NSND Thế Anh: Sau những hào quang

07:43 | 07/06/2012

1,190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế Anh đã 75 tuổi, vẫn quần bò, áo phông, đầu đội mũ lệch, giọng nói sang sảng, ào ào xuất hiện và nói về nghệ thuật, vẫn xôn xao như  ngày đầu. Tôi gặp NSND Thế Anh trong những cuộc dịch chuyển liên tục từ Nam ra Bắc, lần nào cũng vậy, sự xuất hiện của ông luôn là tâm điểm chú ý của mọi người. Dẫu phía sau sự ồn ào, hoạt náo của ông, vẫn nhận ra những nỗi niềm của một con người cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật những khát vọng không nguôi ngoai.

NSND Thế Anh

1. Với lưng vốn cho một đời diễn, hơn 60 vai diễn, NSND Thế Anh đã có thể thu xếp lại, yên ấm với niềm vui tuổi già cùng con cháu. Nhưng những điều đó với một người làm nghề như Thế Anh là quá xa xỉ. Ông hàng ngày vẫn đi học tiếng Anh, và chờ đợi, biết đâu trong tương lai, trong xu thế hội nhập và mở cửa của điện ảnh, có một vai diễn nào đó, hợp với mình, Thế Anh sẽ giơ tay.

Có lần Thế Anh tâm sự: “Cuộc đời tôi chỉ có thể chết trên sân khấu hay ngoài phim trường mà thôi. Giờ ở tuổi này rồi, nhưng đứng trên sân khấu giọng tôi vẫn sang sảng, còn đi làm phim, chắc gì cánh trẻ đã theo được tôi”. Vợ con không muốn Thế Anh lăn lộn, vất vả, vì cuộc sống của gia đình ông giờ đã đủ đầy. Thế hệ ông, sống với nghệ thuật bằng một tình yêu cháy bỏng và trong sáng đến lạ lùng. Tâm thế đó chỉ có thể lý giải bằng một tình yêu nghề mà thôi. Ở tuổi này Thế Anh đã có thể làm một bản tổng kết về đời mình, trên sân khấu và cả trong điện ảnh, tổng kết cả những vinh quang và cay đắng của một đời làm nghệ thuật.

Ông thuộc thế hệ vàng của sân khấu, bạn đồng môn của cố NSND Trọng Khôi, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, rồi NSND Nguyễn Đình Nghi, Ngô Y Linh. Ông học Đại học Sân khấu khóa 1961-1964. Nhưng khi ra trường, lại có duyên với điện ảnh, thế rồi hào quang cứ kéo đi…

NSND Thế Anh đã đóng góp cho điện ảnh Việt Nam những vai diễn để đời, mà có lẽ sau nhiều năm nữa, người ta vẫn phải nhắc đến, một Trung úy Phương trong “Nổi gió”, một Ba Duy trong “Mối tình đầu”, rồi “Đường về quê mẹ”, “Em bé Hà Nội”, phim lịch sử có “Đêm hội Long Trì”, phim hợp tác với Pháp có “Điện Biên Phủ”, ông vào vai ông Cọp, khiến bọn Pháp cũng phải kính nể. Thế Anh 27 tuổi, đã làm nên một kỳ tích khi ông vào vai Trung úy Phương trong phim “Nổi gió” (1965). Người ta đã quên Thế Anh mà chỉ nhớ về Ba Duy, về Trung úy Phương. Thế Anh ít nhiều cũng nhận được hào quang từ vai diễn để đời đó. Thời đó, ông được trải thảm đỏ, bước vào một đẳng cấp cao của nghệ thuật, đi đâu cũng được xưng tụng và vây quanh bởi những người đẹp. Nhưng Thế Anh đã không ngủ quên trên chiến thắng đó và hơn ai hết, là một người lao động nghệ thuật nghiêm túc, Thế Anh nhìn rõ phía trước ông vẫn còn những đỉnh núi chưa thể vượt qua. Tôi biết, trong sâu thẳm, ông vẫn mơ về một giải Oscar cho phim Việt, về một môi trường làm việc chuyên nghiệp cho điện ảnh Việt Nam để những tài năng năng có cơ hội được tỏa sáng hơn nữa. Tài năng có thể mang lại danh vọng và tiền bạc, nhưng đối với nền điện ảnh Việt Nam thời đó thì những thứ đó còn quá xa vời.

