Nông sản Việt hái “trái ngọt” từ công tác xúc tiến thương mại

08:38 | 24/06/2023

30 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vải thiều xuất sang Nhật hay “bay” sang Hoa Kỳ... bán với giá từ 400.000 - 800.000 đồng/kg. Nông sản Việt đang hái “trái ngọt” từ công tác xúc tiến thương mại.

Trái cây Việt liên tục đón tin vui

Đầu tháng 6/2023, lô hàng 5 tấn vải thiều đầu tiên từ Việt Nam của Công ty JV Solutions (Nhật Bản) xuất khẩu thử nghiệm sang thị trường Nhật Bản đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác, khách hàng và có sức tiêu thụ tốt ở Nhật Bản. "Vải thiều đang được bán lẻ trong các cửa hàng, siêu thị tại Nhật Bản với mức giá khoảng 400.000 đồng/kg", ông Nguyễn Phi Thoàn - Giám đốc điều hành Công ty JV Solutions (Nhật Bản) - thông tin.

Nông sản Việt hái “trái ngọt” từ công tác xúc tiến thương mại
Người dân Nhật Bản hào hứng ăn thử vải thiều Việt Nam tại Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản ở thủ đô Tokyo ngày 3 - 4/6

Trước đó, ngày 3 - 4/6, trong Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, diễn ra tại Công viên Yoyogi, thủ đô Tokyo, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã mở gian hàng tặng miễn phí vải thiều cho những người tham dự và được rất nhiều người dân Nhật Bản, người Việt Nam ở Nhật Bản đón nhận.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đã có 17 lô hàng, tổng trọng lượng trên 82 tấn vải thiều đạt được chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản. Dự báo năm nay xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản sẽ tăng trưởng tích cực, doanh nghiệp sẽ có nhiều đơn hàng hơn so với những năm trước.

Ở xứ sở Cờ Hoa, ngày 20/6, Công ty LNS International Corporation (nhà nhập khẩu) và Công ty L&V Food Supply (nhà phân phối) có trụ sở tại Houston, Texas (Hoa Kỳ) đã cùng phối hợp để đưa lô hàng vải thiều tươi đầu vụ 2023 của tỉnh Bắc Giang qua đường hàng không đến thành phố Houston.

Vải thiều tươi Việt Nam đang được triển khai bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất tại thành phố Houston trong tháng 6/2023, bao gồm các siêu thị lớn như Hong Kong, Tân Bình, Việt Hoa, Linda’s Tropical Fruits, Ca Mau...

Giá bán lẻ cho khách hàng là 14 - 15 USD mỗi pound, hoặc 140 USD cho gói 11 pound (5 kg), tương đương 3,2 triệu đồng. “Đây là số vải thuộc lô hàng 1,08 tấn vải thiều tươi Việt Nam đầu tiên của mùa vụ năm nay được bán tại thị trường này”, theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Trái vải ở Hoa Kỳ không thiếu, được nhập từ Mexico, Australia và hai bang trồng nội địa là Hawaii và Florida. Tuy nhiên, vải thiều Việt Nam được cho là khác biệt bởi rất dậy mùi, cơm dày, hạt nhỏ, ngọt thanh và ít nước. Trong khi những loại khác có ở Hoa Kỳ thì nước nhiều và vị ngọt hơi chua.

Đại diện Công ty LNS cho biết, để nối tiếp các thành công này, LNS sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác nhập khẩu, phân phối, vận tải… để đưa các loại nông sản Việt (bao gồm trái vải tươi) đến nhiều tiểu bang Hoa Kỳ ngay trong tháng 6 này nhằm khích lệ người tiêu dùng Hoa Kỳ và nâng cao uy tín của các doanh nghiệp Việt trên toàn thế giới.

Nông sản Việt hái “trái ngọt” từ công tác xúc tiến thương mại
Lô hàng vải thiều tươi của Bắc Giang đầu vụ 2023 đã đến Houston, Texas

Một thị trường không kém phần khó tính - thị trường Anh, trái vải không hạt của Việt Nam cũng đã hiện diện tại đây với giá bán lẻ vào khoảng 16 - 18 bảng Anh/kg (khoảng 480.000 - 540.000 đồng/kg).

