Chuyện dài bảo tồn di tích trong phố cổ (Kỳ 2)

15:52 | 17/01/2018

1,140 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bao năm qua, câu chuyện lấy lại di tích, giữ gìn và tôn tạo những đình, đền, nhà cổ đã được không ít người ví như “bản trường ca” với vô vàn “kỳ tích” của đội ngũ những người làm công việc này. 
chuyen dai bao ton di tich trong pho co ky 2Chuyện dài bảo tồn di tích trong phố cổ

Kỳ 2: Khó ở dân mà dễ cũng ở dân

Chỉ dựa vào tuyên truyền, vận động

Tôi đã từng được nghe kể về chuyện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm trực tiếp mời chủ hộ kinh doanh món thịt chó gia truyền có tiếng ở phố Hàng Lược đến trao đổi về phương án chuyển đổi loại hình kinh doanh, sao cho phù hợp với cảnh quan ngôi chùa Vĩnh Trù ngay sát cạnh cửa hàng. Hẳn là khó khăn lắm, khi hộ gia đình đó đã kinh doanh từ những năm 60-70 của thế kỷ trước với các món thịt chó ngon nức tiếng gần xa. Gia đình họ, mấy thế hệ đều sinh sống nhờ vào quán thịt chó gia truyền ấy. Thế mà rồi họ cũng tự nguyện chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.

chuyen dai bao ton di tich trong pho co ky 2
Đền Hương Tượng trên phố Mã Mây

Cũng là câu chuyện về việc di dời hộ dân để tôn tạo di tích trong phố cổ. Đó là trường hợp một cụ ông nhất quyết không muốn rời căn nhà cha ông để lại, dù căn nhà nằm trong diện quy hoạch di tích của thành phố, trên diện tích đất đó vẫn tồn tại di tích có yếu tố thờ cúng. Hàng xóm kể rằng, ông là một người có kiến thức uyên thâm, lý lẽ sắc sảo, lại am hiểu pháp luật cũng như thời thế. Không chỉ con cháu trong nhà, hàng xóm xung quanh, mà các cán bộ phường, quận cũng ngại ngần vì ông hay bắt bẻ từng câu chữ, thậm chí còn lớn tiếng nạt nộ... Sau hơn 1 năm trời thường xuyên thăm hỏi, thậm chí tuần nào cũng tới nhà chỉ để nói chuyện về… Bác Hồ, một cán bộ giải phóng mặt bằng của quận Hoàn Kiếm cuối cùng cũng thuyết phục được ông chấp thuận phương án tái định cư, tạo điều kiện cho việc tôn tạo, bảo tồn di tích.

Trên diện tích đất chùa Thái Cam ở phố Hàng Vải, có hộ dân còn xây cả nhà 2-3 tầng để ở. Nhưng sau không ít lần làm việc với cán bộ chức năng, các hộ dân sinh sống trên đất chùa cũng chịu rời đi. Trong khi đó, các hộ kinh doanh thuê ki-ốt phía ngoài mặt tiền vốn được giao cho một tổng công ty quản lý thì lại khiến đội ngũ cán bộ giải phóng mặt bằng vô cùng vất vả để có thể thu hồi được phần diện tích này. Đình Thanh Hà ở phố Ngõ Gạch vốn có 3 hộ dân sinh sống, trước đây không chỉ dân trong vùng mà nhiều người năng qua đây cúng lễ cũng cho rằng, khó có thể giải tỏa được diện tích bị xâm lấn. Nhưng rồi các hộ dân này cũng tự nguyện di dời, trả lại cảnh quan thanh tịnh, tôn nghiêm cho ngôi đình. Khi được hỏi thì các cán bộ giải phóng mặt bằng quận đều cho rằng, đình Thanh Hà là địa chỉ dễ có được sự đồng thuận của người dân nhất trong hàng chục di tích được giải tỏa thời gian qua.

Cách đây chưa lâu, người dân trên phố Hàng Buồm thậm chí còn quen với cảnh thi thoảng một cụ bà sinh sống trong di tích đền Quan Đế lại đứng chửi sa sả từ cán bộ phường cho tới cán bộ Ban Quản lý phố cổ. Nhưng rồi bà lại chịu ngồi nói chuyện, nghe cán bộ Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng quận Hoàn Kiếm phân tích mọi nhẽ. Cũng nhờ sự kiên trì đó mà giờ đây trên trục phố Hàng Buồm đã có điểm đến đặc sắc của không ít tour du lịch phố cổ: Đền Quan Đế.

Việc tuyên truyền, vận động người dân di dời phải đi kèm với sự công bằng, đúng pháp luật và cán bộ giải phóng mặt bằng phải là những người có tâm - làm hết sức có thể, sao cho có lợi nhất cho người dân khi phải di dời đến nơi ở mới.

Ông Nguyễn Ngọc Khang - nguyên Trưởng ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng quận Hoàn Kiếm kể cho tôi nghe về “hành trình” khôi phục, tôn tạo đình Nam Hương trên phố Hàng Trống. Nhiều người quan tâm đến di tích này đã coi đó là một “kỳ tích”, bởi tại địa chỉ 75 Hàng Trống ấy có tới 3 hộ dân sinh sống ở mặt tiền và cả 3 hộ dân đều có “sổ đỏ”. Đó là những người có vị thế xã hội, có trình độ học thức cao. Họ chấp nhận di dời và thuận theo đơn giá đền bù của Nhà nước. Chỉ riêng khoản “chấp thuận đơn giá đền bù của Nhà nước” cũng đã khiến không ít người kinh ngạc, bởi so với giá thị trường đất đai thì có một sự chênh lệch khủng khiếp. Nhưng họ đồng ý rời căn nhà cha ông để lại cho mình, chỉ bởi họ muốn để lại cho Hà Nội một ngôi đình Nam Hương có cảnh quan tôn nghiêm và để trong dịp lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có thêm một công trình được ghi dấu. Hơn 1 năm ròng rã vận động, thuyết phục, đội ngũ cán bộ tham gia việc bảo tồn đình Nam Hương không khỏi xúc động khi được các hộ dân đồng thuận. Và ai cũng nhận thấy rằng, tuyên truyền, vận động phải đi kèm với sự công bằng, đúng pháp luật và cán bộ giải phóng mặt bằng phải là những người có tâm - làm hết sức có thể, sao cho có lợi nhất cho người dân khi phải di dời đến nơi ở mới.

2m2/người so với hàng trăm m2/di tích - chuyện đâu dễ?

Như đã nói ở kỳ trước, việc các di tích lịch sử, cách mạng trong khu phố cổ bị xâm lấn là chuyện “lịch sử để lại”. Ngoài những nguyên nhân chiến tranh, lũ lụt, dân vùng kinh tế quay trở lại… còn là do nhiều thập niên trước cơ quan quản lý và chính quyền địa phương buông lỏng giám sát, cũng có cả sự không rõ ràng và mạch lạc về cùng một lĩnh vực trong công tác quản lý qua nhiều thời kỳ. Kể từ khi di tích trên địa bàn thành phố được quản lý theo Luật Di sản văn hóa (năm 2002) thì không còn trường hợp “nhảy dù”, xâm lấn nào, các di tích cũng dần được khoanh vùng bảo vệ một cách sát thực và khoa học hơn. Tiếp đó, với sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp nhuần nhuyễn của các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND quận Hoàn Kiếm, hàng chục di tích đã được tiến hành tu bổ, tôn tạo và trở thành những điểm đến hấp dẫn, mang nét đặc trưng của đất Thăng Long hiện giờ.

chuyen dai bao ton di tich trong pho co ky 2
Đình Đông Thành trên phố Hàng Vải

Ông Phạm Tuấn Long - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm vốn là người đã có nhiều năm công tác tại Ban Quản lý phố cổ và trực tiếp tham gia vào hành trình tu bổ, tôn tạo nhiều di tích trong khu vực phố cổ Hà Nội. Ông cho biết: Khu phố cổ Hà Nội là nơi có mật độ dân cư cao nhất thành phố. Mật độ dân số tĩnh là 800-1.200 người/ha, diện tích sử dụng đất trung bình là 4-6 m2/người, thậm chí có phường chỉ đạt 2m2/người. Đó là chưa tính đến mật độ cư trú của số người lao động, buôn bán, hàng rong, khách du lịch... Người “đẻ” đất không “đẻ”. Trong quá trình phát triển của đời sống xã hội, của tốc độ thay đổi chóng mặt thời kinh tế thị trường, thì tốc độ xây dựng, cơi nới các công trình nhà ở trong khu phố cổ cũng nhanh kinh khủng. Và các ngành nghề truyền thống, phong tục, tập quán của khu phố cổ Hà Nội cũng có nhiều thay đổi, nhiều phố nghề bị thu hẹp và dần biến mất. Từ đó, sự thay đổi cảnh quan, kiến trúc, không gian trong khu phố cổ cũng dần làm biến dạng kiến trúc truyền thống của các ngôi nhà, khu phố. Đặc biệt, quanh các di tích đền, chùa, người dân cũng tận dụng xây nhà ở, sinh sống từ thế hệ này sang thế hệ khác...

Trong mọi khâu của tiến trình bảo tồn, tôn tạo các di tích trong khu vực phố cổ Hà Nội, khó khăn và giải pháp tháo gỡ khó khăn đều phụ thuộc vào người dân.

Với diện tích khoảng 82ha, bao gồm địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội có tới 121 các công trình di tích lịch sử, cách mạng và tôn giáo. Người Hà Nội sinh sống trong khu phố cổ lâu nay đã quen duy trì nếp sống, tập tục làm ăn, sinh hoạt cộng đồng với những nét văn hóa đặc trưng. Khá nhiều hộ dân, sự mưu sinh của cả gia đình đều phụ thuộc vào không gian sống: phố cổ. Chỉ cần một khoảnh vỉa hè với vài chiếc ghế con, hay 1 tủ hàng nho nhỏ là có thể giữ được mức thu nhập đủ chi tiêu tùng tiệm của cả nhà. Bên cạnh đó còn là tâm lý coi trọng việc có hộ khẩu giúp thế hệ con cháu được học hành trong các ngôi trường có tiếng trên địa bàn quận. Những điều đó cũng là một phần khó khăn trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích trong khu phố cổ.

Trên vùng đất mà người dân chấp nhận cảnh sinh sống với mật độ 2m2/người, thậm chí có gia đình 4-5 người sống trên diện tích 12-16m2, thì việc dành cả trăm m2 nhà đất để bảo tồn di tích là chuyện không đơn giản. Và việc giải phóng mặt bằng vốn không bao giờ dễ lại càng khó khăn hơn vạn lần ở vùng đất như thế. Một cán bộ giải phóng mặt bằng kỳ cựu, từng “kinh qua” các địa bàn “khó nhằn” như quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm chia sẻ với tôi: “Thực ra người dân rất tốt và rất ủng hộ các chủ trương của Nhà nước. Cái khó là các chính sách dù có vận dụng “hết cỡ” cũng chừng đó thôi, trong khi mong muốn của người dân thì muôn hình vạn dạng. Vậy thì người làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải vận dụng tối đa những quy định, chính sách ấy để giúp dân. Nếu dân nhận ra sự công bằng, sự không mưu lợi cá nhân cũng như sự tận tâm của cán bộ giải phóng mặt bằng thì họ cũng sẽ đồng tình thôi”.

Ông Phạm Tuấn Long cũng cho biết: “UBND quận Hoàn Kiếm luôn nỗ lực vận dụng những chính sách cụ thể, thiết thực nhất đối với người dân khu phố cổ, đồng thời tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để người dân tự nguyện tham gia công tác bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống. Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND quận Hoàn Kiếm đã cố gắng bố trí tái định cư dựa vào quỹ đất của thành phố, tạo công ăn việc làm, đảm bảo việc học hành theo nguyện vọng cho con em các hộ dân phố cổ phải di dời để bảo tồn, tôn tạo di tích. Không chỉ có vậy, UBND quận còn dành một khoản tiền hỗ trợ ổn định cuộc sống cho không ít hộ dân trong thời gian đầu làm quen với nơi ở mới”.

chuyen dai bao ton di tich trong pho co ky 2
Đình Phả Trúc Lâm ở cuối phố Hàng Hành

Sắp tới, chùa Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai sẽ được khánh thành sau quá trình tôn tạo, đình Thái Cam ở phố Hàng Vải cũng sắp hoàn thành những phần tu bổ cuối, chùa Vĩnh Trù ở phố Hàng Lược cũng được tôn tạo xong. Trong năm 2018, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng, tu bổ một số di tích như đền Hỏa Thần ở phố Hàng Điếu, đình Ngọc Liên ở phố Trần Bình Trọng… Kế hoạch khôi phục, tôn tạo những di tích xuống cấp, bị xâm lấn nghiêm trọng trong khu phố cổ còn rất dài, đầy rẫy những khó khăn. Đây là việc khó nhưng phải làm và phải làm tốt. Sang đến năm 2019, sẽ tới những di tích như đền Phù Ủng ở phố Lý Quốc Sư, đình Trung Yên trong ngõ Trung Yên… được lấy lại diện mạo như vốn có. Bên cạnh đó, những di tích như đình Thanh Hà, chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Bà Đá… sẽ tiếp tục được tu bổ, tôn tạo các hạng mục khác nhau.

Còn theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội: Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đặt mục tiêu tu bổ 20% số di tích xuống cấp. Hà Nội cũng chủ trương bảo tồn di sản theo hướng trọng điểm, tập trung cho các di tích đặc biệt cũng như di tích lịch sử cách mạng, nên nếu không có nguồn vốn xã hội hóa, bài toán này rất nan giải.

Từ khi phố cổ Hà Nội được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, UBND TP Hà Nội cũng như UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, tôn tạo di sản phố cổ. Trong đó, đề án giãn dân phố cổ được thực hiện nhằm giảm sức ép cho di sản, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đồng thời tập trung tuyên truyền quảng bá giới thiệu về hình ảnh khu phố cổ để nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử khu phố cổ cũng được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, UBND quận cũng chú trọng kêu gọi đầu tư từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước bằng nguồn vốn xã hội hóa để cải tạo các công trình công cộng phục vụ lợi ích dân sinh trong khu phố cổ để gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa với phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ chung của quận.

Đủ thấy, trong mọi khâu của tiến trình bảo tồn, tôn tạo các di tích trong khu vực phố cổ Hà Nội, khó khăn và giải pháp tháo gỡ khó khăn đều phụ thuộc vào người dân. Và từ cấp lãnh đạo đến cán bộ UBND quận Hoàn Kiếm - những người trực tiếp tham gia tiến trình này nói mộc mạc rằng: “Khó ở dân mà dễ cũng ở dân”.

Ông Nguyễn Ngọc Khang - nguyên Trưởng ban Bồi thường và Giải phóng mặt bằng quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Hơn 12 năm làm công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tôi nhận thấy rằng, để có thể bảo tồn, tôn tạo các di tích đều phải phụ thuộc vào nhân dân. Phải cảm ơn người dân khu phố cổ vô cùng nhiều, bởi chính họ đã tạo điều kiện và có công lớn để hàng chục di tích được tôn tạo và phát huy giá trị”.

Huyền Trang