Những tín hiệu hy vọng cho thế giới trong năm 2023

10:45 | 22/01/2023

281 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2023, thế giới có đủ công cụ để tuyên bố chấm dứt hoàn toàn đại dịch Covid-19. Cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc sau gần một năm diễn biến căng thẳng. Trong những ngày đầu năm mới, mọi người hoàn toàn có quyền hy vọng vào những tín hiệu lạc quan cho thế giới.
5 dự đoán gây sốc của nhà tiên tri Vanga cho năm 20235 dự đoán gây sốc của nhà tiên tri Vanga cho năm 2023
Chuyên gia “hiến kế” đối phó với rủi ro suy thoái kinh tế thế giới năm 2023Chuyên gia “hiến kế” đối phó với rủi ro suy thoái kinh tế thế giới năm 2023

Tương lai cuộc xung đột Nga - Ukraine

Những tín hiệu hy vọng cho thế giới trong năm 2023 - 1
Cầu vồng trên bầu trời Kiev, Ukraine ngày 29/1 (Ảnh: Reuters).

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang chuẩn bị bước sang năm thứ 2 và là cuộc xung đột có quy mô lớn đầu tiên ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2, nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, bào mòn sức lực của các bên tham chiến và tác động đến toàn thế giới. Sau các đợt tấn công cao trào hồi đầu cuộc xung đột, đến nay, Moscow đang sử dụng những lực lượng tham chiến hạn chế. Họ đang triệt để triển khai các đợt không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tập kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng và điện nước của Ukraine nhằm giành ưu thế trên thực địa khi các bên đạt được đồng thuận về triển khai đàm phán hòa bình.

Hiện nay, giải pháp hòa bình chưa thực sự "ló rạng" khi cả Moscow và Kiev đều có lập trường khác xa nhau, khiến cho các nỗ lực kết nối và đối thoại đến hiện tại vẫn "giậm chân tại chỗ". Tuy nhiên, giới nhà quan sát vẫn hy vọng, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới vẫn giữ được sự tỉnh táo để không đẩy xung đột đi quá xa và để tương lai hòa bình đến gần hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga sẽ thực sự tác động mạnh mẽ tới Nga trong năm 2023.

Hơn nữa, Nga và Ukraine có một số ràng buộc chung về lợi ích có thể khiến hai nước có thể nhượng bộ nhau và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, như thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen, vấn đề giữ an ninh cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia. Đây có thể được xem là tia hy vọng cứu vãn tình hình căng thẳng hiện tại và thúc đẩy nhanh hơn tiến trình đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trung Quốc mở cửa trở lại

Những tín hiệu hy vọng cho thế giới trong năm 2023 - 2
Nhà ga Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc chật kín người về quê dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: Reuters).

Khi đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ 4, thế giới tiếp tục nỗ lực hướng tới việc làm chủ vaccine, cải thiện phương pháp điều trị và phòng ngừa. Cùng với hiệu quả của các gói kích thích kinh tế và việc bao phủ vaccine trên diện rộng, hầu hết đã kiểm soát được dịch bệnh và điều chỉnh chính sách chống dịch phù hợp để mở cửa lại nền kinh tế, tạo lực đẩy cho nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.

Đáng chú ý, việc Trung Quốc mở cửa trở lại hôm 8/1 sau 3 năm đóng cửa nghiêm ngặt để phòng dịch được coi là một trong những sự kiện lớn nhất thế giới của năm 2023. Morgan Stanley (Ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ) đánh giá, việc mở cửa trở lại sẽ giúp tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng thêm 0,4 điểm %, theo đó giúp tăng trưởng GDP của thế giới tăng thêm khoảng 0,1%.

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy cũng sẽ được cải thiện, từ đó thúc đẩy tăng sức cầu với kinh tế thế giới, nhất là nhu cầu đi lại, du lịch, hàng hóa và dịch vụ. Lạm phát toàn cầu có dấu hiệu tăng chậm lại và sự suy thoái trong hoạt động kinh tế ít nghiêm trọng hơn. Do đó, ngày 13/1, Ngân hàng Barclays của Anh đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 2,2% trong năm nay (tăng 0,5 điểm % so với dự báo đưa ra vào giữa tháng 11 năm ngoái).

Kinh tế châu Á có dấu hiệu khởi sắc

Những tín hiệu hy vọng cho thế giới trong năm 2023 - 3
Một góc siêu thị ở Tokyo, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Năm 2023, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặc biệt là Đông Nam Á vẫn là một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. S&P Global Market Intelligence dự báo, năm nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng thực tế vào khoảng 3,5%, còn IMF dự báo ở mức 4,3%.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán, trong năm 2023, các nền kinh tế thị trường mới nổi ở châu Á sẽ chiếm gần 3/4 mức tăng trưởng GDP toàn cầu. Điều này phản ánh nền kinh tế toàn cầu có thể dịch chuyển trọng tâm sang châu Á, giảm mạnh ở Mỹ và châu Âu. IMF cho biết Đông Nam Á có thể sẽ tận hưởng một năm phát triển mạnh phía trước, trong đó Việt Nam đang mở rộng từ vị trí trung tâm của các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ có thể sẽ tăng trưởng từ 4% đến 6%. Ngành du lịch sẽ tăng trưởng vượt bậc trong năm 2023, nhất là khi lượng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại sau một thời gian nước này đóng cửa phòng dịch.

Nhìn chung, sự tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ khác với nhiều nền kinh tế tiên tiến như châu Âu vì nó đóng vai trò là công cụ đa dạng hóa hữu ích. Ở mức độ nào đó, nó còn giúp tránh khỏi những khó khăn mà châu Âu phải đối mặt; đặc biệt là không phải chịu áp lực từ các chính sách thắt chặt tài chính của ngân hàng trung ương như ở Mỹ và các nước phương Tây.

Kinh tế châu Âu có thể không ảm đảm như dự báo

Những tín hiệu hy vọng cho thế giới trong năm 2023 - 4
Tượng vũ công flamenco tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Ronda, Tây Ban Nha (Ảnh: Reuters).

Ngày 16/1, phát biểu trước cuộc họp hàng tháng, Ủy viên Kinh tế liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni cho biết, mặc dù tình hình kinh tế của khối vẫn chưa chắc chắn nhưng đã có một số tín hiệu khả quan cho thấy châu Âu có thể tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm 2023 như dự đoán vài tháng trước.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của S&P Global cho biết nền kinh tế khu vực đồng tiền chung euro tiếp tục giảm trong tháng 12/2022. Điều này cho thấy sự nghiêm trọng của suy thoái đã được điều chỉnh giảm trong tháng thứ hai liên tiếp và chứng tỏ sự trì trệ của nền kinh tế có thể không nghiêm trọng như dự đoán ban đầu.

Dữ liệu kinh tế khả quan bất ngờ nói trên có thể tạo thêm dư địa để các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và đưa lạm phát về mức mục tiêu. Hơn nữa, dù có sự dao động tùy từng quốc gia, các gói hỗ trợ tài chính quy mô lớn nói chung ở châu Âu và Anh để ứng phó với giá năng lượng cao đã góp phần đưa đến các tín hiệu lạc quan, cộng với thị trường lao động mạnh và mức tiết kiệm của các hộ gia đình ở mức cao.

Ngân hàng đầu tư Berenberg của Đức cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro dựa trên những thông tin tích cực gần đây, đặc biệt là giá khí đốt giảm, niềm tin của người tiêu dùng phục hồi và kỳ vọng kinh doanh được cải thiện. Berenberg đã nâng dự báo tăng trưởng GDP tích lũy Quý I/2023 của khu vực này từ mức -0,9% lên -0,3%.

Các bước tiến mới trong cuộc chiến chống đói nghèo

Những tín hiệu hy vọng cho thế giới trong năm 2023 - 5
Một người bán hàng ven đường tại Colombo, Sri Lanka (Ảnh: Reuters).

Những thành tựu chống đói nghèo của thế giới đã bị đẩy ngược trở lại do tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2020, khoảng 9,3% dân số toàn cầu, tương đương 70 triệu người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine trên diện rộng cùng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả đã giúp tỷ lệ đói nghèo trên thế giới giảm xuống 8,8% năm 2021 và 8,4% năm 2022. Đây vừa là minh chứng cho khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu vừa là dấu hiệu lạc quan cho thấy, năm 2023, tỷ lệ đói nghèo trên thế giới sẽ tiếp tục giảm rõ rệt.

Với khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của nhân loại qua chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh, mọi người vẫn còn quyền hy vọng vào các tiến bộ và tương lai tương sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo của năm 2023 và cả những năm về sau.

Triển vọng quan hệ Mỹ - Trung

Những tín hiệu hy vọng cho thế giới trong năm 2023 - 6
(Ảnh minh họa: Reuters).

Quan hệ Mỹ - Trung năm 2022 tiếp tục xu thế cạnh tranh quyết liệt, căng thẳng, phức tạp trên các lĩnh vực từ kinh tế, công nghệ, thương mại đến ngoại giao, quân sự... Năm 2023, quan hệ giữa hai bên được dự báo vẫn vướng nhiều rào cản. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang rục rịch chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 và khả năng lưỡng viện Mỹ sẽ dùng lập trường với Trung Quốc như một "con bài" tiềm năng cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Hạ viện Mỹ cũng có thể sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, khiến Nhà Trắng khó thể hiện sự linh hoạt trong quan hệ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hai nước đều có những điều chỉnh nhất định theo hướng cân bằng giữa gây sức ép, răn đe với duy trì kênh liên lạc để tránh đẩy căng thẳng leo thang dẫn đến xung đột. Đáng chú ý, Trung Quốc đã đặt mục tiêu "hàn gắn quan hệ với Mỹ" trong năm 2023, một phần còn nhằm khôi phục kinh tế hậu đại dịch và cải thiện khả năng tiếp cận với công nghệ của phương Tây để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong khi đó, Mỹ cũng có nhiều bước đi thúc đẩy đối thoại nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Có thế thấy, mặc dù cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn và lan sang lĩnh vực mới, tuy nhiên, hai bên vẫn nỗ lực "lập rào chắn an toàn" cho cạnh tranh chiến lược. Về cơ bản, mục tiêu của Mỹ và Trung Quốc vẫn không tương thích, các vấn đề lớn như thương mại, công nghệ, nhân quyền, hồ sơ Đài Loan vẫn sẽ luôn là các vấn đề dễ biến động nhất trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, với một mối quan hệ đan xen những lợi ích chiến lược và đang đối mặt những thách thức chưa từng có, việc quản trị cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng nhằm tránh những tính toán sai lầm và thế đối đầu nguy hiểm.

Bán đảo Triều Tiên có "hạ nhiệt"?

Những tín hiệu hy vọng cho thế giới trong năm 2023 - 7
Các bệ phóng tên lửa trong một lễ kỷ niệm ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Ảnh: Reuters).

Năm 2022 đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới trên Bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tiến hành số vụ phóng thử tên lửa ở mức kỷ lục, đẩy Bán đảo Triều Tiên vào trạng thái bất ổn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, thậm chí còn xấu đi hơn nữa khi nguy cơ Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 là rất dễ xảy ra.

Giới chuyên gia dự báo, năm 2023, Bán đảo Triều Tiên có thể bước vào giai đoạn "nóng" khi các bên có thể tiến hành các hoạt động nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu cho thấy khả năng diễn biến sắp tới sẽ dừng lại ở việc Triều Tiên tăng cường các vụ phóng tên lửa và Mỹ, Hàn, Nhật Bản tăng cường tập trận, phô diễn sức mạnh. Các bên sẽ không chọn con đường xung đột bởi tình hình thế giới đang rất phức tạp và suy cho cùng, các bên đều không có lợi ích khi xung đột nổ ra. Hơn nữa, cuối năm 2022, Hàn Quốc cũng phát đi thông điệp sẽ tiếp tục thuyết phục Triều Tiên ngừng các hành động quân sự làm gia tăng căng thẳng, đồng thời nỗ lực xúc tiến việc nối lại tiếp xúc liên Triều trong năm 2023.

Tương lai về một tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên có thể cần mất nhiều thời gian hơn nếu các bên vẫn tiếp tục giữ quan điểm riêng về vấn đề phi hạt nhân hóa. Chính vì vậy, việc sớm tìm ra giải pháp giải quyết căng thẳng, tránh để mọi việc leo thang quá mức ảnh hưởng tới an ninh khu vực và thế giới là điều quan trọng nhất lúc này.

Có thể thấy, năm 2022, thế giới đã trải qua nhiều khó khăn và thách thức với những tác động sâu rộng tới cục diện chung của toàn nhân loại, làm chuyển dịch những mạch ngầm, những vận động và xu hướng định hình trật tự thế giới trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, với những tín hiệu lạc quan, mọi người vẫn có quyền kỳ vọng vào những điều tốt đẹp, thuận lợi và may mắn trong năm 2023.

Theo Nguyên Long/ Dân trí