Nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong ngành du lịch

14:57 | 12/04/2019

667 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề "Đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn" ngày 12/4 tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu lên 3 câu hỏi, một số gợi ý chiến lược đối với vấn đề nhân lực ngành du lịch Việt Nam, cùng một số trăn trở của Thủ tướng về chủ đề này. Thủ tướng nêu rõ, nguồn nhân lực đã được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu để đưa đất nước thoát bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu phát triển năm 2035 và 2045, nhân 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập Nước.

Câu hỏi thứ nhất Thủ tướng đặt ra là liệu chúng ta có đủ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngành du lịch hay không? Cùng với đó, ngành du lịch liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng trong nước và quốc tế hay không?

nguon nhan luc dong vai tro then chot trong nganh du lich
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Các chính sách đào tạo, đãi ngộ, phát triển nghề nghiệp và thu hút nhân tài, lao động có kỹ năng sẽ quyết định khả năng thu hút nguồn nhân lực của chúng ta. Thủ tướng tin rằng những công ty, mô hình kinh doanh hoạt động tốt nhất trong ngành du lịch Việt Nam cũng chính là những đơn vị trả lời tốt nhất câu hỏi này.

Theo Thủ tướng, đây không chỉ là câu hỏi dành cho các doanh nghiệp du lịch mà còn đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu và chúng ta khó có thể áp dụng một chính sách bảo hộ nào vượt trội so với các nước. Các chính sách nguồn nhân lực không thể được xây dựng một cách rời rạc mà phải được đặt trong tổng thể các chính sách.

Câu hỏi thứ 2, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được kỳ vọng chiếm trên 10% GDP, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, vậy chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ ‘mũi nhọn’, làm gì để tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có?

Thủ tướng cho rằng nguồn nhân lực du lịch không chỉ ở các công ty du lịch. Đó còn là người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Chính những cộng đồng, người dân này sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Thủ tướng nhắc lại lý do tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại Hội An năm 2016 vì Hội An có cộng đồng làm du lịch rất tốt.

nguon nhan luc dong vai tro then chot trong nganh du lich
Thủ tướng chứng kiến Lễ ký hợp tác đào tạo nhân lực du lịch

Theo Thủ tướng, một năm nhu cầu nhân lực du lịch Việt Nam lên đến 40.000 người, cả nước có 346 cơ sở đào tạo nhân lực du lịch nhưng cần quan tâm hơn tới chất lượng đào tạo. Đây là điều cần thảo luận tại Diễn đàn.

Câu hỏi thứ 3, Thủ tướng muốn dành trước hết cho các bộ, ngành. Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã xác định thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là 3 đột phá chiến lược hàng đầu. “Vậy, các đồng chí đã làm gì, xây dựng chiến lược thế nào để nguồn nhân lực thật sự là một đột phá chiến lược đối với chính ngành du lịch Việt Nam?”, Thủ tướng nói. Trả lời chính xác câu hỏi này là trách nhiệm đồng thời của Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL, các địa phương có thế mạnh về du lịch… và có sự tham vấn trách nhiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong ngành du lịch.

Dẫn Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch năm 2017 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đã tăng 8 bậc so với năm 2015, đứng thứ 67 trên toàn cầu, Thủ tướng đặt vấn đề tại sao Việt Nam không đứng được ở thứ hạng cao hơn khi có nhiều di sản văn hóa, nhiều thắng cảnh tuyệt vời, con người thân thiện… Tại sao nước ta chỉ đón 15-16 triệu khách quốc tế mà không phải 45-50 triệu khách? Tại sao số lượng du khách đến Việt Nam ít hơn Thái Lan, Singapore và Hong Kong? Những người làm trong ngành du lịch, những công ty lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhất là cơ quan quản lý Nhà nước cần trả lời câu hỏi này.

Thủ tướng nêu rõ du lịch không chỉ là một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên toàn cầu. Do vậy, phát triển du lịch không chỉ là một nhiệm vụ kinh tế đơn thuần. Trong mọi hoạch định chiến lược, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong ngành du lịch.

Thủ tướng tin rằng với khoảng 100 triệu người Việt Nam trong nước và nước ngoài, nguồn nhân lực của nước ta là hoàn toàn không thiếu cả lượng lẫn chất. Điều cốt yếu là chúng ta phát huy được tốt nhất những tiềm năng trong mỗi người Việt Nam. Chúng ta cần có một môi trường chính sách tốt, mỗi doanh nghiệp cần có một cơ chế quản trị, chính sách đãi ngộ tương xứng với thành quả, năng lực đóng góp, đồng thời thu hút những lao động có kỹ năng từ các lĩnh vực khác tham gia vào ngành du lịch.

Ngoài ra, các trường đại học, cơ sở đào tạo cần cập nhật giáo trình, phương pháp đào tạo liên quan đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực này, đáp ứng tốt các chuẩn mực quốc tế cũng như xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch.

Với việc thực hiện chương trình đột phá, để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, Thủ tướng chỉ ra 3 chữ “C”. Thứ nhất là “Con người”. Cần nâng cao ý thức, sự hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ khách du lịch của người dân, đặc biệt là dân bản địa. Thứ hai là “Cơ sở hạ tầng”, gồm hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng mềm, đặc biệt là văn hóa và hạ tầng thông minh như Chính phủ điện tử, thành phố thông minh.

Chứ “C” thứ 3 là “Chiến lược”. Bộ VHTT&DL cần đưa tầm nhìn chiến lược dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm của ngành du lịch cùng với các ngành để thực thi tốt, cân bằng được giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, trong đó có chiến lược về đào tạo lao động, bảo đảm số lượng đi liền với chất lượng.

“Tôi mong rằng sau buổi hội thảo hôm nay, các bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta cần phải xác định đúng bản chất vấn đề thì mới có thể tháo gỡ được những nút thắt, khó khăn, từ đó xây dựng chiến lược phát triển cho ngành đúng hướng và khả thi, đặc biệt là trong vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về lượng lẫn về chất để ngành du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn khi kết thúc bài phát biểu.

nguon nhan luc dong vai tro then chot trong nganh du lichThủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo đảm ATGT dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
nguon nhan luc dong vai tro then chot trong nganh du lichThủ tướng: Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức
nguon nhan luc dong vai tro then chot trong nganh du lichDuy trì an ninh trật tự phục vụ Đại lễ Phật đản Vesak
nguon nhan luc dong vai tro then chot trong nganh du lichQuý I/2019: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm ngoái
nguon nhan luc dong vai tro then chot trong nganh du lichThủ tướng: Không cần sản xuất ô tô trong nước, nhập khẩu toàn bộ là quan điểm sai lầm
nguon nhan luc dong vai tro then chot trong nganh du lichThủ tướng: Chấm dứt đưa tư duy cũ, tư tưởng bao cấp, “xin-cho” vào các văn bản

P.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc