Nhìn lại “Cuộc chiến tàu chở dầu” ở Vịnh Ba Tư (1984 - 1988)

22:10 | 22/04/2023

1,777 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuộc khủng hoảng hiện nay, tuy vẫn chưa vượt quá tầm kiểm soát, lại gợi nhớ về “cuộc chiến tàu chở dầu” của thập niên 1980.
Nhìn lại “Cuộc chiến tàu chở dầu” ở Vịnh Ba Tư (1984 - 1988)
Hình ảnh về cuộc chiến Iran-Iraq năm 1980-1988

30% lượng dầu mỏ toàn cầu phải đi qua vùng Vịnh Ba Tư. Do đó, khi căng thẳng địa chính trị diễn ra, tàu chở dầu là mục tiêu hàng đầu của các cường quốc trong khu vực.

Từ năm 1984 cho đến năm 1988, hàng chục tàu chở dầu đã bị lực lượng Iran và Iraq phá hủy, khiến các hạm đội phương Tây tham gia can thiệp, nhất là Pháp, để bảo toàn thương mại dầu mỏ quốc tế.

Bối cảnh chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988)

“Cuộc chiến tàu chở dầu” diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh giữa Iran - Iraq từ năm 1980 đến năm 1988. Vào năm 1979, Iran có sự thay đổi chế độ triệt để, thông qua cuộc cách mạng Hồi giáo. Lúc này, các quốc gia phương Tây tẩy chay chế độ phong kiến cũ của Iran - Đế quốc Ba Tư. Điều này càng khiến những nước Hồi giáo khác thêm phần cô lập Ba Tư. Thật vậy, người Iran theo Hồi giáo Shiite (Shia), còn những nước láng giềng Ả Rập chủ yếu là người Hồi giáo Sunni. Vì vậy, đến tận ngày nay, vị trí lãnh đạo trong vùng Trung Đông vẫn là tâm điểm của nhiều cuộc xung đột.

Ở Iran, bằng cách lật đổ chế độ độc tài và bảo thủ của Shah (nhà vua), cuộc cách mạng Hồi giáo đã thể hiện vai trò lá chắn cho những quốc gia khác trong khu vực. Những quốc gia này xem nhà nước Hồi giáo Iran là một thế lực mới, có khả năng huy động những nhóm Shiite thiểu số tại đất nước họ và đe dọa quyền lực của chính quyền. Trong giai đoạn năm 1979 - 1981, cuộc khủng hoảng con tin người Mỹ tại Iran đã khiến quốc gia này trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của Mỹ chỉ sau một đêm.

Vào năm 1980, ông Saddam Hussein - nhà lãnh đạo độc tài của Iraq, nhận định rằng đất nước ông đang quá yếu thế cả trên trường quốc tế lẫn nội nhà. Vì vậy, ông suy nghĩ về việc phát động chiến tranh với nước láng giềng Iran.

Nhưng sau cuộc tấn công bất ngờ từ Iraq, Iran đã tập trung lực lượng và phản công lại. Từ đó, cuộc chiến sa lầy.

Năm 1984: Khởi đầu của “cuộc chiến tàu chở dầu”

Từ năm 1984, Iraq bắt đầu tấn công những tàu chở dầu của Iran bằng lực lượng không quân hùng hậu (phần lớn là máy bay của Pháp và Liên Xô). Ngoài việc làm suy yếu nguồn tài chính của kẻ thù, Iraq còn muốn kích động và ép thế Iran như sau: Đầu tiên, Iran phải đóng cửa eo biển Hormuz. Sau đó, hành động này sẽ dấy lên một làn sóng giận dữ từ cộng đồng quốc tế. Từ đó sẽ tạo cho Mỹ một động cơ khơi mào chiến tranh (casus belli). Rõ ràng, những cuộc tấn công này cho thấy Iraq đang cố gắng lôi kéo Mỹ tham gia can thiệp và chống lại Iran.

Do đó, trong những tháng đầu năm 1984, Iraq đã nhiều lần tấn công vào kho cảng dầu của Iran trên đảo Kharg - trọng điểm của nền kinh tế dầu mỏ Iran.

Iraq “kéo” Iran vào vòng xoáy bất ổn trong Vịnh Ba Tư

Ngày 16/5/1984, khi Iran mở cuộc tấn công đầu tiên vào những tàu chở dầu Ả Rập - trả đũa cho những lần họ bị tấn công, nhà báo Noël Mamère tuyên bố: “Chiến tranh vùng Vịnh đã chuyển hướng cực đoan. Iran, vì bị đe dọa đến ngạt thở, đang bắt đầu trả đũa. Họ tấn công tàu mang cờ Kuwait hoặc Ả Rập Xê-út tại Vịnh Ba Tư, vì Kuwait và Ả Rập Xê-út là đồng minh của Iraq trong cuộc chiến này. Thậm chí, một tàu chở dầu của Ả Rập Xê-út còn bị tấn công ngay trong chính hải phận của họ”.

Vào mùa hè năm 1984, cuộc chiến giữa Iran - Iraq chuyển hướng tập trung vào việc “đánh vào những tàu chở dầu” này, và gạt bỏ những bãi chiến trường trong đất liền. Một báo cáo ngày 11/8/1984 về diễn biến không kích mới nhất của Iraq viết: Iran hoài nghi về tính hiệu quả của cuộc chiến này, nhưng vẫn xác nhận rằng, mục tiêu chính của Iraq chính là kinh tế: Họ muốn áp đặt phong tỏa biển, nhằm tước lợi thế “bán dầu kiếm tiền” khỏi tay lãnh tụ Ayatollah Khomeini”.

Tuy nhiên, Iran đã không rơi vào bẫy của Iraq: Eo biển Hormuz không bị đóng cửa, hoạt động vận chuyển dầu xuyên quốc tế vẫn tiếp diễn trong thời gian chiến tranh. Tuy nhiên, có một cái giá phải trả: Nhiều tàu chở dầu đã bị phá hủy.

Tàu USS Stark của Mỹ: Thương vong ngoài mong muốn

Vào ngày 17/5/1987, một máy bay chiến đấu của Iraq đã bắn hai tên lửa Exocet vào tàu khu trục USS Stark của Mỹ. Iraq đã nhận trách nhiệm. Nước Mỹ, vì bận tưởng niệm 37 thủy thủ thương vong trong sự cố, đã không có phản ứng chống lại Iraq. Song, họ vẫn có bức tranh rõ hơn về sự nguy hiểm của Vịnh Ba Tư.

Trong những tháng sau đó, căng thẳng giữa Hải quân Mỹ - Iran leo thang. Vào tháng 9/1987, Hải quân Mỹ đã đánh chìm tàu Iran Ajr. Nhân chứng cho thấy, Mỹ đã đặt mìn trên tuyến đường thương mại chở dầu.

Hạm đội các nước phương Tây quyết định

Vì chiến lược khai thác Vịnh Ba Tư của Iran, từ năm 1987, các hạm đội phương Tây dần dần tăng cường sự hiện diện trong khu vực, lấy lý do cần đảm bảo tự do hàng hải.

Lấy ví dụ là Pháp: Quốc gia này đã cử không quân - hải quân đến khu vực này và đóng quân tại tàu sân bay Clemenceau. Vào ngày 30/7/1987, hạm đội rời Toulon - vài ngày sau khi Pháp chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Tổng thống François Mitterrand cũng cảnh báo: “Bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào tài sản của Pháp sẽ nhận đáp trả chính đáng”.

Sau đó, các tàu chiến của Pháp bảo vệ bất kỳ tàu chở dầu nào có treo cờ 3 màu trong khu vực, giúp đảm bảo nguồn cung cấp dầu của đất nước. Theo Cols Bleus - tạp chí Hải quân Pháp, chiến dịch Prometheus (1987-1988) “tập trung lực lượng hải quân mạnh nhất mà Pháp tập hợp được, sau sự kiện khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956”.

Vào ngày 23/12/1987, Tổng thống François Mitterrand đã có cuộc phỏng vấn với nhà báo Elie Vannier và Paul Amar trên tàu sân bay Clemenceau. Tuy cho rằng “nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành”, Tổng thống vẫn tán dương thành công mà Pháp đã gặt hái được: “Hạm đội và toàn thể thủy thủ đoàn của Pháp, nhân danh đất nước và lợi ích của Pháp, đã hoàn thành nhiệm vụ một cách chuẩn mực, thường trực và thường xuyên trong điều kiện khó khăn, nhưng vừa đủ để chúng tôi nhận định rằng, sứ mệnh đã hoàn thành tốt đẹp”.

Mỹ cũng huy động đáng kể nguồn lực. Vào tháng 4/1988, Hải quân Mỹ đã mở Chiến dịch Praying Mantis chống lại Hải quân Iran, kết quả tiêu diệt được 1/3 quân số của lực lượng này.

Cuộc chiến tranh Iran - Iraq đã kết thúc vào tháng 8/1988, bất phân thắng bại. Nhưng 8 năm chiến đấu đã để lại thiệt hại vô cùng nặng nề. Thậm chí, cuộc chiến này là một trong những chiến dịch gây tổn thất lớn nhất trong lịch sử quân sự thế kỷ 20. Theo Middle East Keys, số thương vong rơi vào khoảng 800.000 người.

Cuộc chiến trong bóng tối giữa Israel và IranCuộc chiến trong bóng tối giữa Israel và Iran
Siêu tàu của Liên Hợp Quốc lên đường giải cứu tàu chở dầu ở YemenSiêu tàu của Liên Hợp Quốc lên đường giải cứu tàu chở dầu ở Yemen
Tàu chở dầu Singapore mất tích ngoài khơi Tây PhiTàu chở dầu Singapore mất tích ngoài khơi Tây Phi

Nh.Thạch

AFP