Chuyện dài bảo tồn di tích trong phố cổ

09:17 | 15/01/2018

2,518 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đất đai ở Hà Nội vốn “tấc đất tấc vàng”, nhưng đất trong khu phố cổ được ví như “tấc đất tấc kim cương”. Chuyện xây nhà, mua nhà trong phố cổ đã khó, chuyện bảo tồn và tôn tạo di tích trong phạm vi 36 phố phường này còn khó hơn rất nhiều.

Kỳ 1: Quần thể di tích vô giá giữa vòng xoáy đô thị hiện đại

Đình, đền, chùa, quán… nay còn bao nhiêu?

Khu phố cổ Hà Nội là nơi lưu trữ giá lịch sử, văn hóa và phong cách sống của người dân Hà Nội. Những giá trị ấy nằm ngay trong hệ thống kiến trúc, sự phân loại khá rõ nét trong hệ thống di tích kiến trúc tôn giáo, di tích lịch sử cách mạng và cả những ngành nghề đặc trưng của từng con phố.

Những biến thiên về lịch sử và thời gian đã ảnh hưởng không nhỏ tới khu phố cổ Hà Nội. Chỉ riêng sự quá tải về dân cư cũng đã kéo theo rất nhiều hệ lụy: ô nhiễm môi trường, biến dạng kiến trúc do nhu cầu tăng diện tích sinh hoạt và buôn bán, quy hoạch xây dựng, mỹ quan đô thị đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Và điều không tránh khỏi là các công trình tôn giáo tín ngưỡng cũng như các di tích lịch sử cách mạng bị xâm lấn, chiếm dụng, làm biến dạng kết cấu, kiến trúc và xuống cấp trầm trọng.

chuyen dai bao ton di tich trong pho co
Đình Thái Cam trên phố Hàng Vải

Ban Quản lý phố cổ (UBND Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) phân các di tích tôn giáo tín ngưỡng thành các loại hình: đình, đền, chùa, miếu, quán, nhà thờ họ, hội quán và di tích lịch sử cách mạng. Có thể thấy ngay, khu phố cổ Hà Nội xưa kia là nơi thu hút nhiều thợ thủ công ở các vùng xung quanh về làm ăn, buôn bán. Một tập hợp dân cư cùng quê, có khi chỉ vài nhà cũng dựng lên một ngôi đình làm nơi sinh hoạt cộng đồng và thờ phụng vị thần chung. Do vậy loại hình đình có số lượng nhiều hơn cả. Có thể kể tên các ngôi đình đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng như: đình Thanh Hà (10 Ngõ Gạch), đình Yên Thái (8 ngõ Tạm Thương), đình Tú Thị (2A ngõ Yên Thái), đình Thái Cam (44 Hàng Vải), đình Đức Môn (38 B Hàng Đường), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào).

Khu phố cổ Hà Nội là nơi lưu trữ giá lịch sử, văn hóa và phong cách sống của người dân Hà Nội. Những giá trị ấy nằm ngay trong hệ thống kiến trúc, sự phân loại khá rõ nét trong hệ thống di tích kiến trúc tôn giáo, di tích lịch sử cách mạng và cả những ngành nghề đặc trưng của từng con phố.

Các ngôi đình tổ nghề trong khu phố cổ đều là đặc trưng của hầu hết các nghề thủ công truyền thống trên đất Thăng Long xưa. Cũng bởi vậy, Hà Nội được coi là nơi xuất hiện những ngôi đình thờ tổ nghề sớm nhất và nhiều nhất: Đình Kim Ngân thờ tổ sư nghề kim hoàn; Đình Trương Thị thờ tổ sư nghề kim hoàn; Đình Lò Rèn thờ tổ sư nghề rèn; Đình Hài Tượng thờ tổ sư nghề giày; Đình Hàng Quạt (Xuân Phiến Thị) thờ tổ sư nghề quạt; Đình Thuận Mỹ, đình Hà Vĩ thờ tổ sư nghề sơn…

