Nhà giàn DK1 - Những cái chết hóa thành bất tử 1

08:35 | 27/07/2018

8,149 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - 20 năm trước, cơn bão số 8 có tên quốc tế Fathes bất ngờ đổ bộ vào vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cướp đi mạng sống của 3 cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/6 (Phúc Nguyên 2A). Đã 20 năm trôi qua nhưng trong ký ức của Trung úy Dương Văn Hoan, nhân chứng sống, người đã trở về từ lòng biển bão tố, như mới ngày hôm qua...

Để tìm hiểu về vụ sập nhà giàn DK1/6 năm 1998, chúng tôi đã đến Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân (Vũng Tàu) và liên lạc được với anh Dương Văn Hoan để xin một cuộc hẹn.

nha gian dk1 nhung cai chet hoa thanh bat tu
Trung úy Dương Văn Hoan - Chỉ huy phó nhà giàn DK1/6

Dương Văn Hoan sinh ra và lớn lên tại vùng quê đồng chiêm trũng xã Đồng Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan lục quân 1, anh được điều vào công tác tại Quân chủng Hải quân, Tiểu đoàn DK1. Từ năm 1994, anh công tác tại Vùng 2 Hải quân...

Một buổi sáng Vũng Tàu mát lành, sau nhiều cuộc điện thoại, chúng tôi may mắn hẹn gặp được anh Hoan khi anh mới đưa vợ con từ ngoài Bắc vào đi chơi Đà Lạt về. Đây là năm đầu tiên kể từ ngày anh đi giàn, anh chị được gặp nhau đúng mùa hè. Nhâm nhi ly cà phê, anh Hoan kể cho chúng tôi nghe về hồi ức không thể nào quên trong trận bão năm xưa.

Ký ức không quên

20 năm trước, cơn bão lịch sử số 8 có tên quốc tế Fathes bất ngờ đổ bộ vào vùng biển nước ta, sức gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12. Vùng biển thềm lục địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong tâm bão. Mệnh lệnh từ Sở Chỉ huy Lữ đoàn 171 Hải quân: Tất cả các nhà giàn DK1 chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với bão tố, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà đổ.

Nhận được lệnh của Sở chỉ huy, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6, Đại úy Vũ Quang Chương và chỉ huy phó, Trung úy Dương Văn Hoan nhanh chóng tập trung anh em, triển khai các phương án, giao nhiệm vụ cho từng người, làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với sóng to bão lớn, rời nhà giàn khi có tình huống xấu xảy ra.

Biết nhà giàn khó lòng trụ vững trước những đợt sóng dữ, song cán bộ, chiến sĩ lúc đó rất bình tĩnh chờ lệnh. Ai cũng chuẩn bị cho cuộc vật lộn với bão tố trong đêm đen và sẵn sàng hy sinh, nhưng vẫn rôm rả nói chuyện, thể hiện tinh thần lạc quan.

Chiều 12-12-1998, trên vùng biển thềm lục địa, sóng mỗi lúc một lớn hơn và ngày càng dữ dội. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm nhà giàn rung lắc mạnh. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió rít giật ầm ầm...

Trước tình hình sóng gió ngày một dữ dằn, anh em trên giàn đã cùng nhau cột chắc chắn các vật dụng, đặc biệt là bình ắc quy và máy phát tín hiệu để giữ liên lạc với Sở Chỉ huy. Đến 21 giờ ngày 12-12-1998, trước tình hình phức tạp của sóng bão, Đại úy Vũ Quang Chương và Trung úy Dương Văn Hoan bình tĩnh động viên anh em giữ vững tư tưởng, chuẩn bị áo phao cá nhân, phao bè, lương thực thực phẩm, nước ngọt, thuốc quân y…

Lúc 22 giờ ngày 12-12-1998, máy nổ vụt tắt do sóng đánh chập điện. Dây ăng-ten thông tin bị đứt. Các chiến sĩ nhanh chóng xử lý sự cố chập điện. Trong đêm tối mịt mùng, Chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy tay cầm đèn pin nhanh nhẹn cúi sát người, bò lên lan can cầu thang, lần mò nối lại dây ăng-ten, sau đó tiếp tục liên lạc với Sở Chỉ huy đất liền và đài canh thông tin quân chủng.

