế vừa làm vừa học. Các bảo tàng mới hay đang chuẩn bị xây mới thì nên tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề như những thử nghiệm để triển khai tư duy làm bảo tàng mới. Nhiều thử nghiệm mới thành công thì mới có bảo tàng tương lai tốt. Phải tập trung nhân lực làm cho tốt từng trưng bày. Những cuộc trưng bày nhỏ mà ta làm tốt với một ý thức làm để học, để nâng cao tay nghề và để tạo ra hiệu quả thì cả kíp làm trưng bày sẽ học được rất nhiều. Ta có thể mời các nhà tư vấn ở nước ngoài đến giúp làm những trưng bày thường xuyên, quá trình đó là đào tạo kèm cặp, truyền tay. Thêm nữa, ta cũng nên cho người đi học hỏi, tham quan ở nước ngoài, đào tạo những ekíp làm bảo tàng có tinh thần mới, tư duy mới. Cuối cùng, những người được đào tạo để làm bảo tàng phải thực sự có bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp để sáng tạo trong việc phát huy giá trị của di sản. Tôi rất mong giới bảo tàng ở trung ương cũng như địa phương thực hiện nhiều cách đào tạo (vừa làm, vừa học, học truyền nghề với các chuyên gia bảo tàng nước ngoài và đào tạo bài bản ở nước ngoài) và học cách tư duy mới ở các bảo tàng tiên tiến ở các nước khác. Kiên trì nhiều năm ta sẽ đào tạo được những người làm bảo tàng thực thụ, chuyên nghiệp.

PV: Thế nhưng, muốn làm được điều đó thì các cấp quản lý phải đánh giá đúng vị trí của bảo tàng trong đời sống văn hóa?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Đúng vậy, chính vì các cấp, các ngành chưa quan tâm nên các bảo tàng được đầu tư rất ít trừ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội và một vài bảo tàng khác. Có thể nói, 90-95% là đầu tư cho các bảo tàng chưa đầy đủ. Điều thứ hai là nhiều khi các cấp lãnh đạo, các ngành lại can thiệp quá sâu vào công việc của bảo tàng. Lãnh đạo tỉnh, thành phố nhiều khi chỉ đạo là phải trưng bày hiện vật này, hiện vật kia… là không đúng. Tuyên giáo thì lúc nào cũng lo bảo tàng trưng bày đi lệch hướng, yêu cầu trưng bày cả những giai đoạn không có hiện vật… Hãy giao toàn bộ trách nhiệm cho các giám đốc bảo tàng để họ thực hiện nghề nghiệp của họ một cách tốt nhất. Đó là yêu cầu và cũng là mong mỏi của những người làm công tác bảo tàng hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thái Linh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 156, ra thứ Ba ngày 18/9/2012)