TP Hồ Chí Minh

"Nóng" chuyện bảo vệ di tích

10:37 | 17/07/2018

422 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX nhắc đến câu chuyện dinh Thượng Thơ (hiện là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công Thương) sắp bị đập bỏ để mở rộng trụ sở UBND TP HCM, nhiều đại biểu đã đặt ra các câu hỏi xung quanh việc bảo tồn di sản văn hóa.  
nong chuyen bao ve di tichChuyện dài bảo tồn di tích trong phố cổ (Kỳ 2)
nong chuyen bao ve di tichChuyện dài bảo tồn di tích trong phố cổ

Dinh Thượng Thơ còn gọi là Bureaux du Directeur de l’intérieur (Văn phòng giám đốc nội vụ, 1863-1891) hay Bureaux du Secrétariat du gouvernement de la Cochinchine (Văn phòng Ban thư ký Chính phủ Nam Kỳ, 1894-1945) dưới thời Pháp thuộc, nay là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, nằm ở số 59 - 61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, có tuổi đời hơn 130 năm, đã trở thành hình ảnh gắn bó với người dân TP HCM. Dinh Thượng Thơ đang nằm trong kế hoạch bị đập bỏ bởi Dự án mở rộng trụ sở UBND TP HCM.

nong chuyen bao ve di tich
Dinh Thượng Thơ nay là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công thương TP HCM (ảnh: Nguyệt Anh)

Hiện dinh Thượng Thơ nằm trong mạng lưới các di sản văn hóa - di tích kiến trúc lịch sử văn hóa khu vực lõi trung tâm thành phố cần được bảo tồn. Tuy nhiên, tháng 5/2018, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Văn phòng UBND TP HCM cho biết, dinh Thượng Thơ không được bảo tồn vì không phải là di tích.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết: Thành phố đã xem xét kỹ, công trình này không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa - thể thao. Chỉ cần có trong danh mục, dù chưa được kiểm kê cũng sẽ được ứng xử như di tích. Nhưng dinh không nằm trong danh mục nên bước đầu không đưa vào bảo tồn.

Người phát ngôn của UBND TP HCM khẳng định: Khi lục lại mọi hồ sơ thì thấy tòa nhà đó không nằm trong danh mục di tích để bảo quản, bảo tồn.

nong chuyen bao ve di tich

Tư liệu lịch sử cho thấy, dinh Thượng Thơ được tu sửa như hiện nay vào năm 1882. Trước đó, từ năm 1865, đây là nơi quản lý hành chính Sài Gòn và Nam Kỳ, lưu trữ các công văn, công báo, hồ sơ hành chính. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định Báo cũng được gửi từ đây đi đến lục tỉnh. Hơn 130 năm, qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, dinh Thượng Thơ vẫn còn sót lại trong khi các kiến trúc lịch sử văn hóa khác như tòa nhà hòa giải, tòa nhà Petrolimex đường Lê Duẩn, xưởng Ba Son đều đã biến mất. Việc biến mất nhiều công trình kiến trúc lịch sử văn hóa thời gian qua đã làm cho nhiều người dân TP HCM rất thất vọng. Bởi đây là những công trình nằm trong danh mục các công trình quan trọng nhất về kiến trúc Pháp tại TP HCM, là những mất mát lớn trong hệ thống di sản kiến trúc của thành phố.

Trở lại câu chuyện bảo tồn dinh Thượng Thơ, đa số các ý kiến phản biện đều yêu cầu không được phá bỏ.

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX, nhiều đại biểu đã đặt ra các câu hỏi xung quanh việc TP HCM đang bảo tồn đi sản văn hóa như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, vấn đề bảo vệ văn hóa thực chất là việc ban hành chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị. Việc bảo tồn di sản kiến trúc có thành công hay không phụ thuộc vào việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Nếu chúng ta thực hiện dự án phát triển mà phá hủy di sản văn hóa lịch sử ngay trong vùng lõi thành phố thì đó là việc đánh đổi di tích lịch sử văn hóa cũng như ký ức cộng đồng để lấy sự hiện đại, thiếu tính nhân văn, làm nghèo về văn hóa. Việc quyết định đập bỏ hay không mà chỉ dựa vào di tích lịch sử hoặc không phải di tích lịch sử thì hầu như mọi nét đặc sắc của TP HCM sẽ bị phá hủy và thay thế.

Tương tự, đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy cho biết: Để chuẩn bị tốt cho việc giám sát về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị trên địa bàn TP HCM, Sở Văn hóa và Thể thao cần có những bước chuẩn bị thật kỹ. Trước hết, Sở cần thống kê, rà soát tổng thể quá trình lập bản đồ bảo vệ di tích năm 1999 đến nay và lập danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2016-2020. Đại biểu Thanh Thủy cho hay: Hành động này là để tránh trường hợp như dinh Thượng Thơ vừa qua. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt thì việc giám sát sẽ tốt, từ đó nắm được thực trạng và có giải pháp cụ thể cho việc quản lý bảo tồn di sản kiến trúc đô thị của thành phố.

Trả lời các đại biểu, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho biết, năm 2017 UBND TP HCM đã có quyết định lập 100 danh mục địa điểm khảo sát, lập hồ sơ, để công nhận di tích lịch sử văn hóa cần bảo tồn. Ngoài ra, hằng năm Sở thường xuyên phối hợp với các quận, huyện rà soát, kiểm tra các điểm di sản văn hóa để đầu tư kinh phí trùng tu. Từ năm 2012, thành phố đã chi 300 tỉ đồng, vận động được 33 tỉ đồng xã hội hóa để đầu tư sửa chữa, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa. Đến năm 2025, thành phố còn 43 di tích lịch sử văn hóa có yêu cầu sửa chữa, với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. Hiện thành phố có khoảng 172 di tích được công nhận di tích văn hóa cấp quận, cấp tỉnh, thành phố, trong đó có 2 di tích thuộc cấp đặc biệt.

Sau khi nghe kiến nghị của các đại biểu và phần trả lời của Sở Văn hóa và Thể thao, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao cần nghiên cứu kỹ vấn đề này để có danh sách bảo tồn di sản văn hóa lịch sử chính xác, tiếp tục tuyên truyền nâng cao kiến thức về việc bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc trên địa bàn thành phố.

Giờ đây người dân TP HCM tiếp tục mong chờ dinh Thượng Thơ sẽ không có số phận bị đập bỏ như tòa nhà hòa giải, tòa nhà Petrolimex trên đường Lê Duẩn, xưởng Ba Son hay nhà thờ Thủ Thiêm… Với tuổi đời 130 năm gắn liền với lịch sử TP HCM 300 năm thì dinh Thượng Thơ xứng đáng được đưa vào danh mục di tích cần được bảo tồn, bảo vệ.

Bảo tồn dinh Thượng Thơ gắn kết với mạng lưới di sản khu trung tâm thành phố

nong chuyen bao ve di tich
Dinh Thượng Thơ dưới thời Pháp thuộc (ảnh tư liệu)

Tháng 5/2018, một nhóm trí thức gồm Nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp; Nhà nghiên cứu di sản, du lịch Tim Doling; Chủ tịch Đài di sản Daniel Caune; Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan Phùng Anh Tuấn và các kiến trúc sư: Ngô Viết Nam Sơn, Sơn Đặng, Cao Thanh Nghiệp, Kevin Doan, đã soạn thảo bản “Kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ” để thu thập chữ ký của những ai quan tâm đến nguy cơ dinh Thượng Thơ bị đập bỏ do Dự án mở rộng trụ sở UBND TP HCM.

Bản kiến nghị nêu 3 thỉnh nguyện lên UBND TP HCM:

1. Hủy bỏ phương án của Gensler phá hủy dinh Thượng Thơ. Nếu phải xây dựng trung tâm hành chính thì nên đặt ở vị trí vùng đất mới khác chứ không nên phá hủy kiến trúc lịch sử trong phần lõi trung tâm.

2. Đưa dinh Thượng Thơ và các kiến trúc lịch sử trụ sở UBND, nhà hát thành phố, bưu điện và nhà thờ Đức Bà vào diện bảo tồn.

3. Khi tái cấu trúc thành phố, cần tôn trọng và gắn kết với mạng lưới di sản tại trục đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, trục đường Đồng Khởi, Pasteur, nơi có bảo tàng, nhà hát lớn, dinh Độc Lập, trụ sở UBND, nhà thờ Đức Bà, thư viện tổng hợp, công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp.

Thiên Thanh