Người Việt đang tự… hại mình: Thức ăn bổ dưỡng hay độc hại?

07:00 | 02/05/2013

2,826 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trước tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đầy cấp bách như hiện nay, có thể nói, “đóng góp” đáng kể nhất là chất lượng thực phẩm gồm cá, thịt, tôm… với những chất tẩy trắng, chống thối, phân urê… Thay vì là chất bổ dưỡng mang lại sức khỏe thì thực phẩm lại đang trở thành “ẩn họa” mang đến những cái chết khôn lường cho con người.

>> Người Việt đang tự… hại mình: Rau quả như… lá ngón

Ướp hải sản bằng urê

Không ai có thể hình dung nổi đến một ngày hải sản vẫn được coi là đặc sản cung cấp các khoáng chất, vi chất cần thiết cho con người lại thành một món ăn độc hại do “sũng” urê. Sở dĩ “sũng” urê như vậy là vì chủ các vựa thu mua hải sản nhằm bảo quản và làm cho tươi ngon, đẹp mắt đã ngâm chúng vào nước có hòa tan urê hoặc trộn urê với đá rồi ướp lạnh. Hiệu quả lập tức và kéo dài hơn nữa thì người ta chà sát trực tiếp thật nhiều urê vào hải sản, nhất là đối với cá. Trong khi ai cũng biết rõ urê là… phân bón cho cây trồng chứ không phải chất bảo quản và chưa từng bao giờ được công nhận với công dụng như vậy, ngay cả trong quá khứ. Đây có thể nói là “phát kiến” của dân thu mua hải sản trong “ngón nghề” chuyên nghiệp. Và không “biệt khu” đối với riêng khu vực miền biển nào, mà dù ở đâu “ngón nghề” này cũng được áp dụng theo hình thức “truyền khẩu”.

Công nhân bị ngộ độc vì ăn cá ở TP Hồ Chí Minh

Một người chuyên bán cá và đồ hải sản ở chợ Long Biên cho biết: “Tôi có lấy mối ở đâu thì hải sản hoặc loại cá nào cũng nhiễm urê hết. Vì tự “dân” thu mua “mách” và đua nhau làm. Chẳng chỗ nào khác chỗ nào”. Và quy trình ấy theo chị được thực hiện: Lấy hải sản ở các tàu đánh cá lên, các chủ vựa thu mua “tráng đạm urê” bằng cách ngâm ngay vào thùng hoặc chậu nước lớn có pha sẵn urê khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó thì vớt ra cân bán cho các đầu mối. Tuy nhiên, tùy theo đầu mối lấy hàng nhanh hay chậm mà hải sản ngâm urê nhanh hay chóng. Đối với hàng để lâu trên tàu do chưa vào được bờ vì biển động hoặc lý do nào đó thì chủ vựa còn “chăm sóc”, “làm hàng” kỹ lưỡng hơn khi ngâm urê đến hẳn… 2 lần. Còn như đã nói, mỗi lần bao nhiêu thì phụ thuộc vào sự nhanh chóng của người mua hàng. Tất nhiên, tất cả những hải sản được các đầu mối thu mua ấy đều được mang đến các chợ hoặc là bán buôn cho các chủ nhỏ lẻ hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Như vậy, từ chỗ ngon tươi, bổ dưỡng, dưới bàn tay “phù phép” nhằm mục đích làm đẹp mắt, chống thối của người kinh doanh, buôn bán, hải sản đã trở thành urê “hình nộm” (có thể là cá hoặc hải sản khác). Và không ai khác phải chịu hậu quả này chính là… khách hàng.

Không chỉ ngâm phân urê mà hải sản, nhất là với tôm, mực còn được tẩy trắng bằng hóa chất cũng với mục đích “làm hàng” để nhìn cho... ngon nghẻ. Chả là những loại hải sản này, nếu để lâu sẽ mất màu hồng tươi, dẫn đến thâm xì hoặc đen sậm, chưa kể đến bốc mùi hôi thối. Riêng đối với mực, bạch tuộc do có lớp màng đen bao bọc và “túi mực” nên nếu không sử dụng hóa chất để tẩy thì khó có thể trắng nõn được. Do đó, chủ các vựa thu mua đã tìm ra “bí quyết” dùng javen, một hóa chất cực mạnh chuyên được dùng trong y tế để tẩy trắng mực, tôm. Trong vòng 30 phút, những con mực, bạch tuộc, tôm, sau vài lần rửa bằng nước lã, được ngâm trong chậu javen rồi vớt ra bán cho các đầu mối hoặc mang đi bán. Nhìn những con mực, tôm tươi ngon, bắt mắt ít ai ngờ rằng, thực ra nó đã “đẫm” chất tẩy javen.

Tăng trọng nhờ… hóa chất

Như hải sản, thịt gia súc, gia cầm hiện nay cũng có một số lượng không nhỏ không bảo đảm chất vệ sinh an toàn thực phẩm do dư lượng kháng sinh cao và toàn chất tăng trọng hay “ngậm” hóa chất dùng để giữ thịt tươi ngon… Cách đây không lâu và cho đến bây giờ người dân vẫn kinh hoàng với “công nghệ” làm tươi kể cả thịt bò lẫn lợn của những người kinh doanh, nhất là với thịt ôi, thịt “chợ chiều”… Họ hòa tan một hóa chất được gọi là “tẩy đường” vào chậu nước rồi nhúng thịt vào, sau đó bày lên bàn bán như thịt… thường. Chất “tẩy đường” này sau khi được phóng viên của nhiều tờ báo điều tra đã phát hiện ra đây chính là chất natri hydro sulfite (NaHSO2) hoặc sodium hydrosulfite được bán tràn lan ở chợ Đồng Xuân. Chỉ với một lượng nhỏ bằng thìa cà phê hòa vào nước, chủ các cửa hàng đã biến số thịt lợn tưởng chừng chẳng có thể bán cho ai do ôi thiu thành tươi ngon roi rói.

 Không chỉ sử dụng hóa chất để làm tươi thịt mà lợn nuôi lấy thịt còn được nuôi bằng bột tăng trọng. Bột tăng trọng này, theo hình thức thì đúng như vậy. Tuy nhiên, về bản chất thì đó cũng là hóa chất bởi đó chính là salbutamol và clenbutarol, loại hóa chất cấm được sử dụng trong chăn nuôi hoặc một loại bột màu trắng ngà, chỉ biết của Trung Quốc được bán 300-500 nghìn đồng/kg ngoài thị trường. Với bột tăng trọng này, người ta đã tính ra mỗi ngày lợn tăng 1,5-2kg, làm cho thời gian xuất chuồng rút lại từ 6 tháng xuống 3 tháng với trọng lượng của lợn khoảng 1 tạ. Ngoài ra, còn làm thịt nạc đến tận xương và xương nhỏ lại để lợn chỉ còn toàn thịt là thịt. Gia cầm như gà, vịt, ngan cũng được nuôi như vậy để bán cho người tiêu dùng. 

Con dao hai lưỡi

Bên cạnh các loại hóa chất được sử dụng trong chăn nuôi, bảo quản nêu trên, còn có sodium nitrate, butylated hydroxyanisole (BHA), EDTA… cũng được người chăn nuôi, kinh doanh sử dụng như là “bí quyết” để “xuất chuồng nhanh, thu tiền gọn” đối với gia súc, gia cầm.

Nho Trung Quốc được dán mác Việt Nam

Theo Bộ Y tế, những chất bảo quản, thuốc tăng trọng, kể cả loại được phép sử dụng ở góc độ nào đó, cũng là “lợi bất cập hại” đối với sức khỏe của con người. Nói cách khác nó như con dao hai lưỡi khi ở một liều lượng nhất định. Còn loại bị cấm thì đương nhiên, tác hại của nó khỏi phải bàn đến mức độ nguy hiểm. Như phân urê chẳng hạn, nếu vào cơ thể tới một mức nào đó sẽ khiến con người bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn thốc nôn tháo và tiêu chảy cấp. Trong trường hợp tích mỗi lần một ít qua các thực phẩm có chứa urê, về lâu dài con người sẽ bị mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, giảm trí nhớ… và đặc biệt là sẽ dẫn đến ung thư do urê có chứa hàm lượng thủy ngân và chì rất cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa cho biết: “Trong thành phần sodium hydrosulfite, sodium nitrate chuyên dùng để “bảo quản” thịt lợn nhằm biến thịt ôi thành thịt tươi có các chất rất độc hại, nhất là trong trường hợp còn tồn dư trên thịt. Thực ra đây là chất chỉ làm mất đi mùi ôi chứ về chất không thể biến ôi ngon hơn được. Nếu ăn thịt loại này, sẽ gây ra phản ứng ôxy hóa với các chất trong cơ thể”.

Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giới của Anh thì nhận định, một trong những lý do khiến thịt chế biến làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng là do chúng chứa nitrat. Một lượng nhỏ nitrat khi sử dụng bảo quản thịt sẽ bị phân hủy thành nitrite. Nitrite sau đó phản ứng với các loại protein trong thịt để sản sinh ra các hợp chất N-nitroso (NOC). Mà NOC lại là chất gây ung thư, nhất là ở những cơ quan tiêu hóa.

Với mức độ độc hại như vậy, các chất bảo quản, chống ôi thiu, thuốc tăng trọng đang làm cho thức ăn từ chỗ bổ dưỡng trở thành nguyên nhân “giết người” hàng loạt và không ai khác chính những người kinh doanh, chăn nuôi sử dụng những hóa chất đó là thủ phạm đang làm “tuyệt chủng” đồng loại.

Nguyễn Anh