Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/11/2022

20:25 | 22/11/2022

488 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương đề xuất 2 kịch bản cung ứng xăng dầu 2023; Giá dầu được dự báo về mốc 100 USD/thùng trong quý IV/2022; Trung Quốc ký thỏa thuận khí đốt LNG lớn nhất lịch sử với Qatar… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 22/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/11/2022
Doanh số bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga tăng mạnh. Ảnh: AP

Bộ Công Thương đề xuất 2 kịch bản cung ứng xăng dầu 2023

Bộ Công Thương vừa có cuộc họp phân giao tổng nguồn xăng dầu của năm 2023. Về phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc phân giao cần dựa trên con số thực hiện của năm 2022, số phân giao tăng khoảng 10% so với số thực hiện của năm 2022.

Đồng thời cần phải có phương án 2 để chủ động trong mọi tình huống. Ngoài ra, dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 phải tăng thêm so với số đăng ký của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2023.

Cụ thể kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 nghìn m3/tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 nghìn m3/tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

Giá dầu được dự báo về mốc 100 USD/thùng trong quý IV/2022

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá dầu sẽ giảm 10 USD xuống còn 100 USD/thùng trong quý IV/2022. Dự báo được đưa ra do lo ngại dịch Covid-19 đang gia tăng ở Trung Quốc và sự thiếu rõ ràng của các nước G7 trong triển khai kế hoạch áp trần giá dầu nhập khẩu từ Nga.

Các chuyên gia lo ngại, các đợt phong tỏa chống dịch ở Trung Quốc tăng lên sẽ đồng nghĩa rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) phải cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng khi Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - áp dụng nhiều đợt phong tỏa hơn, sẽ kéo giảm nhu cầu dầu mỏ của thị trường này hơn nữa. Các chuyên gia của Goldman Sachs cho biết thêm rằng nhu cầu dầu thô hiện tại của Trung Quốc thấp hơn so với ước tính của tập đoàn này trong hai tháng 10 và 11 là 800.000 thùng/ngày.

Trung Quốc ký thỏa thuận khí đốt LNG lớn nhất lịch sử với Qatar

Tập đoàn năng lượng quốc doanh QatarEnergy của Qatar ngày 21/11 đã ký kết thỏa thuận cung ứng 4 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kéo dài 27 năm với Tập đoàn Dầu khí và Hóa dầu Nhà nước Trung Quốc Sinopec. Đây được xem là thỏa thuận dài nhất trong lịch sử các thỏa thuận LNG, và cũng là thỏa thuận mua bán đơn lẻ lớn nhất từng được ghi nhận trên thị trường LNG.

North Field thuộc mỏ khí đốt lớn nhất thế giới mà Qatar chia sẻ với Iran. QatarEnergy đang nắm giữ 75% cổ phần trong dự án này và có thể bán 5% cổ phần cho các đối tác. Từ đầu năm nay, QatarEnergy đã ký kết 5 thỏa thuận trong khuôn khổ dự án NFE, sau đó ký tiếp với 3 đối tác cho North Field South (NFS).

Các thỏa thuận nằm trong kế hoạch mở rộng North Field 2 giai đoạn với kỳ vọng sẽ nâng công suất khí hóa lỏng của Qatar từ 77 triệu tấn/năm hiện nay lên 126 triệu tấn/năm vào năm 2027. Mục đích của dự án nhằm nâng cao vị thế của nước này cũng như giúp đảm bảo nguồn cung khí đốt dài hạn cho châu Âu khi châu lục này tìm kiếm các giải pháp thay thế khí đốt Nga.

London vẫn nhập khẩu lượng lớn dầu Nga bất chấp lệnh trừng phạt

Theo The Sunday Times, Anh đã tiếp nhận 39 tàu chở dầu trị giá 200 triệu bảng Anh (khoảng 236 triệu USD) của Nga kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, trên hồ sơ ghi số lượng dầu này được phân loại nhập khẩu từ Ba Lan, Bỉ, Hà Lan và Latvia.

Anh nhận tổng cộng lưu lượng dầu trị giá 778 triệu bảng Anh từ Nga tại các cảng của nước này kể từ tháng 3. Tờ The Sunday Times ghi nhận ít ​​nhất 4 tàu chở khoảng một triệu thùng dầu của Nga đến cảng Immingham.

