Nhận định tình hình nguồn cung tôm toàn cầu năm 2024

13:10 | 19/01/2024

152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường tôm toàn cầu trải qua năm 2023 đầy sóng gió. Tuy vậy, các quốc gia sản xuất tôm chính trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Á vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và xuất khẩu. Tình hình sản xuất, xuất khẩu tôm của các nguồn cung này nhiều kỳ vọng phục hồi nhẹ vào đầu năm 2024.
Nhận định tình hình nguồn cung tôm toàn cầu năm 2024
Nhiều chuyên gia dự báo giá tôm thế giới năm 2024 khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại.

Xuất khẩu tôm của Ecuador năm 2023 thâm hụt 1,5 tỷ USD

Năm 2023, sản lượng tôm Ecuador ước đạt 1,4 triệu tấn. Năm 2024, Ecuador khả năng sẽ không theo đuổi chiến lược tăng sản lượng, sản lượng tôm của họ sẽ giảm khoảng 200.000 tấn đạt khoảng 1,2 triệu tấn năm 2024. Ngành nuôi tôm của Ecuador cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như lũ lụt, dịch bệnh, tình trạng mất an ninh, môi trường nuôi xuống cấp, giá tôm giảm mạnh, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, gặp khó khăn ở thị trường Mỹ, EU.

Giá trung bình xuất khẩu (XK) tôm đông lạnh của Ecuador sang một số thị trường trong năm 2023 có thời điểm giảm xuống dưới mức 5 USD/kg trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và nhu cầu chậm lại, giảm khoảng 1 USD/kg so với cùng kỳ năm 2022. Ngành tôm Ecuador đã kết thúc năm 2023 với kim ngạch XK thâm hụt khoảng 1,5 tỷ USD.

Năm 2024, Ecuador sẽ tập trung nhiều hơn để phát triển hàng GTGT và tôm bóc vỏ. Các DN chế biến tôm hàng đầu của Ecuador là Omarsa và Songa đã có nhà máy chế biến tôm GTGT mới, dây chuyền hấp tôm và đang đặt mục tiêu tập trung nhiều hơn vào mảng này. Họ cũng tiếp tục thực hiện những chiến dịch tiếp thị để kích cầu tiêu thụ như “ăn tôm tốt cho sức khỏe”.

Ấn Độ lo ngại về nguy cơ bị Mỹ áp thuế CVD 6-10%

Trong một diễn biến gần đây, Mỹ cáo buộc rằng xuất khẩu tôm của Ấn Độ được trợ cấp, gây lo ngại về khả năng Ấn Độ bị áp thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD). Nếu Ấn Độ không thuyết phục được Mỹ và bị áp các mức thuế này, chi phí xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ có thể tăng từ 6 đến 10%.

Ấn Độ, với giá trị xuất khẩu tôm hàng năm khoảng 2,4 tỷ USD, sẽ phải đối mặt với tác động đáng kể nếu Mỹ quyết định áp thuế. Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (SEAI) và Cơ quan Phát triển xuất khẩu sản phẩm thủy sản Ấn Độ (MPEDA) đang tích cực hợp tác với các cơ quan Hoa Kỳ, cung cấp dữ liệu cần thiết và phản bác các cáo buộc do ASPA đưa ra.

Năm 2023, nhu cầu thị trường thấp, lại phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Ecuador trên các thị trường lớn như Mỹ nên XK tôm của Ấn Độ có thể giảm ít nhất 15% so với năm 2022. Trong 2 tuần cuối năm 2023, giá tại đầm tôm nguyên liệu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Thời điểm này, khi giá tôm Việt và Thái Lan có xu hướng ấm hơn thì tôm Ấn Độ vẫn giữ mức giá thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Giá tôm Ấn Độ chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá tôm Ecuador.

Ba sản phẩm tôm xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ năm 2023 gồm tôm chân trắng, tôm sú và tôm giá trị gia tăng. Trong đó, tôm chân trắng nguyên liệu chiếm 86% tổng khối lượng tôm xuất khẩu trong năm 2023. Trong khi đó, tôm sú chỉ chiếm tỷ trọng 5% trong cơ cấu mặt hàng tôm xuất khẩu. Tính cả năm 2023, xuất khẩu tôm sú của Ấn Độ tăng 91%. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm giá trị gia tăng, một lĩnh vực không phải thế mạnh của Ấn Độ lại liên tục sụt giảm trong 3 quý đầu năm 2023.