Ông tự nhận mình là một diễn viên “đagiênăng”, máy đa hệ, nên vào rất nhiều loại vai, địch, ta, nhà giáo, bác sĩ, người cha độc ác; bên kịch cũng được mà bên phim cũng ok. Ông thống lĩnh được cả hai địa bàn. “Vì tôi được đào tạo 4 năm cơ bản ở trường, rồi còn đi tu nghiệp ở Liên Xô, ở Cộng hòa Dân chủ Đức, tôi đóng phim bọn họ há hốc cả mồm”.

2. Khi chạm đến ngưỡng cửa của tuổi già, người ta thường hay sống bằng kỷ niệm và những hồi ức. Nhưng Thế Anh thì không, cuộc sống của ông là những bước đi về phía trước, với khát vọng không ngừng. ông tâm sự: “Tôi luôn coi nghệ thuật là lẽ sống, thấy ánh đèn bật lên là lao lên sân khấu như một con thiêu thân. Có lúc nào tôi chán cuộc đời này đâu. Tại sao tôi vẫn giữ được sức trẻ vì mình vẫn hừng hực ở nghề. Nhiều người hỏi, tại sao anh trẻ mãi, anh không có tuổi, vượt thời gian. Bởi mình vẫn say mê tìm hiểu, một trong nguyên tắc của người diễn viên là như một ống kính chụp hình, phải luôn biết ngạc nhiên trước cuộc sống, hôm nay mùa xuân, mùa thu, mùa hạ, mùa đông, những thay đổi của thời tiết mình thu vào người”. Gặp Thế Anh hôm nay, ông không nói nhiều về hào quang của một thời xưa cũ, dù hào quang của những người như ông đã góp phần quan trọng làm nên lịch sử của nền điện ảnh nước nhà. Thế Anh vẫn luôn trong tư thế của một người nhập thế, sẵn sàng làm việc, sẵn sàng xả thân.

Thế Anh trong phim "Nổi gió"

Có một thời, thời của Thế Anh, của Như Quỳnh, của Trà Giang, điện ảnh Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao. Nên trong ứng xử của ông, tôi vẫn cảm nhận được những nỗi niềm, của một đời cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật, và chỉ cho nghệ thuật mà thôi. Tuy hành trình đó không đơn giản, không tránh khỏi những va đập của cơ chế thị trường. Thậm chí có lúc ông cũng phải tự thỏa hiệp với chính mình để làm phim, bởi nếu cầu toàn quá thì không có vai diễn, đợi đến bao giờ. Nhiều kịch bản quá chán với cơ chế làm phim thị trường, ông cũng đã nhắm mắt bước qua để được đến với điện ảnh, nhưng ngoảnh lại, đong đếm của một đời làm nghệ thuật, Thế Anh vẫn khao khát những điều cao hơn, để điện ảnh Việt Nam có thể đi vào trái tim mọi người bằng những điều ám ảnh.

Tôi ngẫm thấy trong những điều ông nói một sự nuối tiếc: “Cụ Lênin đã từng nói hàng trăm sư đoàn, hàng trăm trung đoàn không bằng ngâm một bài thơ, đó là thứ vũ khí sắc bén nhất, đất nước mình chưa thấy được giá trị văn hóa là một nguồn xuất khẩu hay nhất, mình mới chỉ xuất gạo, quần áo, chứ chưa xuất được điện ảnh, văn học, cái đó mới quan trọng. Bởi tất cả rồi sẽ mất đi, cái còn lại là văn hóa. Như văn hóa của 1.000 năm Thăng Long, văn hóa của người Hà Nội là lịch sự, duyên dáng, học vấn, qua những biến động của thời gian sẽ còn lại”.

Ông tâm sự, giá như hồi đó, ông đi học đạo diễn, bởi đó là cách ông được ở lại với nghề lâu dài nhất. Một chút nuối tiếc vì mình đã lỡ thời. Nhiều đạo diễn giờ được đào tạo ở nước ngoài và trở về nước làm phim, mang lại cho điện ảnh nước nhà một hơi thở mới nhưng Thế Anh quan niệm, “nhiều người sống ở nước ngoài họ có thể rất giỏi về kỹ thuật công nghệ, tư duy làm phim mới, nhưng không thấm được tinh thần của văn hóa Việt nên họ có cái nhìn lệch pha về con người và dân tộc mình đấy. Phải lớn lên ở đây, đau đáu với quê mình, phải biết ăn canh cà, rau muống thì mới thấm được văn hóa Việt”.

Còn với diễn viên trẻ bây giờ, ông nói: “Có thể họ có lợi thế về ngoại hình nhưng lại thiếu chiều sâu nội tâm. Thậm chí họ rất ngộ nhận về mình, ảo tưởng mình là ngôi sao”. Nên ông vẫn mơ ước về một môi trường đào tạo diễn viên chuyên nghiệp và một tầm nhìn dài hơi hơn cho điện ảnh nước nhà.

3. NSND Thế Anh sinh ra ở Hà Nội, chiến tranh xảy ra nhà ông chuyển về chợ Hôm. Mẹ ông xưa là hoa khôi phố Hàng Sắt, bà đẹp lắm, tóc dài đến tận gót chân. Gia đình nhỏ bé của Thế Anh cũng mang bi kịch của một thời chiến tranh loạn lạc, và ly tán. Ngay từ nhỏ, bố ông đã rời xa ba mẹ con sang Pháp du học, và không trở về. Một mình mẹ Thế Anh, bươn chải nuôi các con trưởng thành. Và ngay từ những ngày còn nhỏ tuổi ấy, Thế Anh đã thấm thía nỗi buồn, nỗi cô đơn khi không được sống trong vòng tay đầy đủ của gia đình, thậm chí cũng những lúc ông đã oán giận. Khi bố ông mất, trong ký ức của anh em Thế Anh chỉ còn lưu lại những hình ảnh mờ nhòa về ngày bố ra đi không một lần gặp lại.

Thế Anh trong một vai diễn sân khấu

Cho đến khi ông trở thành người nổi tiếng, phim “Nổi gió” được mang sang Pháp công chiếu. Ông Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phám tại Hội nghị Paris biết hoàn cảnh riêng của Thế Anh, đã báo cho bố ông biết. Bố của Thế Anh xem phim và nhận ra con mình và tìm mọi cách liên lạc… “Nhưng tôi rất tự ái, không cần, vì quá thương mẹ mình, bà đã hy sinh cả đời. Lúc đó bố tôi là một tỉ phú bên Pháp, mọi người thuyết phục anh em tôi làm giấy tờ để bố con nhận nhau”.

Phải rất lâu sau đó, Thế Anh mới có thể chấp nhận và hóa giải những oán giận trong lòng mình. “Mấy năm sau tôi sang dự liên hoan phim ở Pháp thì cha tôi mất rồi. Mà không hiểu sao ông cũng chỉ nhắc đến hai con, chứ không nhắc đến mẹ, không hiểu các cụ có gì hiểu nhầm nhau không. Sau khi mất, ông để lại cho anh em chúng tôi cả một gia sản, nên cũng có cái may, tôi không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền mà cứ thế yên tâm làm nghệ thuật”. Đó là nỗi buồn riêng của NSND Thế Anh, nỗi buồn đã làm ông lớn lên và trưởng thành sớm hơn trong cuộc sống.

4. Tuổi Mậu Dần, cầm tinh con hổ, Thế Anh thoáng đôi chút ngậm ngùi, một đời cống hiến cho nghệ thuật, sống trong ánh hào quang với những lời tụng ca. Nhưng trong thế giới phù hoa đó, ông có lẽ hơn ai hết thấu hiểu cả những được mất của nó, để khi mỗi đêm về, Thế Anh “ngậm hết những viên đạn bọc đường, tan ra thành nước, mà không để mình bị nhiễm độc, để mình luôn được là mình. Thế giới của những người nổi tiếng như ông, thực sự cô đơn. Ông nhắc nhiều đến hình ảnh con chim ẩn mình chờ chết trong tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai và tìm thấy mình trong bi kịch của Cha Ran, một sự giằng xé không biết chia sẻ cùng ai, và dường như cũng không ai chạm tới.

Nhiều người bảo, Thế Anh khôn ngoan và tỉnh táo. Sống trong vòng vây của người đẹp, đến bây giờ khi đã ngoài 70 tuổi, quanh ông vẫn là những chân dài, những cuộc tiệc tùng túy lúy của bạn bè, người hâm mộ. Hẳn có những lúc Thế Anh sẽ xao lòng. Có nhiều câu chuyện kể về người đàn ông đào hoa số 1 của điện ảnh Việt Nam. Nhưng Thế Anh bảo, ông muốn giữ lại một góc riêng của những kỷ niệm đẹp. Bởi hơn ai hết, ông hiểu trong hành trình nghệ thuật đầy cám dỗ đó, nhiều người đã phải đánh đổi, thậm chí phải trả giá.

