Nỗi buồn của di tích!

11:13 | 25/04/2022

372 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chỉ trong vài tháng đầu năm 2022, hàng loạt di tích văn hóa cấp quốc gia liên tục phải “kêu cứu” vì bị xâm hại.

Đầu tháng 3-2022, với mục đích “đẹp đẽ” hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2022, địa phương đã cho phủ sơn, vẽ bích họa lộng lẫy lên một góc đình cổ Tự Đông (phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) - một di tích lịch sử cấp quốc gia. Đồng thời, 40m tường rào của di tích cũng được phủ sơn mới toàn bộ. Tất cảc khiến đình cổ bị biến dạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đến khi bị dư luận phản ứng dữ dội, chính quyền địa phương mới sửa lại. Một lãnh đạo chính quyền cho biết, địa phương “có thiếu sót khi chưa nhìn nhận hết vấn đề”.

Cũng chỉ trong tháng 3, liên tiếp các vụ di tích bị xâm hại khác như: Tháp cổ Bánh Ít ở Bình Định, giếng cổ trong di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa)... Những người có trách nhiệm vội vã xử lý khi sự việc đã để lại hậu quả nặng nề.

Nỗi buồn của di tích!

Nhà tiền đường 5 gian bằng gỗ của đền Nưa bị phá bỏ để xây mới bằng bê tông

Tại Thanh Hóa, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều di tích bị biến dạng bởi sự can thiệp thô bạo của con người với những dự án trùng tu. Đó là di tích cấp tỉnh Phủ Suối (xã Hà Vinh, Hà Trung); đền Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn); nhà thờ họ Lê Hữu (TP Thanh Hóa)... Gần đây nhất là di tích lịch sử quốc gia đền Nưa (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) bị người trông coi đền phá bỏ nhà tiền đường bằng gỗ để bê tông hóa.

Không phải đến bây giờ thì các di tích văn hóa cổ xưa mới bị đối xử một cách thô bạo như vậy. Đất nước ta luôn tự hào là có bề dày 4.000 năm lịch sử, nhưng ở thời điểm hiện tại, hầu như không có di tích trăm năm tuổi nào được bảo tồn nguyên vẹn. Những năm trước, những biểu tượng văn hóa, lịch sử lâu đời như cây cầu Long Biên cũng từng bị người ta đề nghị tháo dỡ hay ngôi chùa Trăm Gian - một di tích nổi tiếng cũng bị phá để xây mới... Cho nên, các vụ xâm hại di tích gần đây xem ra cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Điều đáng ngạc nhiên có lẽ là sau bao nhiêu năm với bao nhiêu vụ việc “buồn”, tình trạng xâm hại di tích lịch sử văn hóa vẫn diễn ra một cách nhức nhối. Chỉ có thể lý giải rằng, ý thức tôn trọng lịch sử và văn hóa kế thừa, bảo lưu văn hóa, lịch sử của nhiều người Việt nói chung đang “có vấn đề”.

Một người giữ đền cổ tự ý phá bỏ phần kiến trúc cũ kỹ để xây mới có thể vì nhà tài trợ yêu cầu, song một quan chức ngành văn hóa địa phương lại “vô tư” cho tô vẽ, sơn mới lên di tích quốc gia chỉ để hưởng ứng một phong trào nào đó thì xem ra các di tích còn có lý do để “kêu cứu” dài dài.

Trúc Vân