Nhân lực là yếu tố cốt lõi cho phát triển kinh tế biển bền vững

11:22 | 09/12/2024

202 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với bờ biển dài 3.260 km, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển như nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản; khai thác tài nguyên khoáng sản; phát triển du lịch, hàng hải và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế.
Đà Nẵng: Xử lý dứt điểm tàu cá không đủ điều kiện khai thác thủy sảnĐà Nẵng: Xử lý dứt điểm tàu cá không đủ điều kiện khai thác thủy sản
Chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thácChấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác
Nhân lực là yếu tố cốt lõi cho phát triển kinh tế biển bền vững
Ảnh minh họa

Nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu

Hiện nay, lao động trong lĩnh vực kinh tế biển chủ yếu là lao động phổ thông, làm việc theo kinh nghiệm truyền thống thay vì được đào tạo bài bản. Điều này khiến khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại của lực lượng lao động còn hạn chế.

Trong nghề nuôi biển, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết nguồn nhân lực phục vụ nuôi biển ở Việt Nam còn hạn chế cả về số lượng lẫn trình độ kỹ thuật. Đa phần lao động trong ngành này làm việc theo kiểu "cha truyền con nối", chưa sẵn sàng cho sản xuất quy mô lớn tại vùng biển mở, nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tương tự, ngành cảng biển cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng cao, đặc biệt trong các vị trí điều khiển phương tiện, thiết bị (như cẩu quay, cẩu khung, xe đầu kéo) và kỹ thuật vận hành, bảo trì thiết bị. Báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng biển giai đoạn 2024-2028 cho thấy tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng ở cả khối lao động trực tiếp và chuyên môn cao.

Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Ông Hoàng Ngọc Bình, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Australia Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành tốt và trình độ chuyên môn cao là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất, bảo vệ môi trường biển.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, xu hướng phát triển cảng biển hiện nay liên quan mật thiết đến số hóa, tự động hóa và công nghệ, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo phù hợp. Các cảng địa phương đặc biệt cần nhân lực có kỹ năng vận hành cảng thông minh, thiết bị xếp dỡ tự hành và sử dụng công nghệ sạch.

Đề xuất giải pháp phát triển nhân lực

Trước thực trạng nguồn nhân lực "vừa thiếu, vừa yếu", các chuyên gia đề xuất đưa đào tạo nghề cảng biển vào chương trình giáo dục, xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại kỹ năng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt ở các địa phương có cảng biển lớn.

Đồng thời, các chuyên gia cho biết cần tăng cường dự báo và lập kế hoạch phát triển nhân lực. Các địa phương cần chủ động dự báo nhu cầu lao động, phát triển kế hoạch đào tạo phù hợp với thị trường lao động trong các ngành nghề mới như cảng xanh và tự động hóa.

Cuối cùng, cần có sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp kinh tế biển Việt Nam cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa để kinh tế biển Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng, đạt được sự phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế.

PV