Nhà báo Dương Đức Quảng: Gối chỉ quỳ một lần, duy nhất…

06:47 | 22/06/2013

843 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khi tôi về công tác ở Báo Công an Nhân dân thì ông đã rời vai trò cố vấn của tờ An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu tuần, sang làm truyền thông cho VietinBank, một ngân hàng lớn. Nhưng ấn tượng về con người lịch lãm, gần gũi, nhiều suy tư đã giữ lại trong tôi những ký ức đẹp về ông, nhà báo Dương Đức Quảng. Một nhà báo được tôi luyện từ trong chiến trường khói lửa, trở về thời bình, đảm nhiệm những trọng trách lớn trong làng báo, nhưng những ký ức chiến tranh vẫn là nỗi ám ảnh trong ông. Tâm thế đó, khiến tôi có cảm nhận, ông sống trong đời rất nhẹ nhõm. Bởi ông thấu hiểu được lẽ đời, nên tránh được cái hư danh, ồn ào của đời sống.
Nhà báo Dương Đức Quảng

Một buổi chiều cuối năm, nhà báo Dương Đức Quảng ngồi với tôi, lặng yên, trầm tư. Bao giờ ông cũng vậy, bình thản và thư thái trước mọi nỗi của sự đời. Có lẽ không phải đến bây giờ, khi đã gác lại mọi vinh hoa, phú quý ở đời, ông mới bình thản đến vậy. Mà tôi tin, ông đã đến và sống trong đời sống này với một tâm thế biết coi nhẹ mọi thứ. Nhưng đấy là tâm thế của một con người thấu hiểu lẽ đời và sự phù du của kiếp người. Thế nên, con người đó, cũng biết đứng ngoài những hư danh, ồn ã của đời sống và cất cho mình một góc riêng của ký ức.

Nhà báo - nhà thơ Dương Đức Quảng không còn là cái tên lạ với nhiều người, mặc dù ông rời chốn quan trường đã lâu. Nhưng đó là cuộc đời của một con người đi ra từ chiến trận, mang trong mình nỗi ám ảnh về chiến tranh và tuổi thơ nhiều mất mát.

Trong cuốn tự sự dang dở về cuộc đời mình, ông đã viết: “Tôi, từ đứa trẻ mồ côi mẹ khi chưa đầy 5 tháng tuổi, trải qua tuổi thơ nhọc nhằn, nghèo khổ trong chiến tranh chống Pháp, đến chàng sinh viên Khoa Văn của Trường đại học Tổng hợp danh giá một thời. Từ những năm tháng lăn lộn trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ ở dải đất miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… với “mưa bom, bão đạn” và những ngày đói quay đói quắt, hàng tuần lễ không biết đến hạt gạo là thế nào đến những ngày được biết thế nào là dạ tiệc ở “chốn cung đình”; Từ cuốc bộ rạc cẳng, ngồi xe bò, xe trâu đi học, hoặc kẽo kẹt trên chiếc xe đạp cà khổ, “vành cong, lốp quấn”, đi làm, đến những lần ngồi máy bay chuyên cơ cùng các VIP vượt đại dương “vi vu” tới nhiều nước trên thế giới; Từ ngủ bờ, ngủ bụi, nằm hầm tránh các đợt máy bay B52 ném bom vào căn cứ, hay ngâm mình trong bãi bói dọc sông Thu Bồn ở Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng bây giờ) hàng tuần lễ, thấp thỏm lo đến thót tim mỗi khi máy bay trực thăng HU.1A của Mỹ quần thảo trên đầu, cứ nghĩ họng súng liên thanh trên máy bay đang chĩa xuống sắp nhả đạn vào đầu mình, đến những đêm ngả mình trên đệm êm chăn ấm trong phòng máy lạnh khách sạn 5 sao ngay tại thủ đô Wahsington DC của Mỹ khi được mời là khách VIP sang thăm Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”... Chỉ mấy dòng mà đã đủ cho một đời người.

