Nhiều công nhân muốn nghỉ thêm vào cuối tuần

08:50 | 06/10/2019

382 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều công nhân cho biết, họ mong muốn được nghỉ thêm vào thứ bảy để hồi phục sức khoẻ, chăm sóc gia đình, thậm chí chấp nhận hưởng lương thấp hơn.

Kỳ họp Quốc hội trong tháng 10 tới đây, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có nội dung giờ làm việc của người lao động. Dự thảo Bộ luật vẫn đề xuất giờ làm việc chính thức trong tuần với khối doanh nghiệp là 48 giờ như hiện hành, tuy nhiên, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị giảm giờ làm xuống còn 44 giờ.

Nhưng trên thực tế, từ vài năm nay đã có những doanh nghiệp chủ động giảm dần số giờ làm của người lao động. Theo bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, trong 186 doanh nghiệp tham gia công đoàn Khu kinh tế thì đã có 153 doanh nghiệp với 99.960 lao động đã được nghỉ ít nhất một ngày thứ bảy trong tháng.

"Một số doanh nghiệp nước ngoài cho biết họ sẵn sàng tăng ngày nghỉ cho người lao động nếu Luật quy định, một số nơi còn yêu cầu Luật hóa vì họ đã cho người lao động nghỉ thứ bảy", bà Hằng chia sẻ.

nhieu cong nhan muon nghi them vao cuoi tuan
Anh Bùi Văn Thuộc, công nhân sản xuất gioăng đệm.

Trong phân xưởng sản xuất tấm gioăng đệm, anh Bùi Văn Thuộc (công nhân) luôn phải đeo mặt nạ phòng độc trong khi làm việc. Anh Thuộc chia sẻ, mỗi tháng anh thường làm việc 24-25 ngày công, được nghỉ các ngày chủ nhật và một ngày thứ 7. Tính cả trợ cấp độc hại thì hưởng thu nhập 7-8 triệu đồng mỗi tháng.

Người đàn ông 42 tuổi cho hay, nhà máy của Nhật Bản nên đòi hỏi công nhân làm việc tập trung và cường độ cao. Ngoài làm chính theo ca, thi thoảng công nhân vẫn phải làm thêm. Môi trường làm việc khá độc hại nên những người công nhân ở đây có nhu cầu nghỉ ngơi nhiều hơn. "10 năm nay, công ty đã cho nghỉ một ngày thứ 7 hàng tháng giúp chúng tôi có thêm thời gian nghỉ ngơi. Song tôi vẫn muốn có thêm ít nhất một ngày nghỉ thứ 7 nữa", anh Thuộc cho hay.

Tại công ty Synztec Việt Nam (Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng), hơn 900 công nhân đã được áp dụng chế độ nghỉ 2 ngày thứ 7 trong tháng từ năm 2013. Chế độ này tương ứng với 44 giờ làm việc/tuần và 176 giờ làm việc/tháng.

Chị Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi, công nhân) cho hay, mới làm việc tại nhà máy được 5 tháng với mức lương hơn 5 triệu đồng. Nghỉ 2 thứ 7 mỗi tuần giúp cô có thời gian nghỉ ngơi, đi chơi với bạn bè.

"Bạn em làm việc 7 ngày trong tuần ở một số nhà máy thu nhập được 8-9 triệu đồng song rất mệt. Em chấp nhận với mức lương thấp hơn song được nghỉ ngơi nhiều hơn", Thùy Linh nói và cho hay, nhiều chị em trong nhà máy này đều mong được nghỉ thêm để họ có thời gian chăm sóc gia đình, con cái.

nhieu cong nhan muon nghi them vao cuoi tuan
Chị Đặng Thanh Dung, công nhân sản xuất tấm gioăng tại công ty Nichias (Hải Phòng).

Đề cập việc tăng 2 ngày nghỉ cuối tuần cho người lao động, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, cho biết, doanh nghiệp này có 90% lao động nữ nên nhu cầu nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình cao. Từ năm 2013 khi áp dụng nghỉ hai thứ bảy, người công nhân gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Theo bà Thu, công đoàn công ty đã quyết liệt kiến nghị chủ sử dụng lao động tăng ngày nghỉ dựa trên kết quả năng suất lao động nâng cao qua từng năm và tăng áp dụng công nghệ. Đơn cử có dây chuyền sản xuất trước đây cần tới 3 người thì nay còn một, hai người. Điều đáng mừng là doanh nghiệp này không phải giảm lao động do tăng áp dụng công nghệ mới.

"Công ty đã không bị giảm năng suất lao động do tăng thời gian nghỉ. Chúng tôi tiếp tục đề xuất nghỉ thêm ngày thứ bảy trong tháng", bà Thu nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Masashi Kawasaki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nichias Hải Phòng, cho biết, thời gian qua, khi công nhân tại đây được nghỉ thêm một ngày thứ bảy thì ít công nhân xin nghỉ việc hơn, đây là điều đáng mừng bởi việc tuyển lao động tại Hải Phòng đang rất khó khăn.

Cũng theo ông Masashi Kawasaki, nếu Bộ luật Lao động quy định tăng ngày nghỉ thứ bảy cho người lao động thì trước mắt năng suất lao động, doanh thu của công ty sẽ giảm. Phía doanh nghiệp sẽ phải tăng cường cải tiến để tăng năng suất, bù lại phần thiếu hụt này. "Nếu luật pháp yêu cầu giảm giờ làm tiếp cho người lao động thì chúng tôi sẽ chấp hành", ông Masashi Kawasaki nói.

Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng ủng hộ phương án này. Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang rất khó tuyển lao động, trong khi tiền lương từ 2011 đến nay đã tăng gấp 3 lần. Việt Nam không còn lợi thế nhân công giá rẻ, chỉ còn lợi thế về nhân công chăm chỉ, cần cù, có tay nghề. Nếu rút thời gian làm việc chỉ còn 44 giờ mỗi tuần, các đơn hàng có thể chuyển sang các nước khác. Doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn với các nước lân cận.

Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, qua tham khảo pháp luật của các nước có thể thấy quy định thời giờ làm việc trong khoảng 40-44 giờ mỗi tuần đa phần thuộc về các quốc gia phát triển. Còn các quốc gia đang phát triển và đang cạnh tranh lao động gay gắt với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào... đều áp dụng chế độ 48 giờ mỗi tuần.

Bà Lan Anh cho rằng, nếu thời gian làm việc bị cắt giảm thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo VnExpress

nhieu cong nhan muon nghi them vao cuoi tuanKhông tăng thời gian làm thêm tối đa
nhieu cong nhan muon nghi them vao cuoi tuanĐề xuất bổ sung 3 ngày nghỉ lễ trong năm
nhieu cong nhan muon nghi them vao cuoi tuanTại sao ngày nghỉ khiến bạn căng thẳng?

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc