Những mẫu máy bay chiến đấu lập kỷ lục thế giới của Liên Xô

07:58 | 15/10/2018

751 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên Xô đã phát triển nhiều tiêm kích, cường kích giữ kỷ lục thế giới về số lượng sản xuất, tốc độ hay khả năng cơ động.

Từ nỗ lực của các nhà khoa học và kỹ sư hàng không, nhiều mẫu máy bay chiến đấu của Liên Xô ra đời và trở thành dấu mốc trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Những phi cơ này phá vỡ các ranh giới tưởng chừng không thể vượt qua và mở ra giai đoạn phát triển mới cho sức mạnh của không quân Liên Xô, RBTH nhận định.

Cường kích Ilyushin Il-2

Cường kích Ilyushin Il-2 Shturmovik được thiết kế từ cuối những năm 1930 và bắt đầu được chế tạo từ năm 1941. Với hơn 36.000 chiếc được chế tạo trong Thế chiến II, Il-2 trở thành máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất lịch sử.

Nhiều loại máy bay chiến đấu trong Thế chiến II như oanh tạch cơ bổ nhào Ju-87 Stuka chỉ được trang bị giáp hạng nhẹ để giảm trọng lượng máy bay, dù khả năng sống sót của máy bay trước hỏa lực đối phương giảm đi. Giải pháp mà nhà thiết kế máy bay huyền thoại Sergey Ilyushin đưa ra là biến giáp thép trở thành phần tử chịu lực của oanh tạc cơ Il-2.

nhung mau may bay chien dau lap ky luc the gioi cua lien xo
"Xe tăng bay" Il-2. Ảnh: Sputnik.

Với lớp giáp thép này, cường kích Il-2 có thể chịu được hỏa lực dày đặc từ phòng không mặt đất. Các phi công Liên Xô gọi Il-2 là "xe tăng bay", còn phát xít Đức gọi đây là "oanh tạc cơ bê tông" và "tử thần đen" bởi mỗi đợt tấn công của một phi đội Il-2 thường gây thiệt hại nặng cho đối phương.

Tuy nhiên, Il-2 lại dễ bị các chiến đấu cơ Đức có tốc độ cao hơn bắn hạ do phần đuôi của cường kích này không có giáp. Vào thời kỳ đầu của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, nhiều chiếc Il-2 bị bắn hạ do Liên Xô không đủ tiêm kích để hộ tống cường kích này, với tỷ lệ thiệt hại là một cường kích Il-2 sau mỗi 10 trận đánh. Tình hình được cải thiện sau năm 1943, khi đó trung bình mỗi chiếc Il-2 có thể tham gia được 26 trận đánh.

Tiêm kích MiG-15

Mikoyan-Gurevich thiết kế tiêm kích MiG-15 vào cuối thập niên 1940, đây là mẫu tiêm kích phản lực được sản xuất nhiều nhất thế giới với hơn 16.000 chiếc được chế tạo.

Tiêm kích MiG-15 thể hiện sức mạnh ấn tượng của mình trong Chiến tranh Triều Tiên khi chúng áp đảo các phi đội chiến đấu cơ phản lực phương Tây. "Không chỉ nhanh hơn bất cứ thứ gì chúng ta chế tạo được, nó còn được sản xuất rất nhiều", tư lệnh Không quân Hoàng gia Anh khi đó thừa nhận.

Vào thời kỳ đó, chỉ có tiêm kích F-86 Sabre của Mỹ đủ khả năng đối đầu với MiG-15. Trong Chiến tranh Triều Tiên, phi công Liên Xô Yevgeny Pepelyaev điều khiển MiG-15 tham gia 38 trận không chiến, tiêu diệt 20 chiến đấu cơ đối phương, trong đó có 18 tiêm kích F-86 Sabre.

nhung mau may bay chien dau lap ky luc the gioi cua lien xo

MiG-15 là tiêm kích phản lực được sản xuất nhiều nhất thế giới. Ảnh: RBTH.

Tiêm kích MiG-15 có mặt trong biên chế lực lượng vũ trang của hơn 40 nước. Năm 2006, không quân Albania loại biên chiếc MiG-15 cuối cùng và kết thúc gần 60 năm hoạt động của dòng tiêm kích phản lực huyền thoại này.

Tiêm kích MiG-21

MiG-21 là tiêm kích phản lực siêu âm được chế tạo nhiều nhất với tổng cộng gần 12.000 chiếc. Nó còn lập kỷ lục thế giới về tốc độ vào đầu thập niên 1960, khi đạt vận tốc tối đa gần 2.400 km/h.

Với số lượng chế tạo lớn, MiG-21 có giá thành sản xuất rẻ hơn nhiều so với tiêm kích F-4 Phantom của Mỹ. Đây cũng là tiêm kích đầu tiên của Liên Xô chủ yếu sử dụng tên lửa để tấn công chiến đấu cơ đối phương trong các trận không chiến.

nhung mau may bay chien dau lap ky luc the gioi cua lien xo

Tiêm kích MiG-21 lập kỷ lục về tốc độ bay đầu thập niên 1960. Ảnh: Sputnik.

MiG-21 là chiến đấu cơ hạng nhẹ và có khả năng đạt độ cao nhanh chóng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc tính này của MiG-21 đã giúp các phi công Việt Nam có thể cơ động để tránh tên lửa phóng ra từ tiêm kích F-4 Mỹ và tung đòn phản công.

MiG-21 còn có biệt danh là "Balalaika", loại đàn truyền thống của Nga, do đôi cánh tam giác của nó có hình dáng rất giống nhạc cụ này.

Tiêm kích MiG-29

Tiêm kích MiG-29 có những đặc tính cho phép chiến đấu cơ này thực hiện các động tác cơ động trên không mà các chiến đấu cơ thế hệ cũ không thể thực hiện được.

Tại Triển lãm Hàng không Farnborough tại Anh năm 1988, các phi công MiG-29 thực hiện động tác bay "quả chuông" vốn chưa từng được bất cứ máy bay phản lực nào thực hiện. Khi MiG-29 bay thẳng lên trên tới thời điểm nhất định, vận tốc sẽ về không và chiến đấu cơ này bất động trong vài giây.

Trong những năm 1980, các phi công được cho là tìm cách điều khiển MiG-29 bay theo hình xoáy trôn ốc nhưng từ bỏ động tác bay này bởi động tác này cực kỳ nguy hiểm.

Tại Triển lãm hàng không Hoàng gia ở Anh năm 2015, màn cất cánh gần như thẳng đứng của tiêm kích MiG-29 khiến khán giả choáng ngợp và đoạn phim về màn cất cánh này nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội.

Tiêm kích Su-27

Tiêm kích Sukhoi Su-27 được thiết kế vào cùng khoảng thời gian với tiêm kích MiG-29, lập nhiều kỷ lục trong thời gian bay thử trước khi được đưa vào biên chế năm 1990.

Năm 1986, phi công thử nghiệm Liên Xô Viktor Pugachev điều khiển tiêm kích Su-27 lên độ cao 3.000 m chỉ trong 25 giây, tiếp đến là kỷ lục đạt độ cao 12.000 m trong 58 giây.

nhung mau may bay chien dau lap ky luc the gioi cua lien xo

Phi công Pugachev điều khiển tiêm kích Su-27 tại Triển lãm Hàng không Le Bourget năm 1989. Ảnh: TASS.

Năm 1989, Pugachev thực hiện tuyệt kỹ "Rắn hổ mang" bằng Su-27 ở Triển lãm Hàng không Le Bourget tại Pháp, động tác bay nổi tiếng đến mức nó mang tên viên phi công bay thử huyền thoại này.

Khi phi công thực hiện động tác "Rắn hổ mang Pugachev", chiếc máy bay đang bay ở tốc độ vừa phải đột nhiên ngóc đầu và lao lên theo phương thẳng đứng, trước khi trở lại theo phương nằm ngang.

Theo VnExpress.net

Mỹ sơ tán máy bay chiến đấu F-22 trước siêu bão
Chuyên gia Nga: S-300 đủ sức đo ván F-22 và F-35
Cuộc tỉ thí tốc độ giữa xe phân khối lớn, xe đua F1, siêu xe, và máy bay chiến đấu