Ông Thái Trần - Giám đốc điều hành TT Meridian - doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh - cho biết, công ty thử nghiệm nhập loại trái cây đặc sản này để đánh giá nhu cầu thị trường. Nếu chất lượng và mức giá của vải không hạt Việt Nam được thị trường Anh đón nhận, Công ty sẽ nhập khoảng 1 tấn quả mỗi tuần trong tháng 6 và tháng 7, thời điểm vào mùa vải thiều ở Việt Nam.

Câu chuyện trái vải thiều trong mùa vụ năm nay là một trong nhiều điểm sáng của toàn ngành rau quả. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dù chưa hết 6 tháng, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch xuất cả năm ngoái. Riêng tháng 6/2023, xuất khẩu đạt trên 723 triệu USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ 2022.

Đáng chú ý, riêng trong tháng 5/2023, trị giá xuất khẩu sầu riêng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước. Tính chung, 5 tháng năm 2023, xuất khẩu quả sầu riêng đạt hơn 503 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước (27,6 triệu USD). Như vậy, sầu riêng chính thức vượt thanh long, trở thành sản phẩm mang lại trị giá lớn nhất trong các mặt hàng rau quả của việt Nam.

“Đây là năm mà kim ngạch xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng đột biến và có thể lập kỷ lục từ trước tới nay”, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - nhận định.

Theo các doanh nghiệp, kết quả có được là nhờ những nỗ lực không ngừng nhằm trong triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu của các Bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội, nhằm đưa nông sản Việt, đặc biệt là các loại trái cây xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính.

Trong đó, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã phối kết hợp chặt chẽ với các với Bộ, ngành và các đối tác để triển khai đồng bộ các hoạt động như: xây dựng chính sách về kinh tế thương mại, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm và thương hiệu các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Hoàn thiện để đi xa hơn

Dù đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, rau quả Việt nói chung và trái cây nói riêng vẫn đang đối diện với nhiều thách thức. Như với trái vải thiều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ có một trung tâm chiếu xạ tại TP. Hồ Chí Minh được cơ quan chức năng Hoa Kỳ cấp phép xử lý cho hàng nhập vào nước này. Điều này khiến quy trình logistics kéo dài và đội thêm chi phí.

"Để đưa được hàng vào siêu thị Hoa Kỳ, cứ mỗi một đồng bỏ ra mua vải thì chúng tôi phải tốn thêm hai đồng cho tất cả chi phí logistics", bà Nguyễn Thị Kim Huyền (Jolie Nguyễn), Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch LNS nói.

Nông sản Việt hái “trái ngọt” từ công tác xúc tiến thương mại
Nông sản Việt hái “trái ngọt” từ công tác xúc tiến thương mại

Hoa Kỳ là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Để có các lô hàng xuất khẩu với số lượng lớn và ổn định, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston - Texas (Hoa Kỳ) cho rằng, vai trò của các đối tác nhập khẩu, phân phối và vận tải, dịch vụ liên quan là rất quan trọng.

Ngoài giá trị các thương hiệu, các doanh nghiệp cần chú ý nghiên cứu sâu về thị trường; đảm bảo tính chuyên nghiệp, sự chuẩn bị kỹ càng trong chiến lược marketing - quảng bá hình ảnh sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và các loại hàng hoá trước khi xuất khẩu; nghiên cứu kỹ để định giá bán phù hợp trên cơ sở so sánh lợi thế cạnh tranh với các hàng hoá cùng loại tại thị trường…

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết từ ngày 23 - 25/6, Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tập đoàn Aeon Nhật Bản, sẽ tổ chức Tuần hàng Việt Nam năm 2023, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Trong sự kiện này, quả vải Việt Nam sẽ được quảng bá, bày bán ở các siêu thị của Aeon tại Nhật Bản.

Với thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc mua đứt - bán đoạn, mà còn nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có.

Theo Báo Công Thương

Chất lượng là

Chất lượng là "rào cản" nông sản, thực phẩm xuất khẩu ra nước ngoài

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng ngành công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm của Việt Nam vẫn chưa thể có chỗ đứng tại thị trường quốc tế. Vấn đề không chỉ ở hệ thống cung cấp, công nghiệp hỗ trợ, mà còn là thành phần khoa học - công nghệ trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.