Nhà Nguyễn và những thăng trầm trong bang giao với Hoa Kỳ

19:58 | 17/10/2022

699 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhân dịp kỷ niệm 22 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Petrotimes xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thành Hưởng về nét kỳ thú trong lịch sử bang giao giữa hai nước.

Lịch sử cận đại Việt Nam có ghi cụ Trần Trọng Khiêm (1821-1866) được coi là người Việt đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ. Trong 12 năm ròng, từ 1842 - 1854, cụ Trần Trọng Khiêm đi qua nhiều vùng đất mà chưa từng một người Việt Nam nào tới. Đến năm 1849, cụ đặt chân đến New Orleans, bắt đầu bốn năm phiêu bạt ở Hoa Kỳ.

Nhà Nguyễn và những thăng trầm trong bang giao với Hoa Kỳ
Cụ Trần Trọng Khiêm - Người Việt đầu tiên đến Hoa Kỳ.

Do biết rất nhiều ngoại ngữ, cụ Trần Trọng Khiêm với tên là Lê Kim từng làm thông ngôn các thứ tiếng trong đoàn gồm tiếng Hòa Lan, tiếng Trung, tiếng Pháp. Ông cũng thường xuyên nói ông biết một thứ tiếng khác là tiếng Việt Nam nhưng chưa dùng đến và luôn nhấn mạnh ông không phải là người Trung Hoa mà là đất nước ông nằm sát cạnh bên Trung Hoa.

Tuy nhiên, để xem là các đoàn bang giao chính thức với sứ mệnh quốc gia thì cần phải kể đến các sự kiện, cũng là dấu mốc và những cơ hội cũng như bi kịch đã xảy ra trong thời kỳ nhà Nguyễn, đặc biệt chuyến đi của cụ Bùi Viện thời vua Tự Đức.

Ngay trong thời kỳ ròng rã nhiều năm đánh nhau với Tây Sơn, bên cạnh Nguyễn Ánh luôn có một đội ngũ các chuyên gia kỹ thuật, quân sự rất có kinh nghiệm từ phương tây như Dayot, Philippe Vannier, Guilloux, Laurent Barisy, De Forssant, Jean Baptiste Chaigneau, Olivier de Puymanel, Theodore lebuen. Trong số đó, người phải nhắc đến chính là Pierre Joseph George Pigeau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc) để tham vấn. Và mối cơ duyên ban đầu với Hoa Kỳ, cũng bắt đầu từ nước Pháp.

Theo Đại Nam Việt sử ký, lúc bấy giờ quân Tây Sơn dùng thủy binh xuôi nước, thuận gió đánh thắng quân Nguyễn Ánh tại Đồng Nai. Manoe người Pháp là đồng hương với ông Phê-rô (Bá Đa Lộc) chỉ huy thuyền tiên phong giúp quân Nguyễn Ánh bị tử trận. Đầu năm 1786, tức Cảnh Hưng tứ thập niên, sau những thất bại trước quân Tây Sơn, Vua Gia Long lúc đó nhờ Thầy Phê-rô cầu viện Pháp. Để đảm bảo có được sự hậu thuẫn, Gia Long cho con trưởng là Anh Duệ Hoàng trưởng tử Cảnh cùng đi. Khi ấy, Đông Cung mới khoảng sáu, bảy tuổi. Phê-rô dẫu sợ hãi trước đề nghị này nhưng sau những suy tính về lợi ích cá nhân, lợi ích nước Pháp và lợi ích cho sự truyền đạo nếu Nguyễn Ánh chiến thắng trong cuộc chiến với Tây Sơn đã nhận lời.

Nhà Nguyễn và những thăng trầm trong bang giao với Hoa Kỳ
Chân dung nhà vua qua nét vẽ của họa sĩ người Pháp.

Sử chép rằng “nếu có thể mà giúp vua (tức Nguyễn Ánh) cho được bằng yên và được phục quốc lại, thì ắt là sau này vua sẽ biết công mà để giảng đạo trong nước An Nam”. Phê-rô cũng không quên làm phép rửa tội cho Hoàng tử và sắp xếp ở cùng tại trường Missions-Étrangères cho tiện và cũng để giảng đạo. Tháp tùng còn có bào muội Hoàng hậu, tên là Sóc, các quan theo hầu và có hai quan lớn được Vua sai làm thầy dạy học cho Hoàng tử.

