Công trường điện gió sôi động, các doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản!

19:00 | 16/09/2021

213 lượt xem
|
(PetroTimes) - Công trường điện gió đang rất sôi động khi sắp đến hạn chót được hưởng giá FIT, tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang đẩy các doanh nghiệp vào thế khó và có nguy cơ phá sản...

Làm ngày đêm để kịp tiến độ

Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh ở khu vực miền Nam đã có ý kiến đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời hạn áp dụng giá FIT đối với các dự án điện gió. Bởi theo các tỉnh này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tiến độ các dự án không hoàn thành trước ngày 31/10.

Trong khi theo Quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh) và trên bờ là 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng/kWh). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Ở phía các doanh nghiệp điện gió, họ vẫn đang tích cực triển khai, làm ngày đêm để đạt tiến độ, hưởng giá FIT. Điển hình là Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) - dự án lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại với tổng mức đầu tư 16.500 tỷ đồng, quy mô công suất 400MW.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk cho biết: “Hiện tại, dự án vẫn đang gấp rút triển khai và dự kiến sẽ được vận hành thương mại trước ngày 31/10. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp đơn vị cũng gặp một số khó khăn đặc biệt là công tác huy động công nhân ở các khu vực, công tác vận chuyển thiết bị, mua các phụ tùng… nhưng đơn vị thi công đã tìm cách khắc phục. Tính đến giữa tháng 9 việc xây dựng đã hoàn thành 97%, lắp đặt khoảng 60%”.

Công trường điện gió sôi động, các doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản!
Một dự án điện gió

Hay Dự án Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (Gia Lai) khởi công từ tháng 1/2021 có công suất 50MW gồm 12 trụ turbine gió (4,2 MW/trụ) với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cũng đang hối hả triển khai thi công cả ngày lẫn đêm để kịp hoàn thành tiến độ nhằm hưởng giá FIT.

Ông Hồ Quý Tri Thức, Phó giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Ia Bang, cho biết: Thời điểm này, Công trình Nhà máy điện gió Ia Bang 1 đang huy động tối đa nguồn nhân lực để thi công đảm bảo về đích đúng thời gian. Do lắp đặt thiết bị theo mùa gió nên phải làm cả ngày lẫn đêm để đảm bảo kịp tiến độ, để sớm hòa lưới điện quốc gia. Đơn vị hiện đã hoàn thiện 5,66km mặt đường giao thông; đổ bê tông 12/12 móng trụ, hoàn thành xây dựng nhà quản lý vận hành… Cùng với đó, việc vận chuyển và lắp đặt thiết bị được thực hiện đúng tiến độ.

Chính sách chưa nhất quán...

Trao đổi với PV về vấn đề này, chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính nhận định, các doanh nghiệp điện gió hiện nay gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên đó chưa phải là nguyên nhân chính mà cái chính là chính sách không nhất quán, không lường trước được của các cơ quan chức năng.

Công trường điện gió sôi động, các doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản!
Công nhân thi công phần đế công trình điện gió

Đối với điện gió, quyết định số 37/QĐ-TTg quy định giá điện gió là 7,8 cent/kWh, giá này không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nên điện gió không phát triển. Đến năm 2018, chính phủ quyết định số 39/QĐ-TTg nâng giá điện gió trên bờ lên 8,5 cent/kWh và điện gió ngoài khơi lên 9,8 cent/kWh. Với mức giá này đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên quyết định số 39/QĐ-TTg sẽ hết hiệu lực vào 31/10/2021 nghĩa là chỉ còn hơn 1 tháng nữa và sau đó chưa có chính sách gì thay thế. Vì vậy các nhà đầu tư đang phải chạy đua để hưởng giá này.

Hiện nay tổng công suất đăng ký khoảng là 5.600 MW nhưng mức công suất điện gió có thể vận hành trước 31/10 có đạt được 5.600 MW như các chủ đầu tư đăng ký hay không được các chuyên giá đánh giá là không thể. Tính đến đầu tháng 8/2021, mới chỉ có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại.

"Đối với nhà đầu tư, mỗi tháng chờ đợi nhưng vẫn phải nuôi quân, bảo dưỡng máy móc và đủ thứ cần tiền khác. Nếu kéo dài thì nguy cơ phá sản là rất cao, nhất là trong đợt COVID này. Các nhà đầu tư cần chính sách nhất quán, dài hơi và có thể dự đoán được để các nhà đầu tư có kế hoạch lâu dài chứ chính sách giật cục như thế này thì rất khó cho họ" - vị chuyên gia năng lượng cho biết.

Công trường điện gió sôi động, các doanh nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ phá sản!
Chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính

Chuyên gia Trần Đình Sinh cũng cho biết, theo Bộ Công Thương, cơ chế sắp tới sẽ là đấu thầu. Tuy nhiên, bao giờ cơ chế này ban hành thì vẫn chưa biết. Theo kinh nghiệm của các nước đã phát triển điện gió đi trước như Đan Mạch, Đức… thì đầu tiên họ đưa ra cơ chế giá FIT để doanh nghiệp làm quen và củng cố về kỹ thuật, nhân lực, tiền vốn. Sau khoảng 5 năm họ ban hành cơ chế đấu thầu và vận hành cả 2 cơ chế này trong khoảng 5 đến 7 năm, rồi sau đó chuyển sang cơ chế hoàn toàn đấu thầu. Như vậy khoảng 10-12 năm sau, cơ chế FIT sẽ bị loại bỏ và chỉ còn cơ chế đấu thầu.

"Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước để áp dụng vào Việt Nam, không nên có những thời gian trống chính sách, gây bất lợi rất nhiều cho nhà đầu tư nói riêng và cho đất nước nói chung" - ông Trần Đình Sính nói.

Gia hạn áp dụng giá FIT trong bao lâu?

Liên quan đến đề xuất lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió, trao đổi với Petrotimes, PGS.TS Đặng Đình Thống cho rằng, việc lùi thời gian áp dụng giá FIT đối với các dự án điện gió trong bối cảnh hiện tại là cần thiết bởi các doanh nghiệp gặp phải các khó khăn khách quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lên tiếng chính thức, có văn bản gửi các cơ quan chức năng, bộ, ngành để nói về các khó khăn cũng như xin gia hạn thời gian áp dụng giá FIT.

"Tôi nghĩ với hoàn cảnh hiện tại thì việc xin gia hạn áp dụng giá FIT với các doanh nghiệp điện năng lượng tái tạo là có thể được" - ông Thống nhận định.

Nói về thời gian lùi áp dụng cơ chế giá FIT điện gió, vị chuyên gia này nhận định, trước diễn biến của dịch Covid-19 như hiện nay, chưa chắc đã có thể kết thúc, vì vậy, nếu xin lùi thời hạn thì nên lùi trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để các doanh nghiệp điện gió hoàn thành dự án và vận hành thương mại. Nếu chỉ xin lùi một vài tháng e rằng dự án không thể hoàn thành.

Chuyển đổi rừng tự nhiên làm điện gió: Không nên vội vàng...Chuyển đổi rừng tự nhiên làm điện gió: Không nên vội vàng...
Lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió, bao lâu là hợp lý?Lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió, bao lâu là hợp lý?
Quảng Trị sắp vận hành 13 dự án điện gió gần 500MWQuảng Trị sắp vận hành 13 dự án điện gió gần 500MW
Tiềm năng lớn, Hà Tĩnh muốn chuyển đổi rừng tự nhiên làm năng lượng tái tạoTiềm năng lớn, Hà Tĩnh muốn chuyển đổi rừng tự nhiên làm năng lượng tái tạo
Vì sao Đắk Lắk phải đề nghị Bộ Công Thương Vì sao Đắk Lắk phải đề nghị Bộ Công Thương "cứu" loạt dự án điện gió 685MW?
Nhà máy điện gió 120MW tại Sóc Trăng vận hành vào ngày 5/10Nhà máy điện gió 120MW tại Sóc Trăng vận hành vào ngày 5/10
COVID COVID "chặn đường", hàng loạt dự án điện gió khó hoàn thành trước 30/10

Xuân Hinh

  • vietinbank