Theo thống kê, khu phố cổ hiện có trên 20 ngôi đền phân bố rải rác, nhưng tập trung hơn cả vẫn ở các phố, phường phía Đông. Có thể kể tới đền Hỏa Thần (30 phố Hàng Điếu), đền Bạch Mã (76 phố Hàng Buồm), đền Hương Nghĩa, đền Hương Tượng... Bên cạnh đó là 6 ngôi chùa, phân bố chủ yếu ở phía Tây của khu phố cổ gồm chùa Cầu Đông (38 Hàng Đường), chùa Vĩnh Trù (59 Hàng Lược), chùa Kim Cổ (73 Đường Thành), chùa Thái Cam, chùa Nghĩa Lập và chùa Pháp Bảo Tạng. Ngoài ra, trong phố cổ Hà Nội có quán Huyền Thiên (54 Hàng Khoai). Quán thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một nhân vật trong thần điện của đạo Lão vào nước ta từ sớm. Trong quy hoạch đô thị cổ thì đây là vị thần trấn ở phía Bắc. Và 2 hội quán: Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm) và Hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông). Hội quán thường nằm trong các khu phố cư trú của người Hoa, là công trình kiến trúc có quy mô lớn để diễn ra các nghi lễ của cộng đồng người Hoa ở Kinh kỳ xưa.

Trước đây, trong phố cổ Hà Nội còn có những nhà thờ họ và miếu, nhưng hiện không còn tồn tại các di tích này nữa. Đó là chưa kể đến những di tích cách mạng kháng chiến, di tích kiến trúc thành luỹ…

Vòng xoáy đô thị hóa xóa dấu di tích?

Điều dễ thấy nhất ở những di tích trong khu phố cổ là… muôn hình vạn trạng mặt hàng kinh doanh xung quanh những địa chỉ đó. Được biết, khu phố cổ hiện có tới 49 di tích chỉ còn được “điểm danh” và quản lý trên giấy. Còn trên thực tế thì gần như không còn dấu vết bởi sự xâm lấn, chiếm dụng, cơi nới của cư dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do: những hộ dân ở trong di tích từ trước khi giải phóng thủ đô (năm 1954); người đi kinh tế miền núi trở về Hà Nội không có nhà đã vào ở từ những năm 60 của thế kỷ trước; dân lao động ngoài bờ sông chạy lụt vào tá túc từ năm 1971-1972; hộ gia đình được Nhà nước bố trí, sắp xếp vào ở thời kỳ 1980-1982… Cũng có những trường hợp tự ý vào mua bán, chuyển đổi diện tích ở; rồi cả sự sắp xếp, bố trí địa điểm, trụ sở làm việc của UBND phường, cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế giai đoạn bao cấp trước đây.

chuyen dai bao ton di tich trong pho co
Hội quán Phúc Kiến trên phố Lãn Ông

Chính bởi những “hoàn cảnh”, “tình thế” dạng “lịch sử để lại” ấy mà nhiều năm qua các di tích trên địa bàn phố cổ không những bị xuống cấp nặng nề mà còn... biến mất. Hàng chục di tích đã bị hủy hoại hoàn toàn, không còn yếu tố thờ cúng, trở thành diện tích tự quản của cơ quan, đơn vị, trường học và nhà ở của người dân. Với những trường hợp này, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội thống kê, rà soát, lập danh mục để trình UBND thành phố và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giải quyết.

Ông Đặng Ngọc Tiến - Phó trưởng ban Quản lý Phố cổ cho biết: Quận ủy Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Để làm được điều đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ và nhân dân hiểu rõ chủ trương của Nhà nước trong việc bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn. Đồng thời quy hoạch tổng thể giữa bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích kết hợp vận động kêu gọi xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo.

Dạo quanh khu phố cổ một vòng sẽ thấy một số di tích được xếp hạng đã “hiện hình” rõ hơn trên bề mặt phố phường, nhưng vẫn khá chật vật để nổi lên giữa vòng xoáy đô thị. Đình Thái Cam (phố Hàng Vải) đã được trả lại cảnh quan tôn nghiêm nhưng chủ yếu mở cổng đón người vào lễ ở… cổng phụ bên phố Hàng Gà. Còn cổng chính thường đóng kín như để cách biệt với các hàng quán bên ngoài. Nếu không có lực lượng chức năng “đi tuần” thì ngay ngoài cổng sẽ là bàn ghế của các hàng ăn. Được biết, đình Thái Cam vốn thờ thần Tô Lịch, thần Bạch Mã và thần Thiết Lâm - những vị thành hoàng bảo hộ thành Thăng Long xưa. Đình được xây dựng từ năm 1822, nằm ngay cạnh chùa Thái Cam, nhưng đến nay mới tôn tạo được bên đình và giải phóng mặt bằng được bên phần di tích chùa Thái Cam. Người dân sinh sống lâu năm trên phố Hàng Vải kể rằng chùa Thái Cam đã là nơi sinh sống của cả chục hộ dân, thậm chí có hộ xây cả nhà tầng trên đất chùa. Cho đến thời điểm này, cảnh lộn xộn của các hàng quán bán trà, bán bia hơi chiếm dụng cổng và sân đình để kinh doanh đã được dẹp bỏ. Đó là điều đáng mừng.

Nhiều người cũng thắc mắc về di tích đền Thiên Tiên ở phố Hàng Bông, bao lâu nay được sử dụng làm trụ sở của CLB văn hóa phường. Diện tích 240m2 ở 120C Hàng Bông này có tới quá nửa dành cho CLB, phần còn lại là diện tích sinh hoạt của một hộ gia đình hơn chục người. Gian thờ lọt thỏm và chìm khuất sau diện tích của thư viện, hội trường, tủ sách báo, cửa hàng kinh doanh phía mặt tiền… Hỏi ra mới biết, đất này vốn là của gia đình ông Hợp, bà Thanh nhưng lại nằm trong quy hoạch di tích lịch sử. Bởi vậy nên tình cảnh này cứ tồn tại bao năm nay.

Đền Quan Đế trên phố Hàng Buồm được chọn làm trung tâm thông tin di sản phố cổ, vốn diễn ra khá nhiều hoạt động giao lưu văn hóa dân gian nhằm quảng bá và giới thiệu hình ảnh của phố cổ Hà Nội với du khách. Thế nhưng, nếu vắng bóng lực lượng chức năng thì ngay lập tức mặt tiền của đền sẽ là nơi để xe máy, bán hàng ăn.

Đầu năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội thống kê được 104 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và thành phố bị các hộ dân và cơ quan lấn chiếm khuôn viên khu vực 1. Việc di dời 1.203 hộ dân đang sinh sống và 11 cơ quan đang “mượn trụ sở” ở 104 di tích đã được xếp hạng là điều không đơn giản. Ban Quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội cũng thống kê được 20 di tích đã tiến hành được việc di dời các hộ dân, trong đó riêng quận Hoàn Kiếm (khu vực phố cổ) đã thực hiện được ở 10 di tích. Đó là một “kỳ tích” trên vùng đất “tấc đất - tấc vàng”. Bởi đó là một tiến trình đòi hỏi sự tích cực, quyết liệt trong một thời gian dài của các cơ quan chức năng, đồng thời phải có nguồn kinh phí lớn, quỹ nhà tái định cư cũng lớn chẳng kém.

Nhìn lại sẽ thấy, kể từ khi phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử quốc gia (năm 2004), công tác tôn tạo, bảo tồn di tích đã được đặc biệt chú trọng. Riêng giai đoạn

2005-2011 UBND quận Hoàn Kiếm đã đầu tư tu bổ 25 di tích lịch sử văn hóa trong số 40 di tích được xếp hạng; 53 hộ dân, 2 cơ quan, 4 cửa hàng được di dời với kinh phí hàng trăm tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách và huy động xã hội hóa. Việc di dời đã góp phần trả lại cảnh quan, bảo tồn tôn tạo và phát huy tốt tác dụng của di tích trên địa bàn, đồng thời khoanh vùng bảo vệ, chống tái lấn chiếm, hủy hoại di tích.

Trong giai đoạn 2011-2016 có 23 di tích được bảo tồn trong tổng số 45 di tích cần phải trùng tu, giải phóng mặt bằng với 107 hộ dân, 3 cơ quan, 1 trường học và 1 CLB, số tiền thực hiện là 394,5 tỉ đồng. Trên thực tế, quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, như việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử khu phố cổ, xây dựng đề án giãn dân và điều chỉnh quy hoạch khu nhà ở phục vụ giãn dân tại Việt Hưng bị chậm; các đơn vị gặp nhiều trở ngại trong công tác giải phóng mặt bằng do nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ di sản còn hạn chế… Điều ảnh hưởng nhất đối với việc giải phóng mặt bằng chính là do người dân sinh sống trong những di tích vốn đã gắn bó lâu năm với phố cổ, thậm chí nếp sống và cả hình thức kiếm sống cũng phụ thuộc cả vào địa bàn sinh sống. Do đó, nhiều hộ dân không chịu di dời với lý do nếu đi nơi khác sống thì không biết làm công việc gì khác để mưu sinh…

Thực tế cho thấy, với một số di tích, công tác quản lý mới chỉ dừng lại ở việc lập danh sách thống kê, chưa có giải pháp quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo. Hằng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm vẫn phối hợp Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội kiểm kê, lập danh mục hồ sơ trình UBND thành phố ra quyết định gắn biển tại các địa chỉ di tích này. UBND quận xác định việc lập đề án, xây dựng cơ chế chính sách và lộ trình đầu tư cụ thể đối với các di tích cách mạng kháng chiến là công việc cấp bách trong thời gian tới.

chuyen dai bao ton di tich trong pho co
Đền Quan Đế trên phố Hàng Buồm

Quả thực, với những việc đặc biệt khó như gìn giữ và tôn tạo quần thể di tích trong khu phố cổ không chỉ cần có sự ráo riết của các cơ quan chức năng mà còn phụ thuộc cả vào sự chung sức đồng lòng giữa các cấp chính quyền và người dân. Và Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ rất cần gìn giữ những di tích lịch sử, cách mạng đang trên đà “biến mất”. Những người trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tôn tạo di tích trong khu phố cổ Hà Nội thường nói vui rằng, việc trả lại cảnh quan cho các di tích trong phố cổ là những “kỳ tích”. Nếu nhìn cảnh quan của chùa Vĩnh Trù ở phố Hàng Lược trước đây, với quán thịt chó gia truyền nằm ngay cạnh, cổng chùa la liệt hàng quán, bàn ghế, xe cộ, thì quá khó để nghĩ đến cảnh quan tôn nghiêm như bây giờ. Hay như đình Thanh Hà ở Ngõ Gạch trước đây bị che lấp bởi các biển hiệu hàng ăn, quán nước. Sân đình là nơi để xe, đồ dùng sinh hoạt, mặt hàng kinh doanh của ba hộ dân sống trong đền thì nay không gian thanh tịnh cũng đã được lập lại. Đó là những câu chuyện rất dài…

Việc gìn giữ và tôn tạo quần thể di tích trong khu phố cổ không chỉ cần có sự ráo riết của các cơ quan chức năng mà còn phụ thuộc cả vào sự chung sức đồng lòng giữa các cấp chính quyền và người dân.

(Xem tiếp kỳ sau)

Huyền Trang