Ở Pháp, ai cũng thương và tỏ lòng kính đễ, thết đãi Đông Cung trọng thể và hào phóng. Trong thời gian này, số phận đã đưa Hoàng tử tiếp xúc với đặc sứ Hoa Kỳ tại Pháp là ông Thomas Jefferson, người sau này trở thành vị tổng thống thứ ba của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

Trở lại lúc đó, Jefferson có một đam mê tìm hiểu các giống lúa nhiệt đới của phương Đông để đưa về trồng trên đất Mỹ, nhằm cải thiện đời sống của những người nô lệ đang lao động khổ nhọc ở khắp nơi. Cụ thể hơn, ông có kế hoạch đưa các giống lúa châu Á về trồng ở trang trại của ông tại bang Virginia. Trong những lần tiếp xúc với phái bộ nước Việt khi đó cùng vị Hoàng tử bé, Ông được hứa sau này khi trở về, họ sẽ gửi thóc giống sang cho ông. Những mầm móng bang giao đã bắt đầu manh nha.

Đại Nam liệt truyện chép rằng đến mùa hạ năm Kỷ Dậu (1789), Thái tử về nước, tàu chiến đưa Đông Cung cùng Phê-rô vào cửa Lấp, Đồng Nai kết thúc chuyến viễn du cầu viện. Nguyễn Ánh sau bao mong mỏi nhớ nhung, khi thấy hoàng tử bình yên trở về đã an ủi rằng: Con ta đi góc biển chân trời đã mấy năm, ngày nay được hội họp là sự may trời giúp.

Đến mùa xuân năm Quý Sửu (1792) chính thức sách lập làm Đông cung, phong là Nguyên súy quận công, ban " Đông cung chi ấn", dựng phủ Nguyên súy, đặt liêu thuộc, lấy văn vũ đại thần (lễ bộ một viên, phó tướng một viên) giúp làm việc phủ, việc nhỏ do các đại thần phân xử, việc lớn bẩm súy phủ quyết định, để lập chính thể. Đông cung khi theo Nguyễn Ánh ra trận thì coi việc quân, lúc cắt đặt ở nhà thì coi việc nước.

Tuy nhiên, Thái tử đã bị bệnh và mất sớm vào năm 1800 lúc tuổi đời mới đôi mươi. Trong khi Jefferson sau đó trở thành vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ (1801-1809).

Nhà Nguyễn và những thăng trầm trong bang giao với Hoa Kỳ
Hoàng tử Cảnh được người Pháp vẽ lại chân dung.

Chính những biến cố này đã mang đến tiếc nuối cho mai sau. Giả sử khi Jefferson lên làm Tổng thống và Hoàng tử Cảnh không bị bệnh đậu mùa mất sớm, rất có thể mối bang giao Việt-Mỹ đã rất khác. Điều trùng hợp như một thiên mệnh sắp đặt, chính là sau thời điểm Thái tử mất, Nguyễn Ánh nhập thành Thăng Long, xưng hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long với hàm nghĩa thống nhất sơn hà từ Gia Định đến Thăng Long, thì Thomas Jefferson, đại sứ Hợp chúng quốc tại Pháp năm nào cũng đắc cử Tổng thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Giả sử số mệnh Thái tử dài hơn, rất có thể, lời hứa cung cấp giống lúa cạn từ xứ An Nam mà ngài Jefferson mong mỏi sẽ được Thái tử gửi tặng cho Tổng thống Hoa Kỳ, và những hạt mầm bang giao đã có những mùa vàng cho đời sau. Đời sau có nhiều tiếc nuối khi sử sách ghi rõ Đông Cung - người nối ngôi – đã thông hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phép rửa tội, đặc biệt là những yếu nhân của các Đại Quốc có thể thay đổi bản đồ lịch sử.

Tuy nhiên, không chỉ sự ra đi của Thải tử Cảnh như là dấu hiệu của sự thiếu may mắn trong buổi đầu cho nhưng manh mối sơ giao. Chỉ một năm sau đó, năm 1802, thuyền trưởng Jeremiah Briggs đã đưa thương thuyền có tên Fame đến Hội An và đặc biệt ra Huế với mục đích và mong muốn đề đạt trực tiếp với vị Hoàng đế An Nam là Vua Gia Long để được chấp thuận buôn bán với xứ sở còn xa lạ và mới mẻ này.

Thế nhưng, một cơn bão đã xuất hiện đủ mạnh để buộc Jeremiah Briggs phải vội vã đưa Fame nhổ neo lên đường. Thiên nhiên đôi khi không chỉ làm thay đổi tự nhiên mà còn làm chuyển hướng lịch sử. Fame đành bỏ lại giấc mơ mở mang danh tiếng Hoa Kỳ (trong tiếng Anh, “Fame” có nghĩa là danh tiếng) tại xứ sở An Nam; còn Gia Long đã mất cơ hội cho các thỏa thuận và gây dựng nền móng cho các bang giao giữa hai quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất nhưng đầy tiềm năng và cả khát vọng.

Nhà Nguyễn và những thăng trầm trong bang giao với Hoa Kỳ
Vua Minh Mạng được đánh giá là vị vua anh minh nhất triều Nguyễn.

Đến thời Minh Mạng, năm 1832, một phái bộ Hoa Kỳ do thuyền trưởng Edmund Robert là đặc sứ chính thức tới Đại Nam với hy vọng được diện kiến Hoàng đế Minh Mạng nhằm thiết lập quan hệ bang giao giữa hai quốc gia ở hai bờ Thái Bình Dương

Tuy được tiếp đãi với nghi thức trọng thể, Hoàng đế Minh Mạng trong bối cảnh một quốc gia đang hưng thịnh đã từ chối diện kiến và cho rằng thư của Tổng thống Hoa Kỳ không viết rõ niên hiệu Minh Mạng của nhà vua cũng như quốc hiệu Đại Nam theo điển lễ ngoại giao.

Nỗ lực tiếp theo vào năm 1836, Edmund Robert lại được cử tới Việt Nam. Lần này trên con tàu Peacock đến Đà Nẵng. Nhưng sứ mệnh lại bất thành vì một lí do khác, khi phái đoàn Việt Nam do các ông Đào Trí Phú và Lê Bá Tú đến Đà Nẵng, thuyền trưởng Edmunt đang ốm nặng không thể tiếp và sau đó phải rời đi. Đến 12/6/1836, Edmund Robert qua đời tại Macao mang theo những hi vọng về bang giao Mỹ Việt.

Có thể nói, cái chết của Thái tử Cảnh, cùng với những hạt giống đầu tiên về một giống lúa Việt trên đất Mỹ chỉ còn trong lịch sử. Rồi cơn bão năm nao và việc đặc sứ Robert bị bạo bệnh bất thời đã trôi qua trong sự lãng quên của thời gian. Khi một triều đại mới đang trong thời hưng thịnh; và có vẻ những chiến công trận mạc đang tô thêm những lớp vàng son cho các bậc tiên Vương triều Nguyễn với nền chính trị phong kiến truyền thống càng làm lu mờ những khát khao thay đổi vận mệnh quốc gia. Đặc biệt là lớp quan lại cai trị lấy nho học làm đường lối cho mọi hoạt động.

Nhưng lịch sử không dừng lại, cũng không êm trôi. Những khúc quanh đến lúc xuất hiện, người Pháp đã bắt đầu muốn Vương quốc Đại Nam trở thành một phần của họ vói chính sách thực dân thuộc địa.

Nhà Nguyễn và những thăng trầm trong bang giao với Hoa Kỳ
Tranh vẽ tàu Fame cập bến An Nam.

Gần 70 năm sau cái chết của Thái tử Cảnh và ngày thương thuyền Fame nhổ neo rời Huế, hạng chục năm sau sự khước từ của Minh Mạng và cái chết của Robert, đến lượt Hoàng đế Đại Nam là Tự Đức trước những áp lực thời cuộc đã phái sứ thần quyết một lần nữa sang xứ cờ hoa để mở mối bang giao.

Lần này là tìm kiếm sự cầu viện nhằm ngăn chặn và chống lại việc Pháp xâm chiếm nước Nam. Người nhận lãnh sứ mệnh lớn lao nhưng cũng đầy may rủi ấy là Bùi Viện. Ông sinh năm 1839, quê ở làng Trình Phố, tổng An Hội, phủ Kiến Xương, nay là An Ninh, Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Lịch sử ghi lại có đến hai lần Bùi Viện đi sứ cho hậu thế thấy quyết tâm của triều đình nhà Nguyễn lúc đó đối với mong muốn có được bang giao, cầu viện sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để chống lại Pháp, lúc đó đang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc và miền Trung.

Không may mắn là cả hai lần đều không mang lại kết quả. Lần đầu, như một nhân quả, là do sự thiếu hiểu biết về thông tục và pháp lệ của Hoa Kỳ trong nghi thức lễ tân ngoại giao. Trong chuyến đi năm 1873, do Bùi Viện không mang theo quốc thư, nên Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Grant cho rằng không có cơ sở đàm phán và ký kết hiệp ước. Bùi Viện gấp gáp trở về, tấu trình lên vua Tự Đức. Hoàng đế với quyết tâm của mình đã có ủy thác cho ông mang quốc thư một lần nữa sang xứ cờ hoa vào năm 1875.

Lịch sử đã níu chân sứ đoàn trong việc thiết lập mối bang giao theo cách không mong muốn. Bởi khi sứ đoàn Việt Nam sang tới nơi thì Tổng thống Grant đã từ trần. Tổng thống kế nhiệm là Hayes từ chối sự giúp đỡ trong sự thất vọng của Bùi Viện cùng sứ đoàn nước Nam.

Buồn thay cho ông, trên đường về nước, khi đến Nhật thì ông lại được hung tin mẹ mình đã mất. Dù thất vọng tràn trề, nhưng khi dừng lại tại Hải cảng Yokohama nổi tiếng xứ Hoa Anh đào, Bùi Viện vẫn cố gắng gặp người bạn Mỹ tại Nhật Bản như một tâm nguyện cuối cùng và không bao giờ tắt. Ông đã trao đổi và thống nhất cho một nhận định vượt thời gian là sớm hay muộn, một ngày nào đó, Hoa Kỳ chắc chắn cũng sẽ liên quan đến châu Á.

Trớ trêu thay, cách mà Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam sau này đã trở nên ác mộng và lịch sử hằn sâu những bài học thương đau.

Nhà Nguyễn và những thăng trầm trong bang giao với Hoa Kỳ
Jefferson - Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ là người đầu tiên có hoạt động ngoại giao với Việt Nam.

Cuối cùng, sứ đoàn cũng về đến Huế, Bùi Viện đã báo cáo mọi sự tình lên vua Tự Đức, sau đó ông xin về quê chịu tang mẹ.

Đánh giá các chuyến đi đầy gian truân này, vua Tự Đức đã nói: “Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi, lo lắng; quỷ thần ắt cũng chứng cho” (Bang giao trong lịch sử Việt Nam – Nguyễn Thế Long, Nxb Giáo dục, 2005). Ba năm sau đó, Bùi Viện bị bệnh và mất tại Huế vào tháng 11/1878, khi mới 39 tuổi.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia “Vua Tự Đức chính là ông vua bi kịch nhất. Thời ông làm vua cũng chính là thời kỳ phương Tây xâm lược Việt Nam. Thành Điện Hải lại là nơi chứng kiến cuộc va đập đầu tiên với liên quân Pháp. Phải nói rõ rằng vua Tự Đức từ năm 1858 đến khi ông mất (năm 1883) vẫn trăn trở bảo vệ đất nước, lấy lại cơ nghiệp của tổ tiên”.

Lịch sử nhiều khi là câu chuyện của người chiến thắng. Tuy vậy, những bài học lại dạy cho chúng ta trưởng thành từ những thương đau và thất bại. Trong tiến trình đầy may rủi đó, vào giai đoạn với nhiều biến cố, thách thức của triều Nguyễn, nhất là thời vua Tự Đức, chúng ta có thể thấy đa số các quốc gia châu Á đều phải thất bại trước các cuộc viễn chinh đến từ châu Âu, nơi khoa học kỹ thuật và thể chế chính trị đã có nhiều bước đột phá, tạo nên sức mạnh của các cường quốc.

Lúc này, Trung Quốc cũng bị liên quân tám nước giành hết chủ quyền. Sự thật này có thể lý giải tầm nhìn của vua Tự Đức vì sao lại cử sứ thần vượt bể đến nơi xa xôi để cầu viện Mỹ chống Pháp mà không phải là cầu viện Trung Hoa. Việc quyết chiến đẩy lùi quân Pháp tại Đà Nẵng mà điểm nóng là thành Điện Hải, cho đến việc cử các sứ đoàn đi Hoa Kỳ tìm kiếm các hậu thuẫn chứng minh quan điểm kháng Pháp của nhà Nguyễn thời vua Tự Đức.

Nhà Nguyễn và những thăng trầm trong bang giao với Hoa Kỳ
Vua Bảo Đại cũng gửi thư đến Tổng thống Truman của Hoa Kỳ để nhấn mạnh với Hoa Kỳ rằng Việt Nam đang là quốc gia độc lập có chủ quyền.

Đến tháng 8/1945, Hoàng Đế cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn là Bảo Đại, trong những nỗ lực cuối cùng của mình trước các biến động lịch sử đương thời cũng đã có thư gửi cho Tổng thống Truman của Hoa Kỳ để nhấn mạnh với Hoa Kỳ rằng Việt Nam đang là quốc gia độc lập có chủ quyền, chế độ thuộc địa đã lỗi thời, Việt Nam sẵn sàng hi sinh cho nền độc lập của mình, Dân tộc Việt Nam có một lịch sử huy hoàng sẽ không chấp nhận sự đô hộ của dân tộc khác. Pháp cần nhận thức về thực tế đó để tránh thảm họa chiến tranh tại Việt Nam. Đặc biệt, thư nêu rõ, Việt Nam không coi Pháp là kẻ thù, tôn trọng quyền lợi kinh tế của Pháp.

Những nỗ lực tìm kiếm bang giao với Hoa Kỳ và phương Tây từ Gia Long cho đến Bảo Đại đã cho thấy các cách tiếp cận của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Chính Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000 tại buổi nói chuyện với các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhắc đến mong muốn của Tổng thống Jefferson “một mong muốn dang dở của vị Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ từ 220 năm trước”.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ 45 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có khởi đầu được trích dẫn từ bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, vào ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Việt-Mỹ thân hữu Hội (tiền thân của Hội Việt-Mỹ ngày nay).

Quyết định này được coi là tổ chức hữu nghị song phương đầu tiên của nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới. Dĩ nhiên, con người cho đến dân tộc nào cũng có lúc thịnh suy khác nhau. Lịch sử càng lùi xa càng mang đến cơ hội cho các nghiên cứu để có các góc nhìn đầy đủ. Quan trọng hơn, là mang đến điểm tựa và sự hữu ích cho các thế hệ mai sau.

TS. Nguyễn Thành Hưởng

Tài liệu tham khảo:

  1. Sử ký Đại Nam Việt, Phần thứ 2, tr 63, tr 136, Saigon Imprimerie de la mission, à Tân Định (1903)
  2. Xã hội Việt Nam thời Lê Nguyễn. Nxb Hồng Đức.
  3. Nguyễn Ánh - một ẩn số của lịch sử Gia Long và triều Nguyễn - một thực thể vương quyền Đại Việt: http://www.tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c163/n2529/Nguyen-Anh-mot-an-so-cua-lich-su-Gia-Long-va-trieu-Nguyen-mot-thuc-the-vuong-quyen-Dai-Viet.html
  4. http://vannghethainguyen.vn/2019/08/01/ai-da-cu-bui-vien-di-su-sang-hoa-ky/
  5. Sự Thật Ít Biết Về Người Việt Đầu Tiên Đến Hoa Kỳ: https://usis.us/tin-tuc-usis/su-that-it-biet-ve-nguoi-viet-dau-tien-den-hoa-ky
  6. Hé lộ bí mật cuộc hội kiến của Tổng thống Mỹ Jefferson với Hoàng tử Cảnh ở Pháp:https://thanhnien.vn/he-lo-bi-mat-cuoc-hoi-kien-cua-tong-thong-my-jefferson-voi-hoang-tu-canh-o-phap-post1040612.html