Đôi lúc tôi tự hỏi, đằng sau vẻ hào hoa, lịch lãm của ông, sau cái vẻ chỉn chu nghiêm ngắn của một quan chức ấy là gì. Một nỗi cô đơn không ai chạm tới. Một khát vọng được thành thật với chính mình, được là mình. Dương Đức Quảng làm thơ. Ông không viết nhiều. Thơ, với ông, không cầu sự nổi tiếng và tôi dám chắc, ông không làm thơ để trở thành nhà thơ. Thơ, với Dương Đức Quảng là sự ghi lại những rung động trong ký ức. Chiến tranh, những thân phận người, đồng đội, sự sống, cái chết, những chiêm nghiệm về đời sống, nhân tình thế thái. Bất chợt thấy mình lặng lẽ/ Trong tiếng hò reo vang trời hay Có phải càng bình dị/ Cuộc đời càng lớn lao...

Những câu thơ giản dị nhưng ngẫm sâu sự đời. Và hình như Dương Đức Quảng không chỉ nói câu chuyện của thơ. Những tình đời, những thân phận, trong câu thơ của ông, gần gụi đấy, hiện hữu đấy, nhưng trong đời sống tất bật hôm nay, mấy ai bận tâm. Nếu ai đó đọc thơ tôi/ Đọc xong vô cảm thì tôi rất buồn. Nỗi buồn của ông khiến tôi giật mình khi sự vô cảm đang chiếm lĩnh tâm hồn mỗi chúng ta.

Đối với Dương Đức Quảng, một ngày được sống trên cuộc đời này, sống và thấm hiểu sự sống của mình đã đánh đổi bằng máu và nước mắt của đồng đội, là một ngày lãi. Nào có đi buôn mà tính lãi/ Cuộc đời lời lỗ mấy ai hay/ Chiến trận bao phen còn sót lại/ Chẳng lãi là chi, lãi từng ngày. Dương Đức Quảng không kể về thời vinh hoa của mình, khi ông là Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Tổng biên tập đầu tiên trang tin điện tử của Chính phủ và nhiều trọng trách khác trong làng báo.

Lạ thay, con người đó, đi hết cả cuộc đời vẫn không thoát khỏi những ám ảnh về chiến tranh. Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông đã viết liên tục và cho ra đời hai tập sách xúc động về những khuôn mặt của đồng đội năm xưa: Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị Tướng, trầm luân nào có chừa ai - Nhà Xuất bản Lao Động, 2012. Trong đó, có nhiều câu chuyện xúc động về cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mà ông chính là người khởi xướng và cùng với một số anh em văn nghệ sĩ báo chí ở chiến trường Khu V trước đây viết bài, làm phim, đưa câu chuyện về nhật ký Đặng Thùy Trâm ra trước công chúng, để rồi câu chuyện về cuốn nhật ký ấy trở thành sự kiện truyền thông lớn nhất nước năm 2005.

Dương Đức Quảng có một ký ức tuổi thơ buồn. Ông sinh ra ở Hà Nội. Mẹ mất khi ông mới chưa đầy 5 tháng tuổi. Sự thiếu thốn, mất mát trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời ông. 7 chị em Dương Đức Quảng được bà bác đưa về Phú Thọ nuôi để bố đi kháng chiến chống Pháp. Lên 10 tuổi, cậu bé Quảng mới được theo bố về Hà Nội, ở trên gác 5, căn hộ chỉ vẻn vẹn 10m2 khu tập thể 32 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Từ nhỏ Dương Đức Quảng đã rất mê đọc. Ông thường trốn bố ra lan can cheo leo trên tầng 5 của ngôi nhà tập thể ấy đọc sách. Nhưng trong ông vẫn là nỗi trống vắng, là khát vọng được tìm thấy mẹ. Ông nhớ, lần ấy ông mới 11 tuổi, mới ra đến Hiệu sách Nhân dân ở góc phố Hai Bà Trưng và Hàng Bài bây giờ, để đọc sách ké thì trời đổ mưa bão lớn. Ngẫu nhiên đọc được truyện “Tìm mẹ’’ của Nguyễn Huy Tưởng, ông khóc nức nở. Cậu bé Dương Đức Quảng lặng lẽ đi về trong mưa bão, nước mắt giàn giụa.

