Ông Obama sẽ uống cà phê sữa đá khi đến TP HCM?
“Xin chào” là câu mở màn của Tổng thống Obama trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 23/5. “Xin cảm ơn Chủ tịch Quang, chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho tôi và các thành viên trong đoàn sự tiếp đón nồng hậu”, ông Obama nói.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ có nhắc tới một đồ uống có thể coi là đặc sản của Việt Nam, đó là cà phê sữa đá.
“Tôi rất mong chờ có cơ hội được trò chuyện với người dân Việt Nam. Có thể tôi sẽ thưởng thức cà phê sữa đá”, ông Obama nói và nở nụ cười mỉm. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ đã nói bằng tiếng Việt khi nhắc tới “cà phê sữa đá”.
Đặc biệt, tối ngày 23/5 ông Obama và các thành viên trong đoàn đã đến dùng bữa tối tại một quán bún chả bình dân trên đường Lê Văn Hưu, Hà Nội. Chính vì vậy, người dân TP HCM đang háo hức hy vọng Tổng thống Obama sẽ ghé đến một quán cà phê bình dân nào đó tại TP HCM và nếu may mắn, họ có thể gặp được ông.
PetroTimes xin gửi đến quý vị một số quán cà phê bình dân nhưng khá nổi tiếng cả về chất lượng lẫn tuổi đời lâu năm tại TP HCM:
Cà phê Cheo Leo
Quán cà phê này có từ năm 1938 ở khu Bàn Cờ (quận 3). Nằm sâu trong con hẻm 109 Nguyễn Thiện Thuật, quán cà phê Cheo Leo đang được những người con của ông Vĩnh Ngô - người sáng lập quán từ cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, tiếp tục gìn giữ.
![]() |
Cà phê Cheo Leo |
Sinh thời ông Vĩnh Ngô vẫn hay đi chợ Bến Thành mua cà phê chánh hiệu Meilleur Gout, Jean Martin mang về pha vợt. Tới khi Sài Gòn đã hiếm quán cà phê pha vợt, ông cũng không chịu pha phin, theo ông pha phin thì cà phê cũng chẳng ngon hơn mà sao nỡ bỏ đi cái cách cà phê pha vợt đã quá thân thương với người Sài Gòn.
![]() |
Đến nay những người con của ông Vĩnh Ngô vẫn giữ cách pha cà phê truyền thống đó. |
Nước máy để trong thùng chứa chừng 3 ngày cho bay hết mùi thuốc sát trùng thì mới đem ra nấu cà phê. Lò nung làm từ cái thùng phuy chèn thêm lớp gạch pha với đường cát vàng hạt lớn. Giữa lò nung có than lửa làm nước sôi, nước sôi già mới đổ vào cái siêu mà người ta thường đun thuốc Bắc.
Cách pha món bạc sỉu ở đây rất đặc biệt, đó là tỉ lệ hợp lý về sữa và cà phê, đổ sữa trước, rồi đến cà phê nóng hổi, sau đó phải thêm một chút nước sôi. Không hiểu sao trình tự phải đúng vậy thì mới ngon. Đây là một trong những quán có món bạc sỉu ngon và đúng kiểu nhất Sài Gòn.
Cà phê không tên ở hẻm Tân Phước
Chủ quán cà phê ở hẻm 313 Tân Phước, Q. 11 là ông Lưu Nhân Thanh (người gốc Hoa) đã gắn bó với công việc pha chế cà phê vợt hơn 30 năm.
Những ly cà phê nguyên chất, thơm phức và vị đậm đà cũng được pha bằng vợt. Nước được đun sôi bằng bếp củi - kiểu pha cà phê truyền thống từng là một phần của nét văn hóa cà phê Sài Gòn xưa.
![]() |
Vẫn cách pha cà phê xưa ở Sài Gòn |
Ông Thanh dùng siêu đất và vợt bằng vải dài để pha chế cà phê. Đầu tiên là dùng nước sôi để làm sạch vợt rồi cho cà phê xay nhuyễn vào. Sau đó, nhúng vào siêu nước đang sôi, lấy muỗng khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại, để 5-10 phút mới rót vào 2 ấm nhỏ, một đựng loại để nguội, dùng cho những người thích uống với đá. Ấm còn lại để trên bếp than lửa nhỏ để giữ nóng.
![]() |
Không gian quán bình dị đậm chất Sài Gòn xưa |
Thường khoảng 6h sáng quán đã xong công đoạn pha chế. "Chỉ có giữ nóng bằng cái siêu đất, hương thơm cà phê vợt mới ngon hơn hẳn cà phê đựng trong cái phin bằng kim loại. Về nguyên liệu, cà phê phải nguyên chất. Cà phê "dỏm" dùng hương liệu không thể pha bằng cách này vì sẽ bay mùi hết", ông chủ quán chia sẻ.
Điều đặc biệt là quán không bao giờ giặt vợt pha cà phê bằng xà phòng vì dễ làm mất mùi thơm của cà phê. Vợt càng đen thì cà phê càng đậm đà hương vị.
Không có bảng hiệu, chỉ vài chiếc ghế đơn sơ cùng mấy cái bàn cũ kỹ nhưng quán cà phê vợt của ông có sức hấp dẫn đặc biệt bởi hương vị khác lạ của loại thức uống được xử lý theo cách độc nhất vô nhị hiện nay.