Mặc dù việc giao hàng như vậy vẫn hợp pháp cho đến ngày 5/12, khi lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga trên toàn Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực, song uy tín quốc gia và các công ty nhập khẩu dầu Nga phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, quy định pháp lý và quy trình chuyển giao từ tàu này sang tàu khác khiến việc thực thi bất kỳ lệnh cấm đối với nhiên liệu của Nga không dễ.

UAE, Saudi Arabia phản hồi thông tin OPEC+ sẽ tăng sản lượng

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 21/11 tuyên bố nước này sẽ không bán dầu mỏ hoặc các sản phẩm liên quan cho các nước áp đặt "giá trần" đối với dầu mỏ xuất khẩu của Moscow. Đồng thời, Nga cân nhắc khả năng cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô.

Quan chức trên cũng nhấn mạnh rằng, Nga vẫn là nước cung cấp dầu ổn định và khẳng định việc áp giá trần với dầu xuất khẩu của Moscow sẽ làm khan hiếm nguồn cung trên thị trường thế giới.

Cùng ngày 21/11, Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia phủ nhận thông tin về việc các quốc gia này đang thảo luận cùng các thành viên khác trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) về tăng sản lượng. Đại diện UAE đồng thời khẳng định, thỏa thuận hiện tại của nhóm trên vẫn giữ nguyên giá trị đến hết năm 2023.

Trung Quốc nhập gần 60 tỷ USD năng lượng từ Nga

Trung Quốc đã tiếp tục tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga vào tháng trước, nâng tổng giá trị đã lên gần 60 tỷ USD kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu. Theo Bloomberg, chỉ một năm trước, Trung Quốc chỉ chi khoảng 35 tỷ USD để nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Trong đó, theo dữ liệu từ Cục hải quan Trung Quốc, lượng dầu nhập khẩu từ Nga đã tăng 16% lên 7,72 triệu tấn trong tháng trước, khối lượng này chỉ đứng sau nhập khẩu từ Saudi Arabia. Sự gia tăng này diễn ra khi các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc muốn Bắc Kinh duy trì dòng chảy hàng hóa từ Nga, khi các lệnh trừng phạt mới sẽ được áp dụng vào đầu tháng sau.

Doanh số bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga đã tăng hơn một nửa so với một năm trước lên 756.000 tấn trong tháng 10, mặc dù tổng lượng mua nhiên liệu siêu lạnh của Trung Quốc đã giảm 34%. Nhập khẩu than từ Nga tăng 26% lên 6,4 triệu tấn. Khoảng 2,4 triệu tấn trong số đó là than cốc cho ngành thép, gấp ba lần so với một năm trước, mặc dù thấp hơn một chút so với mức kỷ lục vào tháng 9.

Ukraine cân nhắc tiếp tục tăng phí vận chuyển dầu mỏ của Nga

Ông Igor Demin, người phát ngôn công ty Transneft điều hành đường ống dẫn dầu của Nga ngày 21/11 cho biết doanh nghiệp này đã nhận được yêu cầu của công ty điều hành đường ống dẫn dầu Ukrtransnafta (Ukraine) về việc tăng phí vận chuyển dầu của Nga qua lãnh thổ Ukraine và đang nghiên cứu các đề xuất này.

Trước đó cùng ngày, hãng tin Bloomberg cho biết Ukraine có kế hoạch tăng phí vận chuyển dầu của Nga thông qua đường ống Druzhba đến Đông Âu từ năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/1/2023, Ukraine muốn tăng phí vận chuyển dầu tới Hungary và Slovakia thêm 2,1 euro/tấn lên 13,6 euro/tấn. Lý do được đưa ra là các vấn đề liên quan đến thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, cũng như sự gia tăng chi phí cho việc tổ chức các điều kiện làm việc và bảo vệ các cơ sở.

Phí vận chuyển dầu mỏ của Nga qua Ukraine đã tăng gấp đôi trong năm nay, lần tăng gần đây nhất là vào tháng 4. Đường ống dẫn dầu Druzhba bắt đầu từ tỉnh Samara của LB Nga, đi qua thành phố Bryansk rồi phân thành 2 nhánh, nhánh Bắc qua lãnh thổ Belarus, Ba Lan, Đức và nhánh Nam qua lãnh thổ Ukraine, CH Séc, Slovakia, Hungary.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/11/2022