Ông Trần Hoàng Ngân: ‘Nên rót vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng cứu doanh nghiệp’
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM có cuộc trao đổi với VnExpress để làm rõ hơn câu chuyện tiếp cận vốn vay ngân hàng mùa dịch cho doanh nghiệp.
- Gói tín dụng 285.000 tỷ đồng lãi suất thấp là một trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ công bố sớm nhất khi Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nay có nhiều ý kiến trái chiều về tính hiệu quả. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ nguồn vốn của gói hỗ trợ hơn 285.000 tỷ đồng này là do các ngân hàng thương mại bỏ ra, không phải đến từ ngân sách Nhà nước. Vì vậy, đây hoàn toàn là việc kêu gọi ngân hàng trên tinh thần tự nguyện "hy sinh lợi nhuận" để đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất cho khoản vay mới.
Tôi cho rằng, bản thân các ngân hàng cũng sẵn sàng giảm lãi, nhưng cái khó là họ lấy gì để đảm bảo an toàn cho khoản vay đó? Nếu ngân hàng cho vay không có điều kiện hoặc dưới chuẩn trong bối cảnh nhiều rủi ro như hiện nay, khi không thu hồi được nợ, họ lấy tiền đâu để trả cho người gửi tiết kiệm?
Do đó, theo tôi mục đích gói tín dụng 285.000 tỷ là hỗ trợ về mặt giảm lãi suất, không đồng nghĩa việc ngân hàng phải cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn vay khi họ không chứng minh được khả năng trả nợ. Trên thực tế cũng không có chỉ tiêu hay văn bản pháp lý nào quy định ngân hàng thương mại phải cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 vay vốn.
Ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh và rất sợ không thu hồi được vốn, phát sinh nợ xấu nên cần phải đảm bảo được hài hoà lợi ích giữa người cho vay và người đi vay. Nếu ngân hàng vỡ trận còn nguy kịch gấp nhiều lần, tương tự như những gì chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 khi cục nợ xấu để lại ảnh hưởng trong suốt thời gian dài.
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM. Ảnh: QH. |
- Vậy giải pháp nào cho doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ không chứng minh được dòng tiền, tài sản đảm bảo nhưng cần vay vốn mới duy trì hoạt động?
- Trong hoàn cảnh này, tôi cho rằng cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Hiện nay, bên cạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội, một số nước có gói hỗ trợ để cho vay với doanh nghiêp nhỏ và vừa (SMEs) dưới hình thức quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhằm giúp họ tiếp cận nguồn vốn mới của ngân hàng.
Chẳng hạn như Pháp triển khai gói hỗ trợ này với quy mô rất lớn. Cơ quan địa phương Paris đã hợp tác với Bpifrance tung ra "kế hoạch khẩn cấp" giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng và rút ngắn thời gian giải ngân chỉ trong vòng 30 ngày. Theo đó, Quỹ Bpifrance đứng ra bảo lãnh giúp SMEs tiếp cận khoản vay ngân hàng trị giá hơn một tỷ euro.
Tương tự, Chính phủ Việt Nam cũng nên có gói hỗ trợ bổ sung vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Lâu nay, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động không hiệu quả một phần vì vốn quá mỏng, tuỳ thuộc vào ngân sách từng địa phương và điều kiện bảo lãnh khó khăn.
Thời điểm này, nguồn bổ sung từ Chính phủ sẽ giúp quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn có tiền hỗ trợ bù đắp rủi ro. Các quỹ này có thể tập trung cho một số doanh nghiệp nằm ở khu vực đầu tàu như Hà Nội và TP HCM... Chỉ với giải pháp này, ngân hàng mới có thể mạnh dạn cho vay và doanh nghiệp thì tiếp cận được vốn.
Chính phủ trả lương cho bộ máy và đâu thể lãng phí nguồn lực của quỹ hỗ trợ. Bảo lãnh thì chắc chắn có rủi ro nhưng phải biết chấp nhận rủi ro ở mức thấp nhất và vượt qua sự sợ hãi. Quỹ bảo lãnh cứ chấp nhận bình yên thì sao doanh nghiệp có thể tồn tại được trong bối cảnh khó khăn này?
Dĩ nhiên, đây cũng là quá trình sàng lọc doanh nghiệp nên phải cân nhắc khi thực hiện. Quỹ bảo lãnh có thể hỗ trợ những doanh nghiệp tuy không có tài sản đảm bảo nhưng phải có khả năng tồn tại sau dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể giao chỉ tiêu cho quỹ phải bảo lãnh được bao nhiêu doanh nghiệp để họ thể hiện đúng vai trò của một đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp.
