Nguy cơ mất an toàn từ các vụ vi phạm sử dụng điện

19:30 | 22/02/2019

383 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong thời gian qua, công tác kiểm tra sử dụng điện của PC Đắk Lắk đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau khi phát hiện, ngoài việc xử lý vi phạm sử dụng điện theo quy định, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền sử dụng điện an toàn, hiệu quả vì thực tế, hầu hết các vụ vi phạm này đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
nguy co mat an toan tu cac vu vi pham su dung dien
Hiện trường một vụ trộm cắp điện được Điện lực Buôn Đôn phát hiện vào tháng 01/2019

Để nâng cao hiệu quả công tác, PC Đắk Lắk đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị truyền thông thường xuyên tuyên truyền việc sử dụng điện an toàn, đúng quy định của pháp luật đến người dân. Điều này nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong quá trình sử dụng điện. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa cao. Theo số liệu trong chương trình CEU, trong năm 2018, PC Đắk Lắk đã phát hiện và xử lý 2.740 trường hợp vi phạm về sử dụng điện, trong đó có 95 trường hợp trộm cắp điện, còn lại là vi phạm khác. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Điện lực đối với 99 vụ, thu trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, sang tháng 01/2019, Công ty tiếp tục phát hiện 294 trường hợp vi phạm sử dụng điện, trong đó có 11 trường hợp trộm cắp điện, tăng 13,48% về số vụ so với cùng kỳ năm trước. Số liệu so sánh cho thấy việc chấp hành pháp luật về sử dụng điện trong nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, qua kiểm tra, PC Đắk Lắk đã phát hiện nhiều trường hợp người dân vi phạm nghiệm trọng an toàn trong sử dụng điện, coi thường tính mạng của mình và của người khác. Trong số 1.731 vụ vi phạm giá điện được phát hiện được trong năm 2018, có hơn 50% hệ thống đo đếm vận hành quá tải dẫn đến thường xuyên bị phát nhiệt; có hơn 10% khách hàng thay đổi kết cấu hệ thống dây điện sau công tơ để sử dụng điện từ hai nguồn khác nhau. Hay trong các vụ trộm cắp điện, khách hàng đã tự ý thay đổi sơ đồ dấu dây; đấu điện trực tiếp từ lưới điện; cô lập dây trung tính vào công tơ; khoan vào phần bảo vệ của công tơ để hãm đĩa quay và lắp đặt các thiết bị khác để điều kiển hệ thống đo đếm vận hành theo ý muốn của mình. Tất cả các vụ việc này đều được đánh giá vi phạm nghiêm trọng về an toàn điện.

Cụ thể như, trong vụ việc gần đây được Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột phát hiện, khách hàng lấy điện từ dây nguồn tại hộp đấu dây của công tơ để sử dụng. Hay như trường hợp của Điện lực Buôn Đôn, khách hàng cắt aptomat tổng, đấu điện trực tiếp từ dây nguồn vào công tơ đến đầu ra của aptomat để sử dụng điện không có bảo vệ. Gần đây nhất, Điện lực Ea H’leo phát hiện khách hàng cắt dây trung tính vào công tơ, dẫn dây trung tính từ nguồn vào nhà để sử dụng điện. Để hỗ trợ việc sử dụng điện không qua công tơ, khách hàng phải lắp thêm cầu dao đảo chiều hay aptomat. Việc đấu nối và lắp đặt thêm thiết bị được thực hiện trong điều kiện không an toàn và không có kiến thức chuyên môn nên các điểm đấu nối không đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, trong quá trình tháo lắp, thao tác để sử dụng các thiết bị đi kèm rất phức tạp nên tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng con người. Thực tế, theo thống kê, trong năm qua, trên địa bàn tỉnh vẫn để xảy ra 05 vụ tai nạn điện trong nhân dân.

Trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường kiểm tra và xử lý, PC Đắk Lắk tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong tuyên truyền trong nhân dân, nhằm nâng cao việc chấp hành nghiêm túc các quy định về sử dụng điện cũng như công tác an toàn điện.

Mai Đình Phong

nguy co mat an toan tu cac vu vi pham su dung dien EVN: Phát hiện 3.217 vụ trộm cắp điện trong năm 2018
nguy co mat an toan tu cac vu vi pham su dung dien Ngày Tết của những công nhân Tổ Kiểm tra giám sát mua bán điện
nguy co mat an toan tu cac vu vi pham su dung dien Quảng Trị: Một khách hàng bị xử phạt 3 lần trộm cắp điện
nguy co mat an toan tu cac vu vi pham su dung dien EVN đề nghị xử lý hình sự 25 vụ trộm cắp điện