Nợ của PVN không đáng lo ngại

14:17 | 08/06/2012

493 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là nhận định của TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội) sau khi Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của Bộ Tài chính được công bố, trong đó có đề cập tới khoản nợ 72.300 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo đó, đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của các DNNN đã lên tới 415.347 tỉ đồng, chiếm 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Có tới 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước có dư nợ lên tới 218.738 tỉ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng và chiếm 52,66% dư nợ cho vay của doanh nghiệp Nhà nước.

Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nợ 72.300 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực (EVN) nợ 62.800 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV) nợ 20.500 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) nợ 19.600 tỉ đồng.

Đáng chú ý, bản đề án đã chỉ ra 7 tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ nợ trên vốn điều lệ trên 10 lần gồm Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp (Tập đoàn Sông Đà), Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5, Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Thành An và Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu xét tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty thì vẫn an toàn (415.347/700.000 tỉ đồng). Điều quan trọng là phải làm rõ các khoản nợ này có nằm trong thời gian trả nợ hay không. “Nếu điều kiện trả nợ tốt thì không lo ngại”, TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước, nợ được chia làm 5 nhóm: nhóm 1: nợ tốt – nghĩa là có khả năng trả nợ; nhóm 2 là quá hạn 90 ngày; nhóm 3 là quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày cộng với các khoản nợ đã cơ cấu nhưng vẫn quá hạn 90 ngày; nhóm nợ 4 gồm những khoản nợ đã cơ cấu nhưng quá hạn 180 ngày và các khoản nợ quá hạn 1 năm; nhóm 5 là không thể trả nợ.

Nói như vậy để thấy rằng, muốn biết các tập đoàn, tổng công ty đang ở nhóm nợ nào thì phải có con số báo cáo cụ thể. Ví như PVN, trong năm 2011, tổng doanh thu của PVN đạt trên 675 nghìn tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 89 nghìn tỉ đồng; nộp NSNN đạt 160,8 nghìn tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của PVN năm 2010 là 184 nghìn tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (Công ty Mẹ) đạt trung bình 20%/năm (không bao gồm phần lãi dầu nước chủ nhà từ kết quả hoạt động của các JOC và của Xí nghiệp Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro).

Nếu doanh thu thấp hơn khoản nợ phải trả thì khả năng vỡ nợ rất lớn. Thứ nữa, nếu số tiền nợ đem đầu tư vào các lĩnh vực không sinh lãi thì khả năng thua lỗ sẽ rất cao và càng lún sâu vào nợ. “Nộp ngân sách Nhà nước của PVN lớn hơn 2,5 lần số nợ là điều kiện an toàn cho PVN. Trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng phải nợ để đầu tư và năm nào cũng có bức tranh về nợ của doanh nghiệp. Ở đây là bức tranh nợ của DNNN. Theo cảm nhận chung, đây là khối nợ lớn, tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty nhưng không hề e ngại”, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

P.V

(Năng lượng Mới số 127, ra thứ Sáu ngày 8/6/2012)