Nơi giữ hồn mành cọ

09:00 | 27/01/2021

401 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngoài đặc sản bưởi, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ được biết đến là cái nôi của nghề dệt mành cọ nổi tiếng. Có thời điểm, mành cọ Đoan Hùng được xuất khẩu sang nhiều nước, nhưng hiện tại, nghề làm mành cọ đang bị mai một.

Có dịp về thăm đất bưởi Đoan Hùng, chúng tôi được nghe kể về lịch sử làm mành cọ tại xã Tiêu Sơn. Khoảng thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, mành cọ Đoan Hùng là sản phẩm không chỉ được cả nước yêu mến mà còn xuất khẩu cả sang nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại mành cọ không còn được ưa chuộng như trước đây.

Nơi giữ hồn mành cọ
Cơ sở sản xuất mành cọ Vinh Lợi - nơi lưu giữ nghề làm mành cọ

Trên đường đến nhà ông Nguyễn Văn Vinh, chủ cơ sở sản xuất mành cọ Vinh Lợi (khu 6, xã Tiêu Sơn), một cán bộ xã Tiêu Sơn cho chúng tôi biết, hiện nay số hộ gắn bó với nghề làm mành cọ đang dần ít đi, chỉ còn vài hộ túc tắc sản xuất nhằm cố giữ lại nghề truyền thống. Đó là gia đình các ông Nguyễn Văn Lịch, Nguyễn Văn Vinh ở khu 6, xã Tiêu Sơn. Họ là các cháu của “ông tổ” mành cọ Nguyễn Văn Luân. Gia đình ông Vinh phải thu hẹp xưởng sản xuất và số lượng mành cọ không nhiều. Từ một người thợ có “bàn tay vàng” dệt mành cọ, ông Vinh phải chuyển sang làm nhiều nghề khác. Tuy nhiên, ông Vinh cùng các anh em trong gia đình vẫn không từ bỏ nghề làm mành cọ truyền thống của quê hương.

Ngược dòng thời gian, ông Nguyễn Văn Vinh kể: Những năm 50, cụ Nguyễn Văn Luân - ông nội của ông Vinh - quê gốc ở Thái Bình, di cư lên đây. Thấy người dân nơi đây dùng lá cọ để đan nón, lợp nhà, còn cành cọ chỉ dùng làm củi, nên cụ Luân đã thu mua những cành cọ về, chẻ nhỏ, dệt thành chiếc mành bán ở chợ phiên, thế là chiếc mành cọ Đoan Hùng ra đời. Nhờ kỹ thuật làm mành đẹp và chất lượng tốt nên mành cọ của gia đình cụ Luân ngày càng được nhiều người biết đến, số lượng sản phẩm tiêu thụ nhiều. Vì thế, số nhân công cũng ngày càng đông, tới hơn 20 người.

Sau này, chính quyền địa phương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình phát triển nghề làm mành cọ, thậm chí khảo sát, đề nghị UBND huyện Đoan Hùng và tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề làm mành cọ. Tuy nhiên, do việc sản xuất loại mành cọ chỉ mang tính tự phát, các tiêu chí về lịch sử hình thành, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ hẹp, nên việc công nhận làng nghề đan mành cọ chưa thành hiện thực.

Nơi giữ hồn mành cọ
Nghề làm mành cọ tại Tiêu Sơn hiện có sự tham gia của một số loại máy móc

Nhưng cũng phải khẳng định, trước thập niên 80, 90, cây cọ là “cây ấm no” của một số hộ dân trong xã. Với gia đình cụ Luân, mành cọ được sản xuất chỉ dành xuất khẩu cho thị trường Liên Xô (cũ). Đến đầu thập niên 90, khi Liên Xô tan rã, mành cọ Đoan Hùng mất thị trường tiêu thụ quan trọng nhất.

Lúc này, những gia đình chuyển sang sản xuất phục vụ cho người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm nên nhiều người sản xuất mành cọ không còn mặn mà với nghề. Những vườn cọ xanh ngát trên đồi, cây cọ phủ quanh vườn nhà đã bị đốn hạ gần hết để thay thế bằng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, dẫn tới giảm nguồn cung cấp cành cọ, các cơ sở sản xuất phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, sự lên ngôi của mành trúc, tre, các sản phẩm từ nhựa mẫu mã đa dạng đã làm thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Vì thế, nghề đan mành cọ ở Đoan Hùng ngày càng mong manh.

Vẻ mặt tiếc nuối nhưng vẫn tự hào vì lưu giữ được nghề truyền thống của tiền nhân, ông Vinh nói: “May mắn được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Đoan Hùng, nơi mà những cây cọ đã gắn bó với cuộc sống của gia đình tôi qua nhiều thế hệ. Ngay từ thuở nhỏ, chúng tôi đã được chứng kiến cha vót từng nan cọ và bàn tay mẹ thoăn thoắt trên khung dệt. Nghề đan mành cọ không bao giờ chúng tôi có thể quên được”.

Nơi giữ hồn mành cọ
Nghề làm mành cọ tại Tiêu Sơn hiện có sự tham gia của một số loại máy móc

Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng sản xuất chỉ bằng một nửa ngày trước, ông Vinh chia sẻ: “Người yêu nghề, nghề không phụ lòng người. Cứ đam mê với nghề sẽ tạo được sức sống cho nghề. Xưởng tuy nhỏ nhưng gia đình tôi vẫn giữ đúng quy trình sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn để sản phẩm làm ra không mất uy tín đối với khách hàng lâu năm của gia đình”.

Để có được sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, ông Vinh đã vượt qua không ít thử thách. Gần chục năm về trước, mành cọ có dấu hiệu chững lại, ông Vinh những tưởng phải bỏ nghề. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ động viên của gia đình, tình yêu đối với nghề làm mành cọ, ông Vinh quyết tâm duy trì nghề làm mành cọ. Ông mày mò, chế tạo chiếc máy vót nan theo đúng tiêu chuẩn mà không tốn thời gian, công sức của công nhân, bảo đảm cho ra các nan đều, trơn nhẵn và có thẩm mỹ. Nhờ vậy, các sản phẩm của gia đình ông Vinh làm ra luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Giữa sân nắng, những chiếc mành vừa dệt xong được xếp đặt cẩn thận trước khi đưa lưu kho để giao cho khách hàng. Những chiếc mành cọ được gia đình ông Vinh tỉ mỉ lựa chọn từng chiếc nan xếp cho đều màu, khi sờ tay có cảm giác “mát lịm” mà không hề có gợn dăm. Giữa cái nắng hanh hao đầu đông cuối năm, nhưng chiếc mành cọ lại như được “dát vàng”.

Nhưng buồn thay, những chiếc mành cọ “dát vàng” đó ngày nay không còn được ưa chuộng nữa!

Xuân Giang