Bố Dương Đức Quảng với đồng lương công chức eo hẹp, chỉ báo 3 suất cơm tập thể cho 4 cha con ăn hằng ngày. Người chị kề trên thương bố, sau giờ học, giấu bố rủ em đi bán sách báo dạo để có tiền giúp bố. Dương Đức Quảng theo chị, cũng vài cuốn sách, tờ báo lang thang khắp phố, vừa bán vừa được đọc sách báo miễn phí và để có chút tiền mua vé xem phim.

Ông trốn bố và chị xuống tận bãi chiếu bóng Lương Yên để xem phim, những bộ phim đã gắn liền với tuổi thơ cô đơn và gian khổ của Dương Đức Quảng. Có một bộ phim khiến ông day dứt mãi. Đó là phim “Vụ án mạng ở phố Dante” của Pháp, kể về một bà mẹ du kích Pháp hoạt động chống phát xít Đức, đã bắn chết đứa con của mình khi nó theo giặc. Ông buồn lắm. Mình là một đứa trẻ không có mẹ và cả cuộc đời đi tìm mẹ, không hiểu sao lại có một bà mẹ bắn chết đứa con máu mủ của mình???

Đại tướng Chu Huy Mân, vợ chồng nhà báo Dương Đức Quảng với cựu binh Mỹ Fred và bà Doãn Ngọc Trâm

Không phải là người lính trực tiếp cầm súng tham gia chiến trận nhưng suốt 8 năm liền Dương Đức Quảng có mặt ở những điểm đầu khói lửa với tư cách là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. Đang học năm thứ 4 Khoa Văn Đại học Tổng hợp thì Dương Đức Quảng được điều động vào chiến trường. Ngày đó, những định kiến về giai cấp tiểu tư sản đã khiến ông gặp nhiều khó khăn trong việc kết nạp Đoàn.

Học đến năm thứ 3 đại học, sau nhiều thử thách, cứ chiều chiều lại xách cái loa tay bằng nhôm leo lên chòi cao ở xóm Tràng Dương, Đại Từ, Thái Nguyên - nơi trường sơ tán, để đọc tin chiến thắng ở miền Nam; miệt mài hàng tháng như thế, Dương Dức Quảng mới được kết nạp vào Đoàn. Ông đã khóc và có một chút tủi phận vì “thành phần tiểu tư sản” của mình!

Sau đó vài tháng, ông được điều động vào Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị) làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam từ năm 1967 đến 1971 của thời kỳ chống chiến tranh phá hoại ác liệt nhất của Mỹ ở Khu IV cũ. Ngay cả khi vào đến Quảng Bình, Vĩnh Linh,  Quảng Trị, đối mặt với cái chết, nhiều người vẫn đánh giá đó chỉ là ngọn lửa bồng bột “tiểu tư sản” của tuổi trẻ, chắc ông, một thanh niên thành phố Hà Nội sẽ không chịu nổi gian khổ của chiến trường.

Nhưng rồi ở đó, trong mưa bom bão đạn, trong căn hầm chật chội dưới lòng một con suối cạn gần nhà thờ Sen Bàng, Bố Trạch, Quảng Bình, nơi cơ quan ông đóng quân, ông đã hiểu thế nào là cái chết cận kề khi hai người bạn của ông đã ngã xuống trên mảnh đất này. Chàng trai trẻ Dương Đức Quảng hiểu, trong chiến tranh chết và sống như một lẽ đương nhiên. Và ông đã bám trụ kiên cường ở đó cho đến năm 1971 lại tiếp tục chặng đường vào chiến trường miền Nam chống Mỹ.

