Những tỉnh nào đề xuất chuyển đất rừng làm điện gió?

06:29 | 17/09/2021

263 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ năm 2020, nhiều tình thành trên cả nước đã đề xuất chuyển đổi đất rừng (trong đó có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ) sang làm dự án điện gió...

Bình Thuận: Xin chuyển hơn 28ha rừng tự nhiên làm nhà máy điện gió Hòa Thắng

Ngày 23/10/2020 UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi các Bộ, Ngành về việc xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110kV. Trước đó, Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng đã đề xuất với tỉnh Bình Thuận về việc đầu tư xây dựng dự án nhà máy điện gió với quy mô công suất 100MW, tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng.

Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng thuộc Tổng công ty CP Thương mại xây dựng Vietracimex vừa có văn bản ngày 22/7/2020 gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất cho phép xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại xã Hòa Thắng và thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bỉnh Thuận. Nhà máy có công suất 100MW với mục tiêu sản xuất điện từ nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo hòa vào lưới điện quốc gia. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 4.736 tỷ đồng.

Những tỉnh nào đề xuất chuyển đất rừng làm điện gió?
Ảnh minh họa.

Phú Yên: Chuyển mục đích 11,55ha rừng để thực hiện dự án điện gió Xanh Sông Cầu

Ngày 3/1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã ký quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Xanh Sông Cầu (giai đoạn 1). Theo đó, phần diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng của dự án là 11,55ha thuộc các xã Xuân Cảnh, Xuân Hải và Xuân Bình (TX.Sông Cầu, Phú Yên). Loại rừng chuyển mục đích là rừng trồng.

Nhà máy điện gió Xanh Sông Cầu là dự án điện gió đầu tiên tại Phú Yên được UBND tỉnh này ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (tháng 11/2020). Dự án do Công ty CP Năng lượng xanh Sông Cầu làm đầu tư, với nguồn vốn 1.764 tỷ đồng. Giai đoạn 1, nhà máy có công suất 49,94MW, sản lượng điện dự kiến trung bình hàng năm hơn 131GWh.

Đến nay, tại Phú Yên đã có 2 dự án điện gió với tổng công suất 350MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là Nhà máy điện gió Xanh Sông Cầu và Dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ (do HBRE Group làm chủ đầu tư). Bên cạnh đó, một số dự án khác được UBND tỉnh Phú Yên cho phép nhà đầu tư tiếp cận nghiên cứu, khảo sát đo gió.

Quảng Trị: Chuyển đổi hơn 20ha rừng để làm nhà máy điện gió Tân Hợp gần 1.700 tỷ đồng

Ngày 18/8/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2168/QĐ-UBND về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và cho Công ty Cổ phần Điện gió Thành An thuê đất (đợt 1) để thực hiện dự án nhà máy điện gió Tân Hợp.

Theo quyết định, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn dự án xin chuyển mục đích sử dụng khoảng 20,4ha. Trong đó, diện tích đất rừng phòng hộ khoảng 3,9ha, diện tích đất rừng sản xuất khoảng 16,5ha.

Phần lớn diện tích đất xin chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án hiện do Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông quản lý (19,5ha).

Về hiện trạng rừng, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết có 11,3ha rừng hiện đang trồng các loài cây thông nhựa bằng nguồn vốn dự án 327 từ các năm 1990, 1994, 1997, 1998 và rừng trống các loài cây thông hỗn giao keo, sao bằng nguồn vốn dựa án 661 vào các năm 1999,2007. Ngoài ra còn có khu vực trồng cây keo từ các năm 2015, 2018 và 2019.

Cũng tại quyết định này, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý cho Công ty Điện gió Thành An thuê hơn 4,8ha đất để xây dựng công trình nhà máy điện gió Tân Hợp với thời hạn đến ngày 15/12/2070. Cùng với đó là hơn 13,2ha đất để phục vụ thi công công trình nhà máy điện gió Tân Hợp.

Được biết, dự án nhà máy điện gió Tân Hợp, do Công ty Điện gió Thành An làm chủ đầu tư, được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3588/QĐ-UBND ngày 15/12/2020.

Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.696 tỷ đồng, với diện tích đất đề xuất sử dụng là 24ha (trong đó, diện tích sử dụng đất có thời hạn là 12,9ha; diện tích sử dụng đất tạm thời là 11,1ha). Sản lượng điện hàng năm dự kiến 150 triệu kWh. Nhà máy có công suất dự kiến 38MW gồm 10 tuabin gió, mỗi tua bin có công suất 3,8MW và hệ thống điện trung áp đấu nối các tuabin vào trạm biến áp nâng.

Hà Tĩnh: Xin chuyển rừng tự nhiên làm Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Ngọc Sơn ngày 9/9/2021 vừa ký công văn số 5942/UBND-NL4 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về việc rà soát hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh.

Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020, có công suất thiết kế 120MW, gồm 25 turbine gió. Chủ đầu tư là Công ty CP điện phong HBRE Hà Tĩnh. Đây là dự án điện gió duy nhất tại Hà Tĩnh được bổ sung vào Quy hoạch điện VII.

Theo công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án có diện tích nghiên cứu, khảo sát 845 ha tại khu vực dãy Hoành Sơn, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh; trong đó diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng là 19,05ha, là rừng tự nhiện nghèo, thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ, chủ yếu cây bụi và cây gỗ tái sinh nhỏ, không có giá trị về kinh tế, mật độ cây binh quân khoảng 217 cây/ha, trữ lượng 10,2m3/ha, tổ thành loài là các loại cây gồm: Ba bét, Dung, Trâm, Bời lời, Bai bái…

Công trường điện gió sôi động, các doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản!Công trường điện gió sôi động, các doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản!
Chuyển đổi rừng tự nhiên làm điện gió: Không nên vội vàng...Chuyển đổi rừng tự nhiên làm điện gió: Không nên vội vàng...
Lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió, bao lâu là hợp lý?Lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió, bao lâu là hợp lý?
Quảng Trị sắp vận hành 13 dự án điện gió gần 500MWQuảng Trị sắp vận hành 13 dự án điện gió gần 500MW
Tiềm năng lớn, Hà Tĩnh muốn chuyển đổi rừng tự nhiên làm năng lượng tái tạoTiềm năng lớn, Hà Tĩnh muốn chuyển đổi rừng tự nhiên làm năng lượng tái tạo
Vì sao Đắk Lắk phải đề nghị Bộ Công Thương Vì sao Đắk Lắk phải đề nghị Bộ Công Thương "cứu" loạt dự án điện gió 685MW?

X.Hinh (tổng hợp)