Nhịp đập năng lượng ngày 24/12/2023

09:09 | 25/12/2023

890 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khoảng 5.000 MW điện gió tại Lào chờ bán về Việt Nam; Các thành viên OPEC khẳng định duy trì cam kết sau khi Angola “rời đi”; Trung Quốc yêu cầu Chính phủ Mỹ miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với nhà máy khí đốt Nga… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 24/12/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 24/12/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Khoảng 5.000 MW điện gió tại Lào chờ bán về Việt Nam

Tới hết tháng 10/2023, đã có ít nhất 4.149 MW điện gió đầu tư tại Lào chính thức đề xuất bán điện về Việt Nam. Ngoài ra dự án điện gió Lào để xuất khẩu sang Việt Nam còn có Monsoon hay Trường Sơn.

Trong công suất 4.149 MW, có Cụm nhà máy điện gió Savan 1 và 2 tại tỉnh Savanakhet, có tổng công suất 2 x 495 MW; Dự án điện gió Savannakhet và Salavan (2x756 MW); Dự án điện gió AMI Savanakhet công suất 187,2 MW; Dự án điện gió RT Savannakhet V1, quy mô 880 MW; Dự án điện gió Saravane ARL1 có quy mô 380 MW; và một Cụm án điện gió khác tại Lào của Tập đoàn ASEAN Group với tổng công suất 1.000 MW.

Ngoài các dự án điện gió trong tổng công suất lên tới 4.149 MW nói trên, còn có dự án Nhà máy điện gió Monsoon quy mô 600 MW với tổng mức đầu tư khoảng 930 triệu USD. Gần đây, Bộ Công Thương cũng đang hỏi ý kiến các bộ ngành về Dự án Nhà máy điện gió Trường Sơn công suất 250 MW tại tỉnh Bolikhamsai, dự kiến sẽ vận hành vào quý IV/2025 và bán điện về Việt Nam với mức giá gần 7 UScent/kWh.

Các thành viên OPEC khẳng định duy trì cam kết sau khi Angola “rời đi”

Các nước bao gồm Iraq, Nigeria và Cộng hòa Congo đã tái khẳng định duy trì cam kết với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), bất kể việc Angola rời đi vào tuần trước.

Trong một tuyên bố ngày 23/12, Bộ trưởng Năng lượng của Cộng hòa Congo, Bruno Jean-Richard Itoua, cho biết, Chính phủ nước này sẽ tiếp tục ủng hộ cho sự đoàn kết và gắn kết vững chắc của OPEC và các đối tác (OPEC+). Ông Itoua nhấn mạnh: “Mỗi thành viên (OPEC), dù là người châu Phi hay không, đều đóng một vai trò không thể thiếu trong việc đạt được các mục tiêu chung của chúng ta và duy trì sự cân bằng của thị trường dầu mỏ toàn cầu”.

Trước đó, trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Bộ trưởng Bộ Dầu khí Nigeria, Heineken Lokpobiri, cũng tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết theo đuổi các mục tiêu của OPEC, đồng thời sẽ tham gia tích cực với tổ chức này để giải quyết những mối lo ngại đang lan rộng không chỉ trong biên giới quốc gia của chúng tôi mà trên khắp lục địa”.

Đức chuyển từ phụ thuộc khí đốt Nga sang khí đốt Na Uy

Theo Reuters, từ khi nguồn cung bị gián đoạn liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, Đức đã thay thế khối lượng khí đốt khổng lồ của Nga thông qua các thỏa thuận với Na Uy, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất châu Âu. Berlin cũng đã đồng ý các thỏa thuận cung cấp với các nhà kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Tuần này, công ty năng lượng quốc doanh Đức Sefe và Equinor của Na Uy đã công bố một thỏa thuận khí đốt trị giá 50 tỷ euro, cung cấp 1/3 lượng khí đốt công nghiệp mà Đức cần, nâng tỷ lệ cung cấp khí đốt của Na Uy cho Đức lên khoảng 60%, tương đương với lượng mà Nga từng chiếm.

Tuy nhiên, ông Tobias Federico, nhà phân tích tại công ty tư vấn Energy Brainpool có trụ sở tại Berlin, cho biết các quốc gia ổn định về chính trị như Na Uy vẫn có nguy cơ tạo ra sự phụ thuộc mới. Theo ông, Đức nên học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và cho rằng LNG có thể tăng cường đa dạng hóa.

Về phần mình, ông Philipp Steinberg, một quan chức tại Bộ Kinh tế Đức, cũng cho biết nước ông đang gặp rủi ro do phụ thuộc quá mức. "Sự phụ thuộc của chúng tôi vào Na Uy quá lớn", ông Steinberg lưu ý, nói thêm rằng: "Cuộc khủng hoảng đã dạy chúng tôi phải đa dạng hóa".

Trung Quốc yêu cầu Chính phủ Mỹ miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với nhà máy khí đốt Nga

Reuters mới đây cho biết, các công ty năng lượng lớn của Trung Quốc CNOOC và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đều yêu cầu Chính phủ Mỹ miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với nhà máy xuất khẩu khí LNG mới của Nga.

Vào đầu tháng 11, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với doanh nghiệp khí đốt của Nga, đồng thời cấm các nước thứ ba ở châu Á và châu Âu mua LNG do nhà máy LNG 2 ở Bắc Cực, được vận hành bởi Novatek, nhà sản xuất LNG độc lập lớn nhất của Nga, sản xuất khi họ bắt đầu hoạt động vào năm 2024.

CNOOC và CNPC mỗi bên nắm giữ 10% cổ phần tại nhà máy LNG 2 Bắc Cực, trong khi Novatek nắm giữ 60%. TotalEnergies (Pháp) và Japan Arctic LNG (Nhật Bản), một tập đoàn liên quan đến Mitsui & Co và JOGMEC, là hai cổ đông khác, mỗi bên nắm 10% cổ phần.

Nhịp đập năng lượng ngày 22/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 22/12/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 23/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 23/12/2023

H.T (t/h)