Ở Hà Nội có phụ nữ đẻ... 14 con (!?)

11:26 | 07/01/2014

6,395 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng 10 giờ, ngày 21/12/2013, chị Đặng Thị Hải, 45 tuổi ở làng Cồ Bản, Hà Đông đẻ rơi một bé gái trên triền đê. Cháu bé nặng 2,9 kg, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Điều đặc biệt là: Cháu bé này là đứa con thứ… 14 của chị Hải!

Tất cả các con của chị, kể cả anh chồng tên Ngô Doãn Năm đều đang sống trong một túp lều giữa cánh đồng làng Cồ Bản. Ba đứa con lớn của anh chị đã lấy chồng, sinh con. Vợ của người con trai cả cũng về làm dâu dưới túp lều rách nát này. Kể cả trẻ con, người lớn, tổng quân số trong gia đình chị Hải hiện là 18.

Nếu được trao kỷ lục gia thì gia đình chị Hải chắc chắn sẽ nhận hai kỷ lục: gia đình tận nghèo, tận khổ và gia đình đông con nhất Việt Nam. Trong vòng 15 năm trở lại đây, quả thực chúng tôi chưa từng nghe tin gia đình nào có đông hơn số con của gia đình chị Hải.

Chị Hải vừa mới sinh con lần thứ 14

Tôi lần ra túp lều giữa đồng tìm anh Năm. Túp lều được dựng lên từ gỗ cốt-pha phế phẩm từ những công trình xây dựng quanh đó. Mái nhà trùm bạt, vách gỗ hở thông thống, gió hút vào rung lên bần bật.

Anh Năm ngồi bó gối trong góc giường, giữa bộn bề nồi niêu, xoong chảo. Anh đang ốm, nhưng thỉnh thoảng vẫn cố rít điếu thuốc lào rồi ho sằng sặc. Con cái nheo nhóc, nghèo đói đến kiệt quệ mà anh Năm đi viện triền miên. Anh bị đủ các thứ bệnh: viêm phổi mãn tính, viêm gan, chảy máu dạ dày… Cạnh anh, cháu bé mới sinh đang thiêm thiếp ngủ. Ngoài cửa, đám trẻ nhỏ trứng gà trứng vịt nhèo nhẹo khóc, mấy đứa lớn hơn đang trong bếp nấu cám lợn. Đứa nào đứa đấy môi tím tái vì mặc không đủ ấm.

Oái ăm là anh Năm không thể nhớ được hết tên các con của mình, chứ đừng nói đến ngày tháng năm sinh của từng đứa. Anh chỉ nhớ được tên của 5 đứa con đầu, còn lại thì anh gãi đầu bảo: “Tớ cũng chẳng nhớ nữa, đông quá nhớ sao nổi. Đợi tý nhà tớ về, cô ấy thì nhớ hết”.

Bữa cơm của gia đình anh Năm chỉ có rau luộc

Cuộc đời của cặp vợ chồng kỳ lạ này kể ra chắc nhiều người sẽ ứa nước mắt. Anh Năm và chị Hải cưới nhau năm 1988, cả hai bên gia đình cũng đều thuộc diện “siêu nghèo” thời đó. Cưới nhau xong, tài sản duy nhất của họ chỉ là… đúng bộ quần áo mặc trên người. Chị Hải kể: “Nhà anh Năm cũng đông anh em, chật chội đến mức không thể ở được. Cưới nhau xong, hai vợ chồng quyết định… ra đường sống”.

Ra đường sống nghĩa là họ chọn một khu vực rộng rãi cạnh lề đường, gần HTX xã rồi “cắm mầm, trát vách” dựng nhà tạm. Họ ở đấy được 7 năm và đã kịp cho ra đời 5 đứa con. Năm 1995, họ bị đuổi và tiếp tục đến một khu đất hoang khác dựng nhà tạm sinh sống. Anh chị có 2 sào ruộng, nhưng đã bị Nhà nước thu hồi để làm dự án năm 2011. Số tiền đền bù anh chị hùn vào thầu ao, thả cá giống. Gặp đúng trận lụt lớn năm ấy, bờ ao đắp tay vỡ toang, cá đi sạch, anh chị cụt vốn và trở thành kẻ vô gia cư đúng nghĩa. Cách đây vài năm, họ “nhảy dù” xuống cánh đồng làng này, chọn đúng khu vực đầm hoang, kiếm con tôm con tép qua ngày.

Túp lều tạm giữa cánh đồng của gia đình anh Năm

Các con của chị đứa học cao nhất là hết lớp 8, thấp nhất là không đi học. Đứa con lớn nhất là cháu Ngô Thị Hà, sinh năm 1989 đã lấy chồng. Thế nhưng, vợ chồng lại mới bỏ nhau, Hà lại về túp lều này sống qua ngày.

Không được học hành tử tế, tất cả các con của chị Hải đã đến tuổi trưởng thành nhưng không có việc làm ổn định. Các cháu cứ luẩn quẩn ở cánh đồng này, ai thuê việc gì thì làm việc ấy, được đồng nào góp cho mẹ đong gạo nuôi các em. Tương lai của các cháu cứ mờ mịt trước mắt.

* Mọi đóng góp, giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Đặng Thị Hải, làng Cồ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội hoặc Báo Năng lượng Mới - Tầng 4 Tòa nhà Viện Dầu khí, số 173 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội - ĐT: 04.3782.3573

Vũ Minh Tiến