Hàng loạt hàng quán tại Hà Nội đóng cửa để phòng dịch bệnh. Ảnh: Giang Huy. |
- Dùng ngân sách để rót vốn vào quỹ bảo lãnh có thể giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nhưng Chính phủ lấy tiền đâu để thực hiện việc này?
- Các gói hỗ trợ của Việt Nam cần được mở rộng nhưng khi ban hành phải tính toán, cân đối để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, bội chi ngân sách trong năm nay sẽ cao hơn 2019, nhưng vẫn đảm bảo an toàn nợ công. Trong những năm gần đây, nợ công đã được kéo giảm từ 63,7% xuống 56% trong năm 2019. Tôi cho rằng nợ công năm nay có thể nhích lên nhưng vẫn nằm dưới mức trần quy định của Quốc hội.
Về tình hình thu ngân sách, quý I ngân sách thu hơn 311.000 tỷ - là số tiền khá lớn trong khi chi ít đi. Với Nghị định 41 hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế, ngân sách vẫn đảm bảo có nguồn thu.
- Chính phủ các nước đang cân nhắc phát hành trái phiếu "corona bond - trái phiếu sinh ra trong thời kỳ corona". Ông nghĩ sao về phương án phát hành trái phiếu để huy động nguồn tiền nhàn rỗi của dân khi họ rút ra khỏi một số kênh đầu tư lúc này?
- Việc phát hành trái phiếu cũng nằm trong kế hoạch của Bộ Tài chính nếu họ thấy cần thiết để bù đắp nguồn chi. Huy động trái phiếu Chính phủ luôn được thị trường hưởng ứng vì sự an toàn và ít rủi ro.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cân nhắc thêm việc tiếp cận những khoản cho vay hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB... với lãi suất ưu đãi.
- Thời gian qua, ngành ngân hàng đã có loạt chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm phí, lãi vay cũ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19? Ông đánh giá thế nào về những giải pháp này?
- Trong thời điểm ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là chống dịch và bảo vệ sức khoẻ người dân thì việc hỗ trợ "sức khoẻ doanh nghiệp" cũng cần tiến hành song song và phải làm nhanh.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước đã tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc ban hành Thông tư 01 về cơ cấu nợ, miễn giảm phí và lãi cho khoản vay cũ, tuỳ thuộc vào khả năng của các ngân hàng thương mại. Đây là chính sách quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp đình trệ và ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế là các doanh nghiệp chưa có sự tiếp cận đồng đều nên lúc này Uỷ ban nhân dân các địa phương nên đứng ra làm cầu nối để giúp họ được ngân hàng cơ cấu lại nợ. Còn việc giảm lãi suất khoản vay cũ phải tuỳ thuộc vào khả năng của từng ngân hàng thương mại.
- Theo ông, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu nào khác để hỗ trợ nền kinh tế trước sự ảnh hưởng ngày càng lớn của đại dịch?
- Trong nền kinh tế, đầu tư của tư nhân và nước ngoài thường chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 80% trong tổng vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cả hai nguồn này đều giảm. Vậy nên, đầu tư công là yếu tố quan trọng có thể tháo được điểm nghẽn, giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn sau khi hết dịch.
Chính phủ đang thúc đẩy việc đầu tư công khi yêu cầu đảm bảo giải ngân 695.000 tỷ đồng. Đây là khoản nằm trong dự toán ngân sách 2020 cũng như khoản từ 2019 chuyển qua, giúp đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, sân bay...
Luật Đầu tư hiệu lực từ tháng 1/2020. Thủ tướng cũng đã ký Nghị định hướng dẫn triển khai luật đầu tư công vừa được ban hành cách đây mấy ngày, nhằm cải tiến bớt thủ tục hành chính. Một điểm quan trọng là một số dự án thuộc đường cao tốc Bắc Nam sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công và cũng đang xin ý kiến Quốc hội cho phép chỉ định thầu một số dự án như Sân bay Nội bài, Sân bay TP HCM liên quan đến đường băng cất hạ cánh...
Tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã rất quyết tâm và với sự đồng thuận của Quốc hội trên nguyên tắc minh bạch công khai, nền kinh tế tuy giảm sâu trong năm nay nhưng sẽ phục hồi nhanh vào năm 2021 một phần nhờ giải pháp này.
Theo VNE
-
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam gửi thư động viên cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân
-
34,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn trong quý III/2024
-
Ra mắt Sổ tay ESG dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
-
Cơ chế giá trần sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cải thiện lợi nhuận
-
Đề xuất các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP HCM
-
TS Hà Đăng Sơn: Với giá điện hiện nay, khó thu hút đầu tư phát triển nguồn điện
-
Vì sao EVN liên tục lỗ lớn?
-
Chuyển đổi số toàn diện là chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Petrovietnam
-
Chuyển đổi số - chìa khóa nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững