Những bộ phim bất hủ về báo chí của điện ảnh thế giới

14:15 | 21/06/2012

1,906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng Petrotimes “điểm danh” những bộ phim nổi tiếng của nền điện ảnh thế giới viết về nghề báo.

1, “All the President’s Men” (Người của Tổng thống), ra mắt năm 1976 là bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật đầy hấp dẫn và nổi tiếng trong làng báo Mỹ: vụ điều tra Watergate từng làm sụp đổ chính quyền Richard Nixon của tờ Washington Post. Với Robert Redford vào vai Woodward còn Dustin Hofman đóng Bernstein, “All the President’s Men” được New York Times gọi là “câu chuyện trinh thám mê hoặc” và Post gọi đây là “phim hay nhất từng sản xuất về nghề báo”. Không còn gì nghi ngờ khi đó là bộ phim được nhiều người xem nhất trong số các phim tài liệu về Watergate và là một bộ phim không chỉ để tiêu khiển, nó còn là bộ phim được xem như một “bệ phóng truyền thông” về sức ảnh hưởng của báo chí với công chúng và xã hội.

2, “Citizen Kane” (Công dân Kane)

Tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Orson Welles mặc dù không mang lại thành công như mong đợi cho ông và ekip của mình khi công chiếu lần đầu tiên năm 1941, song nó đã tạo ra một dấu ấn trong lịch sử làm phim Hollywood nói chung và phim về nghề báo nói riêng. Nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim là ông trùm trong lĩnh vực truyền thông Hoa Kỳ William Randolph Hearst. Trong phim, ông trùm báo chí Mỹ Charles Foster Kane thuộc loại giàu có bậc nhất thế giới với đã tạo dựng nên một “đế chế báo chí” hùng mạnh. Nhưng đổi lại, Kane đã phải sống một cuộc đời đầy cô đơn và những bất hạnh trong hôn nhân…

3, “La Dolce Vita” (tựa tiếng Anh là “The Sweet Life” – Cuộc sống ngọt ngào) ra mắt công chúng năm 1960, là bộ phim của đạo diễn lừng danh người Ý Federico Fellini. Phim nằm trong danh sách 100 bộ phim hay nhất thế giới và như một dấu mốc trong cuộc đời làm nghề của Fellini: từ trường phái tân hiện thực sang tường phái phim nghệ thuật.

Phim lấy bối cảnh là thủ đô Rome của nước Ý và xoay quanh anh chàng Marcello Mastroianni – một tay phóng viên chuyên săn lùng tin “nhạy cảm” và giật gân. Để vật lộn với nghề, Marcello đã đích thân trải mình trong dòng xoáy cuộc đời: phải bỏ thời gian tìm kiếm những cô gái thuộc đủ mọi thành phần, từ những cô gái đứng đường mạt hạng đễn những phụ nữ quý tộc dao vàng dĩa ngọc, tiếp xúc những tay giàu có khét tiếng và chức sắc tôn giáo.

“La Dolce Vita” thực sự là bức tranh sinh động về con người và cuộc sống, sự tha hóa và thác loạn, sự suy đồi đạo đức và con người sống trong đó luôn cô đơn, lạc lõng. Tác phẩm điện ảnh đầy ý nghĩa này đã vinh dự nhận Cành cọ vàng danh giá tại LHP Cannes năm 1960.

4, “A Mighty Heart” (Trái tim quả cảm) là câu chuyện có thật về nữ nhà báo kỳ cựu người Pháp, Mariane Pearl và sự thay đổi cuộc đời khi chồng cô, cũng là phóng viên của tờ Wall Street Journal bị nhóm Hồi giáo cực đoan bắt cóc khi tác nghiệp ở Pakistan. Cô nàng xinh đẹp có đôi môi gợi cảm Angelina Jolie vào vai chính trong bộ phim đầy thành công, đã cho khán giả được tận hưởng những cảm xúc mãnh liệt thực sự: vui, buồn, cười, khóc khi cô vượt hành trình gian khổ và đầy hiểm nguy để đi tìm chồng mình.

5, “The Quiet American” (Người Mỹ trầm lặng) là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Anh Graham Greene xoay quanh cuộc sống của Thomas Fowler – phóng viên tờ London Times trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam.

Dưới góc nhìn của một nhà báo Anh, cuộc sống và kháng chiến của người Việt hiện lên đầy chân thực. Bộ phim cũng mang lại tên tuổi cho cô diễn viên Việt Nam Đỗ Thị Hải Yến.

6, “Nothing But the Truth” (Không gì ngoài sự thật) là câu chuyện về cô nàng phóng viên ở Washington D.C, chuyên trách các “điểm nóng” chính trị Rachael. Trong một lần tác nghiệp, cô đã vô tình khám phá ra một bí mật chính trị “khủng”. Ngay sau khi cho đăng bài viết, Rachael không hề hay biết mình sẽ gặp rắc rối với CIA, thậm chí phải ngồi tù… Những ngày tháng dài dặc của Rachel trong tù cũng là lúc cô phải đối mặt với nguy cơ đánh mất gia đình.

Bộ phim của đạo diễn Rod Lurie đã lột tả chân thực cuộc sống của những người làm báo chân chính khi phải đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của chính mình và lương tâm nghề nghiệp.

Hương Mai