Giá xuất khẩu tôm sang hai thị trường chủ lực của Ấn Độ là Mỹ và Trung Quốc chưa được cải thiện. Xuất khẩu tôm sú của Ấn Độ năm 2023 tăng gần gấp đôi lên 22.315 tấn. Trước đó, năm 2021-2022, tôm sú chủ yếu được xuất khẩu sang châu Âu, nhưng năm nay, thị trường châu Á và Trung Quốc cũng tiêu thụ một lượng lớn mặt hàng này.

Sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2023 ước giảm ít nhất 10-15%. Thực tế, Ấn Độ đã giảm lượng nhập khẩu tôm bố mẹ trong năm 2023. Điều này dự báo nguồn cung tôm nguyên liệu của Ấn Độ cho năm 2024 sẽ khó tăng trở lại.

Năm 2024, Ấn Độ cũng thúc đẩy tiêu thụ tôm thông qua tiếp thị tiêu thụ trong nước. Dù là nước dân số đông nhưng tiêu thụ tôm của Ấn Độ lại rất thấp. Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch chuyển hướng nuôi và XK tôm sú.

Ngành tôm Thái hiện nay có sản lượng thấp nhất trong 6 cường quốc nuôi tôm

Với sản lượng khoảng 125.000 tấn năm 2022, Thái Lan vẫn là các nước xuất khẩu tôm lớn thứ năm thế giới. Khối lượng xuất khẩu tôm của Thái Lan duy trì ổn định 125.000 tấn từ năm 2018. Trong đó, lượng tôm chân trắng xuất khẩu vào năm 2022 đạt khoảng 110.000 tấn, còn lại là tôm sú và tôm càng xanh.

Tỷ trọng tôm nguyên liệu và tôm giá trị gia tăng trong cơ cấu ngành hàng tôm xuất khẩu của Thái Lan khá cân bằng ở mức 50:50. Tới nay, Thái Lan vẫn duy trì nhập khẩu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Trước năm 2010, nước này chủ yếu mua tôm từ Indonesia, sau đó tới Argentina. Từ năm 2016, lượng tôm nhập khẩu từ Argentina tăng dần và dao động 5.000 – 8.500 tấn. Năm 2018, lượng tôm nhập khẩu từ Ecuador vào Thái Lan tăng và đạt đỉnh 14.128 tấn vào năm 2021 trước khi giảm xuống 7.850 tấn vào năm 2022.

Thị phần tôm Thái Lan ở Mỹ, Nhật Bản và Canada bắt đầu bị thu hẹp từ năm 2012; nhưng nhiều thị trường mới lại mở ra gồm Trung Quốc và Đài Loan. Năm 2022, tôm Thái Lan tập trung tấn công 5 thị trường hàng đầu gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc. Đáng tiếc, nhóm mặt hàng tôm giá trị gia tăng của Thái Lan đã để tuột mất thị trường Anh và Canada, mặc dù vẫn giữ chân được thị trường Mỹ và Nhật Bản.

Trong bối cảnh dư cung hiện nay, tổng khối lượng xuất khẩu tôm cả năm 2023 của Thái Lan ước đạt 110.000 - 115.000 tấn.

Ngành tôm Thái Lan thiếu lao động trong lĩnh vực nuôi lẫn chế biến. Sản lượng tôm Thái Lan hiện chỉ bằng hơn 1/3 so thời hoàng kim hơn chục năm trước. Tuy tôm Thái chiếm thị phần thứ 3 ở Nhật, thứ 5 ở Mỹ, nhưng với xu thế này, năm 2024, ngành tôm của Thái sẽ không đặt chỉ tiêu lớn, chỉ tập trung cho mục tiêu hoạt động bền vững và phục vụ khách du lịch khá đông đảo của mình, hơn là mục tiêu phát triển xuất khẩu.

Trung Quốc với số lượng người tiêu dùng nội địa khổng lồ

Trung Quốc với số lượng người tiêu dùng nội địa khổng lồ, đời sống ngày một cao, nhu cầu thực phẩm cấp cao ngày một nhiều hơn, con tôm trong số đó. Hơn chục năm trước, ngành tôm ở đây đã đạt kỷ lục thế giới tới nay chưa bị phá, trên 1,5 triệu tấn tôm một năm.

Năm 2023, sản lượng tôm chân trắng của Trung Quốc ước tăng khoảng 10% đạt 1,050 triệu tấn, và tôm sú đạt khoảng 150.000-160.000 tấn. Năm 2024, chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể vượt Ecuador trở thành nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới trong năm 2024 với sản lượng tôm chân trắng đạt khoảng 1,200 triệu tấn và tôm sú khoảng 200.000 tấn (tổng 1,4 triệu tấn).

Giống Thái Lan, xuất khẩu tôm của Trung Quốc giảm từ mức đỉnh 300.000 tấn năm 2011 xuống 125.00 tấn vào năm 2022. Nhưng trái với Thái Lan, xuất khẩu tôm nguyên liệu của Trung Quốc giảm trong khi tôm giá trị gia tăng vẫn tương đối ổn định, đặc biệt tại các thị trường Malaysia, Mexico, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Trong khi đó, xuất khẩu tôm nguyên liệu từ Trung Quốc lại giảm mạnh trong năm 2022 và khó phục hồi vào năm 2023. Phần lớn tôm nguyên liệu xuất khẩu từ Trung Quốc là tôm tự nhiên và tôm biển PUD với đích đến chủ yếu là thị trường Tây Ban Nha, Nhật Bản, Mỹ, Bồ Đào Nha.

Theo các chuyên gia, rất khó dự đoán chính xác diễn biến thị trường tôm trong thời gian tới. Nếu dựa theo điều kiện thời tiết và giá cả hiện nay, có thể thấy tốc độ xuất khẩu tôm sẽ chậm lại. Nhưng nhiều yếu tố khác gồm các thương vụ hợp nhất và cạnh tranh để duy trì hoặc mở rộng thị phần có thể tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng khối lượng xuất khẩu tôm thời gian tới.

Một đợt El Nino mới đang rình rập và đe dọa ngành tôm thế giới, đặc biệt là Mỹ Latinh, trong đó có Ecuador. Các trại tôm của Ecuador có thể gặp rủi ro lũ lụt và ngập úng và làm gia tăng áp lực dịch bệnh cho Mỹ Latinh, cũng như châu Á.

Sản lượng tôm nuôi toàn cầu có thể giảm trở lại vào năm 2024 do một dịch bệnh mới gây ra một số vấn đề ở Trung Quốc và thị trường toàn cầu tiếp tục trì trệ. Sản lượng tôm chân trắng toàn cầu năm 2024 dự báo đạt khoảng 4,959 triệu tấn, tôm sú dự báo đạt khoảng 5,379 triệu tấn.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng năm 2024 sẽ chứng kiến sự bật tăng của giá tôm toàn cầu khi nguồn cung sụt giảm. Tuy nhiên, giá tôm khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại dù tốc độ giảm giá đã chậm lại so với năm 2022.

Các nước phương Tây đã trải qua kỳ nghỉ lễ cuối năm với giá tôm chưa có dấu hiệu bật tăng trong khi nguồn cung vẫn dư thừa. Trong ngắn hạn, kỳ vọng khối lượng xuất khẩu tôm thế giới sẽ duy trì ổn định ở mức trung bình hoặc có thể cải thiện đôi chút vào đầu năm 2024.

Xuất khẩu tôm đang dần lách qua “cửa hẹp”

Xuất khẩu tôm đang dần lách qua “cửa hẹp”

Các thị trường khó tính nhất thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe bước đầu gây khó khăn, áp lực với doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Tuy nhiên, chính trong khó khăn, các doanh nghiệp đã tìm mọi cách để hoàn thiện mình, dần xâm nhập sâu vào được những thị trường hàng đầu thế giới.

P.V