Anh Hoan nhớ, sóng mỗi lúc một to, tất cả mọi người mặc sẵn áo phao, Đại úy Vũ Quang Chương động viên: “Anh em chúng ta như một nhà, chung sức đồng lòng vượt bão giông”. Biết nhà giàn khó lòng trụ vững trước những đợt sóng dữ, song cán bộ, chiến sĩ lúc đó rất bình tĩnh chờ lệnh. Ai cũng chuẩn bị cho cuộc vật lộn với bão tố trong đêm đen và sẵn sàng hy sinh, nhưng vẫn rôm rả nói chuyện, thể hiện tinh thần lạc quan. Chiến sĩ Nguyễn Văn An lúc đó còn bảo: “Em chết thì có gì đâu, chỉ thương vợ em mới đẻ, em chưa biết mặt con”. Đại úy Chương tuổi mới chớm 30, chưa có mảnh tình vắt vai. Chiến sĩ Hồng thì nói: “Thư kết bạn của em chưa gửi nữa, bão tố thế này biết khi nào mới gửi về đất liền được”…

nha gian dk1 nhung cai chet hoa thanh bat tu
Chiếc phao bè đã cứu sống 6 cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A trong cơn bão số 8 tháng 12-1998

Nhớ những lời nói của anh em, mắt Hoan rưng rưng, rồi anh kể tiếp, sóng mỗi lúc một lớn, giữa trùng khơi mịt mù, mọi người động viên nhau “còn nhà giàn, còn người. Còn người, còn nhà giàn”. Mỗi khi có con sóng kinh hoàng như quả núi trước mặt đổ tới, anh em lại nhắm mắt nín thở cầu mong nhà giàn không đổ và sóng qua đi. Nhưng tất cả đều vô vọng, từng đợt sóng ào đến như muốn nuốt chửng nhà giàn, sóng gió giật mạnh khiến nhà giàn rung lắc, chao đảo, tất cả anh em tưởng mình như trên ngọn cây chuẩn bị gãy… Đến hơn 3 giờ sáng, nhận thấy tình hình không thể trụ được nữa, Đại úy Vũ Quang Chương và Trung úy Dương Văn Hoan lên các phương án rời nhà giàn, sau đó ra lệnh chia thành 2 tốp, tốp 1 gồm Vũ Quang Chương, Hoàng Văn Thủy - chiến sĩ báo vụ, Nguyễn Văn Thơ - pháo thủ, Nguyễn Văn An - nhân viên cơ điện; tốp 2 gồm Dương Văn Hoan, Hà Công Dụng - chiến sĩ cơ yếu, Phí Ngọc Thuật - nhân viên báo vụ, Chuẩn úy Lê Đức Hồng - nhân viên radar, Nguyễn Hữu Tôn - y sĩ ... Tất cả nhảy xuống biển cùng với mảnh phao bè cứu sinh cũ. Lúc đó, trong gió mưa gào thét, chuẩn úy Lê Đức Hồng tay bám vào lan can, quay mặt lại nhà giàn hướng ra biển hô to “vĩnh biệt đất liền” rồi lao xuống biển cả mù mịt trong đêm.

nha gian dk1 nhung cai chet hoa thanh bat tu

Sau khi mọi người nhảy xuống biển, Trung úy Dương Văn Hoan điểm danh gọi tên từng người thì không thấy Vũ Quang Chương, Lê Đức Hồng và Nguyễn Văn An lên tiếng. Lúc đó mọi người chỉ nghĩ anh em trôi dạt đâu đó chứ không nghĩ là đã hy sinh. Điểm danh tiếp thì nghe thấy tiếng Nguyễn Văn Thơ hô “anh ơi em đang bám ở bao gạo”. Đó là bao gạo 25kg, bên trong có bao nilon và bên ngoài có bao gai nên nó kín hơi và có thể nổi, cách làm của những người lính vừa bảo quản tốt lương thực, vừa là vật cứu sinh khi có tình huống xấu xảy ra...

Anh Hoan động viên Thơ bình tĩnh không sợ gì cả, không được bơi, cứ thả lỏng người ra cho nó trôi… Anh Hoan bơi đến, vừa trèo lên phao nói Tôn tát nước ở phao bè ra thì một cơn sóng từ trên đỉnh đánh ụp xuống, hất mọi người bay ra ngoài, còn anh Hoan bị cuốn vào phao rồi bị hút xuống đáy san hô. Lúc đó, Hoan vừa đạp vừa giãy để cố gắng chui lên khỏi cửa phao, khi lên được mặt nước thì quần dài bị đánh tụt mất chỉ còn cái quần đùi. Sau đó, anh Hoan lại tiếp tục điểm danh thì thấy thiếu Thơ. Đến 5 giờ sáng, anh em thấy một vật trôi và đó là Nguyễn Văn Thơ đang bám bao gạo, mọi người đẩy phao đến dìu Thơ lên phao bè và cứ thế, anh em lênh đênh trên biển, cố gắng bám phao bè và chống chọi với bão tố, nhường nhau áo phao khi đồng chí này kêu lạnh, còn tí lương khô nào thì nhai nhỏ ra cho đồng chí yếu ăn cho còn sức bám trụ với hy vọng các tàu sớm tìm thấy và được cứu sống.

Đến 18 giờ 30 ngày 13-12-1998, tàu HQ 606 tìm thấy và cứu sống mọi người.

Tên anh hóa thành bất tử!

Anh Hoan kể tiếp, chuẩn úy Nguyễn Văn An quê ở Ninh Bình, vùng đất điệp trùng núi non. Ngày đó, An mới cưới vợ. Khi ra biển, An tâm sự: “Anh Hoan ơi, đi xong chuyến này khi hoàn thành xong nhiệm vụ với Tổ quốc, ra quân về em sẽ lo việc nhà anh ạ”. An mới cưới vợ trước khi ra biển chuyến cuối và với điều kiện liên lạc thời đó thì An không biết vợ anh đã mang trong mình giọt máu thân thương của anh trước khi anh ra tới nhà giàn. Tới khi con chào đời mới được 2 tháng, An đã ra đi, để lại nỗi đau vô bờ cho người vợ trẻ và đứa con nhỏ chào đời chưa kịp nhìn mặt bố.

nha gian dk1 nhung cai chet hoa thanh bat tu
Vợ chồng trung úy Dương Văn Hoan

Chuẩn úy Lê Đức Hồng xung phong ra thềm lục địa làm nhiệm vụ, hành trang mang theo là kỷ niệm vui tươi lãng mạn của cậu học sinh vừa rời ghế nhà trường và chiếc áo mới chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp chưa một lần mặc. Để rồi, ngày anh nằm lại giữa biển khơi, hành trang anh mang theo xuống biển sâu là tình yêu Tổ quốc và những lá thư kết bạn màu tím trên báo Tiền Phong chưa kịp gửi về đất liền. Tên anh đã hòa vào sóng gió biển khơi.

Giữa phong ba, bão tố đã có những cái chết hóa thành bất tử như sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Vũ Quang Chương, Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng cùng các liệt sĩ trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Trong giờ phút sinh tử ấy, Đại úy Vũ Quang Chương vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn, đồng thời thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng. Hình ảnh liệt sĩ Vũ Quang Chương ôm cờ Tổ quốc thanh thản đi vào lòng biển đã trở thành cột mốc chủ quyền bất tử giữa biển khơi, cổ vũ, động viên thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục trân trọng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Trong cuộc trò chuyện với người lính hải quân dạn dày sóng gió, chúng tôi đã đặt câu hỏi: Tại sao 20 năm qua kể từ trận cuồng phong năm đó, Dương Văn Hoan vẫn tiếp tục bám trụ và trở thành một trong những người lính có thâm niên công tác lâu nhất tại các nhà giàn DK1?

Trước câu hỏi đó, đôi mắt người lính hải quân Dương Văn Hoan nhìn xa xăm về phía biển rồi chia sẻ: “Sau đợt đó, tôi và một số anh em có cơ hội chuyển công tác vào đất liền. Nhưng chúng tôi vẫn chọn nhà giàn, bởi chúng tôi không nỡ rời xa nơi này. Chúng tôi ở lại và nhiều người đã quay trở lại nhà giàn vì phía dưới lòng biển sâu vẫn còn những đồng đội nằm lại đó...”. Và anh nhìn về phía chị Hà, vợ anh, với ánh mắt trìu mến rồi nói: “Đây là hậu phương vững chắc đã động viên tôi tiếp tục công việc ở nhà giàn”.

Tại nhà giàn, các chiến sĩ phải đối mặt thường xuyên với nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là bão gió giữa đại dương mênh mông. Trong đó, những trận cuồng phong dữ dội làm đổ một số nhà giàn, cướp đi sinh mạng của nhiều cán bộ, chiến sĩ. Trong thời khắc đối mặt giữa sự sống và cái chết, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đều tỏ rõ lòng trung kiên, tình đồng đội, đồng chí, sẵn sàng hy sinh thân mình, nhường nốt giọt nước ngọt, miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội và thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.

Hơn thế nữa, giữa phong ba, bão tố đã có những cái chết hóa thành bất tử như sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Vũ Quang Chương, Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng cùng các liệt sĩ trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Có lẽ, chính điều đó đã trở thành ngọn nguồn sức mạnh, tiếp sức cho những chàng trai trẻ tại các nhà giàn DK... tiếp nối truyền thống bất khuất, kiên cường, vững vàng trước mọi gian khó của thế hệ cha anh đi trước để viết tiếp những bản hùng ca của người lính hải quân luôn hiên ngang, vững vàng trước biển cả, bao la.

Khúc tráng ca ấy được viết nên bởi chính những con người bình dị đã sống, gắn bó với nhà giàn, với biển cả, đã kiên cường vượt qua muôn vàn gian khó chống chọi với thiên tai, bão tố. Sức người có hạn trước những trận cuồng phong dữ dội.

Vào những năm 1990, 1996, 1998, 2000, bão tố với sức tàn phá khủng khiếp đã làm đổ một số nhà giàn. Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, người lính nhà giàn đã bình tĩnh, kiên cường bám trụ với tinh thần: “Còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”.

Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn còn khắc ghi những tấm gương hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Khi cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực Nam biển Đông chiều ngày 4-12-1990 với sức gió giật trên cấp 12, tạo ra sóng lớn như nuốt lấy nhà giàn. Sức người có hạn, 3 cán bộ, chiến sĩ đã hòa mình vào biển xanh mãi không trở về.

Lịch sử còn mãi khắc ghi hành động cao đẹp của Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Nguyễn Văn An và Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã không trở về. Trước khi đi vào lòng biển, họ đã gửi lời chào “vĩnh biệt đất liền” về Sở Chỉ huy để rồi thanh thản ra đi...

Hay như tấm gương dũng cảm của Thuyền phó, Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, Chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Chiến sĩ Hồ Văn Hiền... những người đã vì đồng đội thân yêu, bất chấp hiểm nguy, hy sinh thân mình, tự nguyện đi vào vùng bão tố để cứu vớt các chiến sĩ nhà giàn bị nạn, không một chút đắn đo. Các anh đã nằm lại giữa biển khơi để cho đồng đội được sống.

Linh hồn những chàng trai con Lạc, cháu Hồng đã hóa thân vào sóng nước đại dương mênh mông. Máu xương các anh đã thấm đẫm, hòa quyện với từng con sóng, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Hồng Thắm

nha gian dk1 nhung cai chet hoa thanh bat tu Kỳ 2: Công trình của trí tuệ và lòng tâm huyết
nha gian dk1 nhung cai chet hoa thanh bat tu Kỳ 1: Ngọc trong lòng biển
nha gian dk1 nhung cai chet hoa thanh bat tu Giữ nhà giàn bằng trái tim người lính!

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc