Người... nam châm

13:03 | 14/04/2013

1,659 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khi nhắc đến “người nam châm” rất nhiều người còn mơ hồ và dễ liên tưởng đến những điều kỳ bí. Nhưng không! Đây là chuyện có thật, “người nam châm” có thể hút những vật nặng... tới 30kg lên người.

Lớp học cho “người nam châm”

Viện Nghiên cứu Khoa học Kiến trúc Phong thủy Năng lượng cảm ứng (Viện RIAFR)  trong ngôi nhà số 206 đường Phạm Văn Đồng Hà Nội lúc nào cũng đóng cửa. Tiếp chúng tôi là Viện trưởng Nguyễn Ngọc Sơn - người Việt Nam đầu tiên có chứng chỉ chuyên gia cảm xạ học tại Ba Lan và là chuyên gia cảm xạ thứ 376 tại đất nước này. Anh cũng được biết đến với tên gọi “người nam châm” khi lần đầu tiên biểu diễn năng lực đặc biệt của mình trên truyền hình.

Bất cứ ai lần đầu tiên ghé thăm giờ sinh hoạt của CLB “Năng lượng cảm ứng” (tổ chức ngay tại Viện RIAFR) hay tổ chức ngoài thiên nhiên cũng đều ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến cảnh các thành viên trong CLB cùng luyện hút đồ vật dính chặt vào người. Đó là các đồ vật như điện thoại di động, bàn là, thìa, dĩa, dao… và cả quả chuối chín, đĩa sứ, đĩa nhựa…

Anh Sơn cho biết, các bài học thường gói gọn trong 5 nội dung cơ bản như sau: Cân bằng và tích tụ năng lượng; khai thông kinh lạc và kinh mạch; khai thác khả năng tiềm ẩn của cơ thể; tăng độ nhạy cảm của 6 giác quan và sử dụng năng lượng để chữa bệnh. Bí quyết của anh là bài học “múa cầu tròn theo nhạc”, khi luyện tập bài này, tất cả các khớp xương, các huyệt đạo đều được khai mở, hấp thụ năng lượng trời đất và đẩy các năng lượng xấu trong cơ thể ra ngoài, tránh được bệnh tật và đem lại sức khỏe dẻo dai cùng tinh thần sảng khoái.

"Người nam châm" có khả năng hút được tất cả mọi đồ vật

Vào bài học, anh giảng giải các phương pháp luyện tập cân bằng âm dương trong cơ thể; cách đẩy năng lượng xấu thoát ra ngoài cơ thể qua 10 đầu ngón tay; phương pháp luyện tập kích thích khả năng nhạy cảm; phương pháp điều khí; phương pháp cảm nhận và rung động theo sóng năng lượng… Sau phần giảng lý thuyết, anh Sơn bao giờ cũng hướng dẫn các học viên bài tập thực hành vận động khớp cổ, lưng, hông…

Giải thích thắc mắc của chúng tôi về việc tập luyện, anh cho hay, về mặt lý thuyết còn nhiều phương pháp khác như: phương pháp làm sạch hào quang; luyện tập để nhìn thấy rõ hào quang; cách dò tìm bệnh qua năng lượng cảm xạ; hỗ trợ chữa bệnh bằng năng lượng… Mục đích của việc tập luyện theo cảm xạ học là nâng cao sức khỏe, giúp cho học viên nắm được kiến thức bảo vệ cơ thể, phòng ngừa bệnh tật. Anh chia sẻ: “Ai cũng có thể hút được đồ vật, vấn đề là mức độ như thế nào và người đó có làm chủ được năng lượng của mình hay không. Người luyện tập thường xuyên, đúng phương pháp sẽ cảm nhận được bức xạ của những vật xung quanh, phân biệt được ác xạ và thiện xạ. Một khả năng khác khi luyện tập cảm xạ là tự chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh cho người khác bằng cách làm chủ năng lượng của mình”.

Vẫn hoài nghi, tôi đưa chiếc điện thoại của mình cho anh Sơn và nhờ thầy “biểu diễn” lại cảnh hút đồ vật. Anh Sơn yêu cầu học viên lau thật sạch chiếc điện thoại, rồi sau đó lau tiếp trán của mình. Im lặng một hồi lâu, thầy cầm chiếc điện thoại đặt lên trán của mình. Chiếc điện thoại dính chặt trên trán anh Sơn. Mọi người xung quanh đều trầm trồ kinh ngạc. Anh Sơn đưa lại cho tôi chiếc điện thoại và yêu cầu tôi dính thử. Tôi cũng làm những động tác y hệt như anh, cũng lau điện thoại, cũng lau mồ hôi trên trán... nhưng kết quả thất bại. Chiếc điện thoại rơi ngay xuống bàn tay tôi đang hứng sẵn.

