Nhiều rào cản khiến việc cấp tín dụng xanh chưa được như kỳ vọng

11:54 | 02/07/2020

189 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bên cạnh cơ hội và tiềm năng từ việc phát triển các lĩnh vực xanh, trong thực tế triển khai đối với hoạt động cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh vẫn chưa được như kỳ vọng do vướng nhiều rào cản cần sự chung tay của doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước.

Thực hiện theo chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 và Chỉ thị 01/2017 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thúc đẩy cấp tín dụng xanh, triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 theo đúng định hướng của Chính phủ, trong những năm qua các ngân hàng đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.

nhieu rao can khien viec cap tin dung xanh chua duoc nhu ky vong
Nhiều rào cản khiến việc cấp tín dụng xanh chưa được như kỳ vọng

Theo Phòng Phát triển sản phẩm và Marketing Khối Khách hàng doanh nghiệp Vietinbank, tính đến hết quý III/2019, Vietinbank đã ký kết trên 600 nghìn hợp đồng cấp tín dụng xanh với tổng dư nợ hơn 16 nghìn tỷ đồng tại tất cả các lĩnh vực: Nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm, quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn.

Đặc biệt, dư nợ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tài trợ cho năng lượng tái tạo - một trong năm chủ điểm xanh theo định hướng của Chính phủ (chiếm 64%), lĩnh vực xử lý chất thải (chiếm 17%) và quản lý nước sạch (18%).

Bên cạnh cơ hội và tiềm năng từ việc phát triển các lĩnh vực xanh, trong thực tế triển khai đối với hoạt động cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh vẫn chưa được như kỳ vọng. Thách thức đầu tiên có thể kể đến là việc đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên tiềm ẩn về nợ xấu đối với các ngân hàng.

Trong bối cảnh phần đông các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ tài sản để thế chấp, tính pháp ý của tài sản không đầy đủ, tình hình tài chính và kinh nghiệm hoạt động không đáp ứng được điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng nên việc xem xét, quyết định cấp tín dụng cho các khách hàng này gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, các ngân hàng chưa có được bộ tiêu chí đánh giá chuyên môn dành cho các dự án tăng trưởng xanh, đặc biệt là chi tiết theo các ngành nghề cụ thể, kiến thức và kỹ năng thẩm định của cán bộ thẩm định về lĩnh vực chưa sâu hay đạt tới tầm chuyên gia, dẫn tới nhiều khó khăn và hạn chế trong quá trình thẩm định, quyết định tín dụng. Đặc biệt, là các vấn đề phức tạp về kỹ thuật của các dự án cũng là trở ngại lớn, dẫn đến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế. Do vậy, theo đại diện ngân hàng, cần thiết đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các văn bản hướng dẫn thực hiện các lĩnh vực xanh, bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho các dự án tiêu chuẩn dự án xanh.

Các cơ quan trực tiếp liên quan đến xét duyệt tài chính dự án xanh cần có hướng dẫn và công bố quy trình xét duyệt cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp có dự án xanh. Mặt khác, NHNN cần đưa chính sách phân bổ nguồn vốn cho vay dự án xanh vào ưu tiên riêng và cân nhắc xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.

Đức Minh

nhieu rao can khien viec cap tin dung xanh chua duoc nhu ky vongTín dụng xanh cho ngành nông nghiệp sạch vẫn còn khiêm tốn
nhieu rao can khien viec cap tin dung xanh chua duoc nhu ky vongCMCN 4.0 hỗ trợ “xanh” hóa các hoạt động ngân hàng
nhieu rao can khien viec cap tin dung xanh chua duoc nhu ky vongCần đặt mục tiêu cho chính sách tín dụng xanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps