An toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc - khó hay dễ?

Nhận diện những nguy cơ mất an toàn giao thông

14:00 | 26/02/2024

173 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm (2021-2030) được Đại hội XIII của Đảng thông qua đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là “tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông. Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc (ĐBCT), trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông”.
Nhận diện những nguy cơ mất an toàn giao thông
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Mục tiêu là như vậy, song thời gian qua việc phát triển hệ thống ĐBCT vẫn còn nhiều vấn đề chưa thật hợp lý, khoa học. Đặc biệt, việc đảm bảo ATGT cho các tuyến ĐBCT dường như cũng chưa được chú trọng.

Trong khi đó đảm bảo ATGT khi lưu thông là một yêu cầu tất yếu trong quá trình quản lý, khai thác ĐBCT. Trên những tuyến đường này, các phương tiện thường chạy với tốc độ rất cao (80 - 120 km/h). Do vậy, nếu xảy ra tai nạn, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, thiệt hại về tính mạng, tài sản là rất lớn.

Thời gian qua mặc dù chủ đầu tư, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATGT trên ĐBCT, nhưng số vụ tai nạn vẫn không ngừng tăng lên cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này cũng không khó nhận diện…

Nhận diện những nguy cơ mất an toàn giao thông

Vụ TNGT nghiêm trọng trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Ghi nhận của PetroTimes, nhiều tuyến đường cao tốc ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều có những hạn chế về chất lượng, bất cập trong xây dựng và tổ chức giao thông, đặc biệt là ý thức của tài xế cũng còn rất nhiều điều đáng bàn.

Cụ thể, một số tuyến không có làn dừng khẩn cấp, tốc độ khai thác còn hạn chế, chỉ có 2 làn xe hoặc thiếu trạm dừng nghỉ...

Một số tuyến cao tốc sau thời gian khai thác, sử dụng đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng việc khắc phục, sửa chữa còn chậm trễ.

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính khiến cho TNGT xảy ra là do kỹ năng và ý thức tham gia giao thông trên đường cao tốc rất kém của nhiều tài xế.

Một bộ phận tài xế không làm chủ tốc độ trên đường, vẫn tỏ ra chủ quan khi sử dụng điện thoại, vừa lái xe vừa ăn uống, phương tiện không được kiểm tra, kiểm định an toàn… Thậm chí có những tài xế còn phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành biển báo giao thông, có hành vi đi ngược chiều, đi lùi… coi thường tính mạng của bản thân và người khác.

Nhận diện những nguy cơ mất an toàn giao thông

Hậu quả nghiêm trọng trong vụ TNGT trên tuyến đường cao tốc.

Cũng phải nói đến tình trạng mặc dù đã có biển cấm song vẫn còn người dân sử dụng xe máy, xe ba gác, xe đạp… di chuyển trên đường cao tốc, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

***

Những tồn tại trên đã khiến cho tình hình trật tự ATGT trên nhiều tuyến đường trở nên căng thẳng; không ít những vụ TNGT thảm khốc đã xảy ra trên các tuyến ĐBCT.

Làm thế nào để hạn chế thấp nhất TNGT trên các tuyến ĐBCT? Chiến lược xây dựng và tổ chức giao thông như thế nào sao cho hợp lý, khoa học hơn? Cần phải nâng cao hơn nữa ý thức cho các “bác tài" ra sao…?

Để trả lời những câu hỏi này, mời bạn đọc theo dõi loạt bài: “An toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc - Khó hay dễ?”.

Minh Khang

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan