Nhà băng phá băng tín dụng

07:00 | 21/09/2013

434 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) đã được cải thiện đáng kể nhưng điều đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục nhà băng mở két cho vay. Nghịch lý nhà băng thừa vốn còn DN lại đói vốn vì thế vẫn tồn tại. Vậy các ngân hàng (NH) đang làm gì để hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2013 đạt mức 12%?

Xua quân “săn” hàng tốt

Bản chất hoạt động của NH là kinh doanh tiền, mà đã là kinh doanh tiền thì khi nhận tiền gửi, NH phải đem số tiền đó cho những người có nhu cầu vay vốn, thu lãi suất để bù vào chi phí hoạt động và trả lãi. Vậy nên cái chuyện tồn cả “núi” tiền gửi trong két cũng chỉ là chuyện cực chẳng đã. Theo tìm hiểu của Năng lượng Mới, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do hầu hết các NH hiện đều rất e ngại với các khoản vay đầu tư kinh doanh sản xuất, đặc biệt là cho vay bất động sản, xây dựng - 2 lĩnh vực vốn dĩ hút vốn lớn nhất của nền kinh tế.

Theo một cán bộ tín dụng của NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì nhu cầu vay vốn của DN hiện rất lớn nhưng lượng hồ sơ được duyệt vay vốn là rất hạn chế. Cán bộ này lý giải: Nhiều DN vốn dĩ đã thuộc diện “cấm cửa” của NH bởi những khoản nợ trước đó vẫn đang treo tại NH. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay cũng tiềm ẩn yếu tố rủi ro rất cao.

OceanBank phá giá lãi suất cho vay 5,91%

Một “đống” tiền đang bị “chôn vùi” trong thị trường bất động sản là điều mà người ta đã nói, đã nhắc tới từ lâu và thực tế muốn “khai quật” thành công “nấm mồ” này chẳng hề đơn giản chút nào. Càng để lâu, “nấm mồ” đó càng phình to, càng lún sâu khiến việc “khai quật” thêm phần khó khăn. NH sợ bị kéo vào “nấm mồ” đó cũng là phải bởi họ sợ nhúng tay vào thì sẽ không biết bao giờ mới rút ra được. Theo TS Nguyễn Minh Phong, một chuyên gia về kinh tế, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nhiều DN thiếu chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp, cung cách quản trị DN yếu, đầu tư dàn trải...

“Đầu tư theo phong trào ví như việc các DN ồ ạt lao vào thị trường bất động sản chẳng hạn. Người người, nhà nhà tính kế, nghĩ mưu đầu tư vào thị trường này khiến bất động sản tăng trưởng quá “nóng”, mất cân đối cung - cầu và hệ quả là bất động sản đóng băng, trở thành “mồ chôn” tiền của nền kinh tế, là “nút thắt” lớn nhất của nợ xấu” - TS Nguyễn Minh Phong bình luận.

Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank khi đề cập tới câu chuyện này cũng thẳng thắn tuyên bố: Với các đơn vị có các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, Eximbank sẵn sàng cho vay mức lãi suất ưu đãi. Đơn vị nào tốt mà không được tiếp cận mức này thì hãy đến gặp tôi.

Điều này cho thấy rõ các NH cũng đang rất sốt ruột với chuyện “ế” tiền và cũng đang tìm kiếm đối tác để cho vay tiền. Quyết tâm và mong mỏi là vậy nhưng ông Dũng cũng cho biết, nợ xấu vẫn đang là nỗi ám ảnh của các NH, đặc biệt là khi sức khỏe của các DN chưa thể phục hồi. Eximbank rất muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không thể “nhắm mắt” cho qua buông lỏng khâu thẩm định hồ sơ vay.

Dễ dàng nhận thấy, thời gian vừa qua, cán bộ tín dụng thay vì ngồi phòng lạnh chờ hồ sơ xin vay vốn đã phải chạy đôn, chạy đáo để tìm khách hàng tốt, khách hàng đủ “khỏe” để chào mời vay vốn!

Ngân hàng đua phá giá lãi suất... cho vay

Trong nỗ lực “phá băng” tín dụng, hoạt động của hệ thống NH thời gian gần đây xuất hiện không ít hiện tượng lạ, ví như chuyện NH săn khách hàng tốt chẳng hạn, chẳng khác nào “cọc đi tìm trâu”. Nhưng rõ ràng để tìm được con trâu tốt, trâu khỏe lại chẳng hề đơn giản, vậy nên các NH giờ lại lao vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay, hút khách hàng. NH phá giá lãi suất để phá băng tín dụng!

Câu chuyện tưởng chừng chỉ xảy ra trên thị trường hàng hóa, tiêu dùng thì nay đã diễn ra trên thị trường tiền tệ. Theo tìm hiểu, từ cuối tháng 8-2013, NH TMCP Đại Dương (OceanBank) thiết lập một định nghĩa mới về “phá giá vốn vay” khi tung ra chương trình “phá giá lãi suất toàn diện, toàn quốc”. Theo đó, khách hàng trên toàn quốc vay mua nhà, mua xe ôtô hay vay tiêu dùng đều có thể tham gia để hưởng mức lãi suất phá giá còn 5.91%, thời gian áp dụng kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.

Câu hỏi đặt ra là với lãi suất phá giá chỉ còn 5.91%/năm như OceanBank áp dụng (hoặc 9.97%/năm đối với một vài sản phẩm khác) thì nhà băng lấy đâu ra lãi? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Thanh Quang - Phó tổng giám đốc phụ trách các khối Marketing và Bán lẻ của OceanBank cho biết: “Chúng tôi sẽ cân đối được vì có các lợi ích đến từ các sản phẩm dịch vụ khác được các khách hàng sử dụng khi đồng hành cùng OceanBank. Hơn nữa, điều chúng tôi mong muốn nhất là tạo dựng được sự tin tưởng của khách hàng trong thời điểm khó khăn này, đặc biệt là đối với tình trạng tồn kho bất động sản và doanh số bán xe không cao”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh việc áp dụng mức lãi suất cho vay rất ưu đãi trên, OceanBank đang áp dụng cơ chế duyệt vay phản hồi siêu tốc trong 8 giờ và theo dõi trạng thái hồ sơ qua Internet. Anh Nguyễn Hùng Thanh - Trưởng phòng Kinh doanh của một công ty liên doanh có mức thu nhập hàng tháng 20 triệu đồng/tháng, anh đã có kế hoạch vay khoảng 500 triệu đồng mua một xe Kia Forte đời mới 2013, nay nghe nói có chương trình ưu đãi lãi suất và liên kết giữa OceanBank với Thaco Trường Hải cho vay mua xe nên đã đến đăng ký luôn.

Thị trường tài chính - NH đang hình thành một xu hướng mới, xu hướng phá giá lãi suất cho vay. Trước OceanBanK, các NH Techcombank, HDBank... cũng đã tung ra các chương trình tương tự với mức lãi suất cực kỳ ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. Theo nhận định của giới chuyên gia, khi “sức khỏe” DN vẫn còn vấn đề thì chắc chắn trong thời gian tới, xu hướng giảm lãi suất cho vay sẽ tiếp diễn, đặc biệt áp lực tăng trưởng tín dụng đang ngày càng đè nặng. Số liệu thống kê của NH Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 8, tín dụng mới tăng được 5,6%, trong khi huy động vốn đã tăng gần 10% so với cuối năm 2012. Rõ ràng là trong thời buổi “NH lụy khách hàng” như hiện nay, việc các NH phải phá giá lãi suất hay cung cấp các dịch vụ nhanh chóng, khác biệt để phục vụ các “thượng đế” vay tiền là điều dễ hiểu.

Thanh Ngọc