Theo anh Nguyễn Ngọc Sơn, cảm xạ học là một môn khoa học có từ 6.000 năm về trước, giúp ích cho con người hiểu rõ bản chất của năng lượng sinh học, dòng khí điện từ trường, các ác xạ gây bệnh, các trường khí có trong tự nhiên. Để nhận biết những tia năng lượng mà mắt thường không nhìn thấy được (tia Prana) hay các “trường” khí có trong tự nhiên đòi hỏi nhà cảm xạ học phải trao đổi kiến thức, rèn luyện tâm thể công phu và luôn thực hành với các vật dụng chuyên dùng như: Con lắc, đũa chữ Y, đũa chữ L, đũa lò xo…

Cảm xạ là chuyên sâu cảm nhận tất cả nguồn năng lượng có xung quanh con người, trong thiên nhiên, vũ trụ và giải thích bằng khoa học biện chứng qua những chỉ số trên “bô vít”. Cảm xạ không phải là một trò chơi giật gân mà cảm xạ là cảm nhận nguồn năng lượng của đồ vật của tất cả sinh thực vật khác phóng đến mình.

Muốn đón nhận được những nguồn năng lượng này, nhà cảm xạ phải biết tu tâm, dưỡng tính, gạt bỏ bản ngã trong đời thường và vô thức khi thực hành. Đây là việc khó nhất với những người đang tu luyện bộ môn cảm xạ học. Chỉ cần một chút dao động trong tâm trí thì mọi thông tin đưa tới từ các vật dụng chuyên dùng trong cảm xạ học sẽ bị sai lệch nghiêm trọng. Các vật dụng cảm xạ và nhà cảm xạ nếu luôn hòa đồng năng lượng với nhau sẽ đạt được kết quả cao nhất.

Khi sử dụng con lắc hay các vật dụng cảm xạ, nhà cảm xạ phải thật bình tĩnh và thực hiện với lòng quyết tâm cao nhất để tìm ra năng lượng bí ẩn, phải đón nhận năng lượng cảm ứng từ vũ trụ đi vào huyệt “bách hội” (luân xa 7) đưa dẫn năng lượng đi qua tay mình vào con lắc hay vật dụng chuyên dùng trong cảm xạ học. Chỉ khi có bước thực hiện này, thông số năng lượng cảm ứng sẽ đạt thang điểm cao nhất.

Giải mã “người nam châm”

Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), khi hai vật áp sát nhau, sẽ sinh ra lực hút ngang, lực này không giúp giữ được các vật mà sinh ra lực ma sát để giữ vật. Lực ma sát lớn hơn trọng lực và ngược chiều với phương chuyển động nên có thể hút các vật”.

Ông Khanh nói thêm, làn da chúng ta có cấu tạo đặc biệt nên khi có kim loại sẽ xuất hiện từ tính. Hiểu một cách đơn giản, mỗi tế bào là một cục pin, nếu ta tích điện nhiều cục pin lại thì sẽ tạo ra nguồn điện siêu lớn. Ông cho biết: “Mỗi tế bào trên cơ thể chúng ta đều có nguồn năng lượng, song chúng ta không biết sử dụng nên năng lượng của các tế bào hoạt động không theo mong muốn của chúng ta. Nếu mỗi tế bào phát năng lượng theo một hướng thì không khác nào trong đội bóng mỗi cầu thủ đá một kiểu, không có chiến thuật, không có sự phối kết hợp nên không tạo ra sức mạnh tập thể”.

Ông cũng cho rằng, chính năng lượng sinh học tiềm ẩn sinh ra điện trường, từ trường mà thường gọi là trường sinh học. Trường sinh học sẽ tạo ra hiện tượng tâm giao tâm, gọi là “truyền âm nhập mật” hay “ngữ nghĩ truyền thanh”, tức là có thể trò chuyện, hiểu được tâm tư của nhau bằng ý nghĩ.

Cũng theo lý giải của ông Khanh, lực sinh học chỉ có sức mạnh khi luyện tập ở mức độ cao, tất nhiên không kể do bẩm sinh. Lực sinh học không những hút được kim loại mà có thể hút được các loại vật chất khác. Các bài tập cảm xạ đã khơi dậy khả năng tiềm ẩn của ý thức, tạo cho con người có điện trường, từ trường và trường sinh học mạnh mẽ, khai mở ra khả năng vô biên của con người, mà việc hút các đồ vật chỉ là một khả năng nhỏ.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Ngọc Sơn lại cho rằng: “Con người có khả năng hút được đồ vật do mỗi chúng ta có một lớp hào quang (aura) bên ngoài lớp da của mình. Lớp hào quang này càng dày, càng sáng thì chúng ta càng khỏe mạnh. Và trong quá trình tiếp xúc với vật khác, nếu chúng ta biết điều khiển và tăng sức mạnh của lớp hào quang thì hoàn toàn có thể hút được đồ vật vào người”.

Khánh An