Còn Thế Anh, ông vẫn giữ cho mình một gia đình bình yên. Thế Anh bảo, trong ông có một bộ phanh rất tốt, biết phanh những lúc cần dừng lại. Người ta vẫn thường nói, đằng sau đỉnh cao của những người đàn ông thành đạt, luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Điều đó đúng với Thế Anh, bởi ông có một người vợ biết chấp nhận, biết hy sinh, vun vén cho gia đình được vẹn toàn như hôm nay. “Vợ tôi lạt mềm buộc chặt. Tôi phải mang ơn bà ấy”. Vợ của Thế Anh ngày xưa là hoa khôi Trường Trưng Vương, nghệ sĩ Thu Hằng, một solist của Nhà hát Kịch Trung ương. Nhưng người phụ nữ này đã lui vào hậu trường để dành sân khấu cho chồng. Đó cũng là may mắn trong cuộc đời của một nghệ sĩ đa tình và đa tài như Thế Anh. Ông rất hãnh diện về điều đó “bởi khi lấy vợ tôi cũng phải chọn kỹ lắm, nửa thế kỷ sống với nhau rồi mà chưa lúc nào phải nói là chọn nhầm người”.

Giờ Thế Anh vẫn sống bình yên trong căn nhà từ tài sản của bố ông để lại. Một đời cống hiến cho nghệ thuật với thế hệ của Thế Anh, không phải vì tiền bạc, hay danh vọng, mà giản đơn chỉ một niềm đam mê. Và niềm đam mê đó, với Thế Anh, tôi tin vẫn giữ lửa trong ông cho đến hơi thở cuối cùng.

Ông chỉ vào bức chân dung bạn vẽ tặng, hình ảnh Thế Anh trong tư thế của một ông Bụt. Một Thế Anh ở tuổi thập cổ lai hy mà ông tâm đắc nhất. Chỉ có người tri kỷ, mới hiểu và nắm bắt được con người ông một cách chân thực đến vậy. Một ông Bụt mà không phải là Bụt, một ông Bụt có cá tính…

Nhiều diễn viên trẻ bây giờ có lợi thế về ngoại hình, phải nói là rất đẹp nhưng thiếu đi chiều sâu của nội tâm. Tôi rất buồn khi có cô ca sĩ bảo rằng, đóng phim bây giờ quá dễ, còn dễ hơn biểu diễn một bài hát. Các em ngộ nhận sớm quá. Ngày xưa, khi tôi diễn cùng Trà Giang, Như Quỳnh, lao động vất vả, nghiêm túc lắm, thế mới có những bộ phim cho con cháu mình xem mà không hổ thẹn. Kịch bản bây giờ cũng hiu hắt lắm, chán quá nên mấy năm gần đây tôi lại nhảy qua sân khấu.

Tôi nghĩ, hiện nay trình độ diễn viên không thiếu, người đẹp không thiếu, nhưng mình thiếu người sắp xếp, thiếu một cái nhìn chiến lược của các nhà quy hoạch. Đào tạo nghệ thuật không thể ăn xổi, phải kiên trì, như con ong đi làm mật.

NSND Thế Anh tên thật Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1938 tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Từ vai diễn Trung úy Phương, Thế Anh nhanh chóng nổi tiếng và tham gia hàng loạt vai diễn trong các bộ phim, vở kịch sau đó. Ở sân khấu, ông đã để lại ấn tượng với những vai diễn như: tên gián điệp Đức lịch lãm Stavinsky trong Nila - “Cô bé đánh trống trận”, bác sĩ Hải trong “Đôi mắt”… và những vai khác trong “Âm mưu và tình yêu”, “Khúc thứ ba bi tráng”…

Ở lĩnh vực điện ảnh, ông cũng tiếp tục nổi tiếng với Ba Duy trong “Mối tình đầu”, Dư trong “Đường về quê mẹ”, tiểu đoàn trưởng pháo binh trong “Em bé Hà Nội”, “Không nơi ẩn nấp”, “Ngày Lễ Thánh”, “Đêm hội Long Trì”, trong đó nổi tiếng nhất và vai Ba Duy trong “Mối tình đầu” (đạo diễn Hải Ninh, kịch bản Hoàng Tích Chỉ).

Bảo Nhi

Năng lượng Mới số 126, ra thứ Ba ngày 5/6/2012