Cà phê không tên ở hẻm Phan Đình Phùng
Quán cóc không tên, không biển hiệu trong con hẻm 330 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận là tài sản gia truyền của vợ chồng ông Đặng Ngọc Côn (80 tuổi) và bà Phạm Ngọc Tuyết (75 tuổi), còn gọi là "ông Ba", "bà Ba". Quán cafe này là của cha ông để lại từ năm 1954.
![]() |
Quán cafe này có tuổi đời đã 62 năm |
Hiện nay, khi đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" ông vẫn còn cùng vợ đứng bán, chỉ có buổi tối giao lại cho anh con trai và con dâu tiếp giữ truyền thống gia đình.
Vợt của quán do bà chủ tự tay may. Cái hay của vợt là dùng càng lâu, pha càng nhiều thì hương vị cafe được giữ trên đó cũng khiến cafe đậm đà hơn". Sau một thời gian, ông bà luôn phải kiểm tra xem vợt đã được giặt kỹ chưa hoặc cẩn thận thay mới những chiếc đã hư, rách.
![]() |
Để có cafe ngon, quán phải lấy cafe về từ những mối quen, đem về tự rang xay theo công thức riêng. |
Ly cà phê pha cũng khá kỳ công. Nhúng vợt vào nồi nước sôi để vệ sinh, sau đó cho bột cafe đã xay vào vợt, đổ nước sôi vào chờ cho cafe nở, sau đó nhúng thêm vài lần nữa mới bỏ sang một ca inox to. Mẻ cafe của đợt đầu được châm thêm lần nữa bằng lượt nước sôi mới, lặp lại công thức đó đến lần thứ tư để cafe bắt đầu tiết ra thứ nước màu nâu đậm và toả mùi thơm, lúc đó mới rót ra ly cho khách. Cafe được cho vào ly thuỷ tinh nhỏ xấp xấp chưa đến gang tay như kiểu uống cafe ngày xưa, và mỗi bàn luôn được cho kèm với một ấm trà.
Cà phê Chiêu
Mở cửa gần nửa thế kỷ, trải qua nhiều biến cố, quán cà phê Chiêu từ năm 1969 tại khu Bàn Cờ, Vườn Chuối trở thành một trong những biểu trưng cho sự tồn tại bền bỉ của một nét văn hoá Sài Gòn.
![]() |
Không gian hoài cổ tại quán cà phê Chiêu |
Không gian của tầng một - nơi được ví là “linh hồn” của Chiêu - đều giữ nguyên cách bày trí, những vật dụng và kể cả màu sắc của chúng. Gỗ thanh ốp toàn bộ tường đến trần nhà, quầy bar, bàn ghế đều có hình hài xưa cũ. Sau này khi quán có lượng khách đông, chủ quán trưng dụng thêm không gian trên lầu hai làm một sân khấu ca nhạc nhỏ.
![]() |
Không gian sân vườn bình dị, mộc mạc |
Bao nhiêu năm tồn tại là bấy nhiêu năm Chiêu gắn bó với thứ âm nhạc xưa cũ của một thời Sài Gòn. Suốt từng ấy năm có cảm giác như từng ấy bài hát trong luôn được phát trong một xấp đĩa cố định, bắt đi bắt lại dai dẳng xuyên suốt cả mấy thập niên. Dầu vậy, kiểu âm thanh đó giữ được sự thô ráp, cũ kỹ là một ‘đặc sản’, giống như một thứ cất giữ riêng trong bốn vách tường gỗ nơi đây.
![]() |
Phong cách quán hầu như vẫn giữ nguyên từ những năm 60 của thế kỷ trước |
Thứ được coi là đặc trưng của "Chiêu", níu giữ nhiều thế hệ khách tìm đến quán là phong vị nhạc xưa bật suốt từ những năm hưng thịnh nhất đến khi chỉ còn là một thứ hoài niệm. Ở đấy, những bài tình một thuở được Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Ngọc Lan, Khánh Ly, Duy Quang, Elvis Phương... ca mải miết qua chiếc loa cũ rè rè. Người ta cố tình chỉ bật chừng ấy bài hát trong một xấp đĩa cố định, và chỉ qua chiếc loa phát ra thứ âm thanh đục ngầu, thuần chất ấy.
Nguyên Phương
-
Hơn 400 du khách từ Iran đến Việt Nam trên chuyến bay charter VIP đầu tiên
-
Khai mạc Hội thi “Người ươm mầm” lần IV năm 2025
-
Tin tức kinh tế ngày 7/3: Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Háo hức "check-in" cánh đồng hoa hướng dương bên sông Sài Gòn
-
[VIDEO] Nút giao Vành đai 3 với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây nhìn từ trên cao

Thủ tướng Chính phủ phê bình 19 Bộ, cơ quan trung ương, 28 địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng: Tiếp tục giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ bằng biện pháp thuế quan và phi thuế quan
-
Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng: Linh hoạt chính sách ứng phó thuế quan đối ứng
-
Thủ tướng Chính phủ phê bình 19 Bộ, cơ quan trung ương, 28 địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công
-
Thủ tướng: Tiếp tục giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ bằng biện pháp thuế quan và phi thuế quan
-
Ứng phó việc áp thuế mới từ Hoa Kỳ: Bình tĩnh, chủ động, khôn khéo thì sẽ vượt qua thử thách
-
Tổng thống Trump thảo luận về thuế quan với Việt Nam, Ấn Độ, Israel; kỳ vọng về một kết quả tích cực trước thời hạn