Nhận xét về ý kiến của ông Nguyễn Văn Vịnh

15:04 | 01/10/2016

|
Bạn đọc: Báo Lao động ngày 10-9-2016 có bài “Chữ tượng hình, tượng thanh và chuyện dạy chữ Hán ở bậc phổ thông” của Vũ Hải, phỏng vấn ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục về vấn đề đã được nêu làm tên của bài báo. Phần trả lời cho thấy kiến thức của người được phỏng vấn khá là uyên bác nhưng chẳng biết tại sao trong thâm tâm tôi vẫn chưa thấy an lòng về một vài khía cạnh… Liệu ông An Chi có thể gỡ rối giúp? Xin trân trọng cảm ơn. Trần Đình Xuyên (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Học giả An Chi: Thật lòng thì chúng tôi cũng không biết bạn chưa thấy an lòng về một vài khía cạnh nào còn chúng tôi thì thấy như sau. Ông Nguyễn Văn Vịnh nói:

“Hiện nay Trung Quốc dùng chữ giản thể gọi là chữ bạch thoại bây giờ và dạy chữ Hán ở các trường đại học, phổ thông Trung Quốc vẫn là một tử ngữ và người ta vẫn phải học môn cổ văn. Như vậy chữ phồn thể hay chữ Hán như Đài Loan hiện nay đang dùng cũng trở thành tử ngữ như tại Trung Quốc”.

Ông Phó viện trưởng Nguyễn Văn Vịnh đã rất mơ hồ khi nói “chữ giản thể gọi là chữ bạch thoại”. Chữ giản thể thực chất là hệ thống những chữ mà số nét đã được lược bớt để làm cho người ta dễ nhớ hơn. Đối lập với chữ giản thể là những chữ vẫn được giữ nguyên nét như đã được dùng tự ngàn xưa, gọi là phồn thể tự (chữ phồn thể). Thí dụ:

- 风 (phong) là chữ giản thể mà phồn thể là 風;

- 报 (báo) là chữ giản thể mà phồn thể là 報;

- 备 (bị) là chữ giản thể mà phồn thể là 備;

- 币 (tệ) là chữ giản thể mà phồn thể là 幣;

- 毕 (tất) là chữ giản thể mà phồn thể là 畢; v.v…

Vậy “giản thể” được dùng là để phân biệt với “phồn thể”. Còn chữ bạch thoại (bạch thoại tự), là Pe̍h-ōe-jī (POJ), môt hệ thống chữ viết ghi bằng chữ cái Latinh, ban đầu là do các giáo sĩ Trưởng nhiệm (Presbyterian) áp dụng để ghi âm tiếng địa phương ở Phúc Kiến và Đài Loan hồi thế kỷ XIX. Quan trọng nhất là POJ dùng để phiên âm tiếng Đài Loan (Đài ngữ), tiếng Phúc Kiến và tiếng Mân Nam. Cũng có tồn tại một loại POJ ghi tiếng Khách Gia (Hakka) và một loại cho tiếng Triều Châu. Lối phiên âm pīnyīn, thậm chí giản thể tự của Trung Cộng cũng có khi được gọi một cách không thích hợp là chữ bạch thoại nhưng đây là trường hợp thực sự hiếm hoi. Còn chữ bớt nét là giản thể tự và lối phiên âm bằng chữ cái La Tinh của Trung Cộng hiện nay là pīnyīn [拼音]. “Phồn thể”, “giản thể” và “pīnyīn” mới là những cách dùng chính thức phổ biến tại Trung Hoa đại lục hiện nay. Không biết vì lý do nào mà ông Phó viện trưởng lại dùng ba tiếng “chữ bạch thoại” để làm cho người Việt Nam phải bỡ ngỡ?

Nhưng sai lầm lớn nhất của ông là đã khẳng định, “chữ Hán ở các trường đại học, phổ thông Trung Quốc vẫn là một tử ngữ” và “chữ phồn thể hay chữ Hán như Đài Loan hiện nay đang dùng cũng trở thành tử ngữ như tại Trung Quốc”. Xin thưa rằng, cái thứ tiếng Hán đang được dạy “đều trời” ở Trung Hoa đại lục và Đài Loan, cũng như ở khắp nơi trên thế giới hiện nay là một ngôn ngữ đang sống sờ sờ chứ sao lại có thể là một tử ngữ? Chúng tôi thật lòng không biết ông Phó vụ trưởng quan niệm thế nào là tử ngữ chứ theo quan niệm thông thường thì tử ngữ là ngôn ngữ không còn được sử dụng trong sự giao tiếp hằng ngày, cũng như trong việc nghiên cứu, viết lách hiện nay. Xét theo quan niệm này thì làm sao ta có thể nói thứ tiếng Hán đang được dạy tại Trung Hoa đại lục và Đài Loan hiện nay là một tử ngữ?

Ông lại nói:

“Chúng ta không bao giờ đặt ra điều kiện tiên quyết là chúng ta có thể biết được chữ Hán, Nôm mới có thể nghiên cứu được văn hóa Việt”.

Thì cứ mạnh dạn gạt bỏ bốn tiếng “điều kiện tiên quyết” nhưng xin hỏi ông, nếu không biết chữ Hán thì liệu ông có đọc được “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi? Và “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Nội các quan bản”? Nếu không biết chữ Nôm thì ông có đọc được “Truyện Kiều” của Nguyễn Du trước khi nó được phiên âm và in ra thành chữ quốc ngữ? Vấn đề rõ ràng là chẳng đơn giản chút nào.

Rồi ông lại thông báo cho phóng viên:

“Tôi nói rõ luôn, một trong những học giả lớn nhất về ngôn ngữ học Việt Nam chủ trương thuyết này (tức phải học tiếng Hán để hiểu rõ được vốn từ tiếng Việt - AC) đó là cố Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đưa ra thống kê 70% tiếng Việt là từ Hán. Đấy là giả thiết”.

Chúng tôi xin thưa với ông rằng, cái mà ông gọi là “giả thiết” chính là sự thật một trăm phần trăm. Có điều nó là 70% hay hơn nữa thì chuyện này còn tùy thuộc vào quan niệm và phương pháp thống kê. Ông chỉ có thể khẳng định sự thống kê đó có chính xác hay chưa chứ không thể nói đó là giả thiết.

A.C

Năng lượng Mới 560