Những điều cần biết về chất tạo nạc Salbutamol

16:00 | 24/03/2016

894 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Salbutamol và Clenbuterol là thuốc dùng để điều trị bệnh trong ngành y, nhưng lại là chất bị cấm sử dụng trong ngành chăn nuôi. Nhiều đối tượng hám lợi đã sử dụng thuốc này kích thích heo tăng trọng, tạo nạc, giảm mỡ, gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong ngành y, Salbutamol và Clenbuterol là thuốc thuộc nhóm thuộc nhóm Beta – Agonists, được sử dụng nhiều trong khoa hô hấp với các chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí, viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang… Trong sản khoa thuốc sử dụng với chỉ định trong chuyển dạ sớm, làm chậm thời gian sinh, có tác dụng đối với sự phát triển của phôi thai nhi…

Việc sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối và sử dụng Salbutamol và Clenbuterol đã được quy định chặt chẽ tại các văn bản pháp luật như Luật Dược, Nghị định 79/2006/NĐ-CP quyết định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược…

Còn trong ngành chăn nuôi, tại Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN ngày 20/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quy định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Salbutamol và Clenbuterol trong sản xuất và kinh doanh thức ăn gia súc.

Liên quan đến chất tạo nạc salbutamol bị sử dụng trái phép trong chăn nuôi, Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, việc sử dụng chất cấm để tạo nạc cho thịt heo, một phần bởi người dân ham lợi nhuận, nhưng cũng một phần do thịt heo khi được kích nạc, ít mỡ, có bề ngoài bắt mắt, tiêu thụ nhanh hơn, nên nhiều thương lái đã ép người chăn nuôi phải sử dụng chất này, nếu không sẽ không mua heo.

nhung dieu can biet ve chat tao nac salbutamol
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tại buổi tọa đàm về chất cấm sử dụng trong chăn nuôi

Đối với loại heo được cho ăn chất này, thương lái cũng trả giá cao hơn từ 1.000 – 2000đ/kg so với loại heo thường. Vì vậy, không loại trừ khả năng các thương lái chính là đầu mối phân phát Salbutamol tới các trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, tại một số cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi cũng bán kèm thuốc này với lời quảng cáo: Cho thêm chất này vào thức ăn, heo có thể đạt đến trọng lượng 130 - 140kg/con mà mỡ lại rất ít.

Thông thường, chất cấm này chỉ được sử dụng trong tháng cuối trước khi heo xuất chuồng. Đây là thời điểm heo gần đạt trọng lượng tối ưu nên tốc độ tạo mỡ nhanh, tiêu tốn thức ăn nhiều. Ở giai đoạn kích nạc, trung bình mỗi ngày một con heo tiêu thụ hết 3,3kg thức ăn. Trong khi đó, 1kg sabultamol có thể pha với 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, heo khi bị cho ăn chất này sẽ bị yếu xương, nhược cơ, giảm vận động cơ, khớp, không thể đi lại, phát triển bình thường, dễ chết trong quá trình vận chuyển. Vì vậy, cả thương lái lẫn người chăn nuôi đều buộc phải bán nhanh trước khi heo bị chết.

Do quá trình diễn ra trong thời gian ngắn nên dư lượng chất này vẫn còn nhiều trong thịt heo. Lượng Salbutamol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu. Người ăn phải thịt heo có Salbutamol trong một thời gian sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa… nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng và là nguy cơ cho những căn bệnh khác.

Để nhanh chóng khắc phục việc sử dụng salbutamol trái phép, cuối năm 2015, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung vào luật Dược sửa đổi nội dung: đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt" (Luật Dược 2005 quy định các thuốc phải kiểm soát đặc biệt chỉ bao gồm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ).

Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định: “Nếu luật Dược sửa đổi được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, với quy định đưa Salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng”.  

Nguyên Phương