Nhưng có lẽ, ký ức chiến tranh ám ảnh trong Dương Đức Quảng và trên những trang viết sau này của ông hơn cả khi ông được điều vào chiến trường miền Nam thay vì đi học ở Cu Ba để có thể trở thành phóng viên quốc tế của Thông tấn xã Việt Nam. Bố ông từng nói: “Đi nước ngoài sau này có thể con có rất nhiều cơ hội. Nhưng cơ hội để tham gia cùng nhân dân trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chỉ có một mà thôi”. 3 tháng ròng rã hành quân vượt Trường Sơn, gian khổ, đói rét. Sau này, thậm chí đối mặt với cái chết, những trận càn, những cuộc bị địch bao vây hàng tuần lễ ở Quảng Đà, nhưng ông nói, ông có thể ngẩng cao đầu khi trở lại chiến trường xưa.

Ông kể với tôi, nếu như đêm 22 rạng sáng ngày 23/5/1972 ấy ông không theo Quân giải phóng vào chiến dịch mà ở lại trong hang đá đặt điện đài của Thông tấn xã Giải phóng trên căn cứ Hòn Tàu, Quảng Nam, thì hôm nay đã là hơn 40 năm ngày giỗ của ông rồi! Người bạn đồng nghiệp của ông chuẩn bị ra Bắc, ông gửi bạn tấm vải dù ra biếu bố mình nhưng sau một trận bom B52 của Mỹ, tấm vải dù ấy đã cùng người bạn của ông và 4 người khác nằm lại trong hang đá Hòn Tàu suốt 39 năm, đến 27/7/2011 anh em đồng đội mới đưa được hài cốt của các anh về. Ông đã bật khóc sau 39 năm lại nhìn thấy tấm vải dù của mình gửi bạn ngày nào, nay lại theo bạn về với ông và đồng đội trong một buổi lễ tưởng niệm tràn đầy xúc động và nước mắt ngay dưới chân núi Hòn Tàu.

Vì thế, điều ám ảnh ông nhiều nhất là con người trong chiến tranh, đối diện với sự hèn nhát, sợ hãi và lòng dũng cảm - giữa sự sống và cái chết. Ông vẫn da diết nghĩ đến những người lính, những đồng nghiệp của mình đã ngã xuống trong chiến tranh mà đến nay hài cốt vẫn còn nằm đâu đó, chưa được về với gia đình. Ông là người đề xuất để VietinBank tài trợ 5 tỉ đồng xây dựng Khu tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 207 - phần lớn là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội nhập ngũ, hy sinh năm 1973 tại Đá Biên, Long An, để công trình ấy được khánh thành đúng vào ngày giỗ lần thứ 39 của các anh thật khang trang, to đẹp giữa mênh mông sông nước Đồng Tháp Mười hôm nay.

Và tôi thiển nghĩ, với những người lính đã vượt qua được cái chết bằng sự can trường, dũng cảm của mình (chứ không phải bằng sự đớn hèn) thì trở về trong thời bình, họ vẫn giữ được khí phách hiên ngang mà những bon chen, thị phi không thể làm họ gục ngã. Như câu thơ mà Dương Đức Quảng từng viết: “Gối chỉ quỳ/ Một lần/ Duy nhất/ Là lúc đưa Cha về với Mẹ cuối trời”

Dương Đức Quảng có một ngôi nhà bình yên để trở về. Người vợ của ông là một đồng đội, đồng nghiệp năm xưa. Họ yêu và lấy nhau từ trong chiến trường miền Nam. Cuộc sống dường như là đủ đầy. Dẫu tôi biết, trong sâu thẳm tâm hồn một người lính - một nghệ sĩ ấy vẫn là những góc khuất không ai chạm tới, như trong một bài thơ ông đã viết: Khuất cánh gà sân khấu/ Thấy người xem khóc cười/ Khuất sau từng vở diễn/Chênh vênh bao phận người/ Khuất sau bao người khác/ Dễ gì tìm được nhau/Khuất sau từng con chữ/ Biết bao điều thẳm sâu/ Khuất trong đêm lặng lẽ/ Một đóa quỳnh đơn côi/ Khuất nẻo đường gió bụi/ Có ai còn đợi tôi?

Ghi chép của Khánh Linh

(Trích “Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng” của Dương Đức Quảng)

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc