Người lính canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội

13:55 | 19/04/2023

561 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến thăm Ô Quan Chưởng (Hà Nội), du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của di sản văn hóa Thủ đô mà còn có dịp gặp gỡ một nhân vật vô cùng đặc biệt, người đã canh gác, gìn giữ dấu tích cửa ô cuối cùng này trong suốt hơn 20 năm.

“Ở đâu năm cửa ô chàng ơi

Sông Nhị Hà mấy khúc nước chảy xuôi một dòng”

“Cửa ô" mà câu ca dao trên nhắc đến chính là 5 cửa ô nổi tiếng bậc nhất của kinh thành Thăng Long xưa gồm Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa và Ô Quan Chưởng.

Người lính canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội
Ô Quan Chưởng nằm ở đầu phố Hàng Chiếu (quận Hoàn Kiếm) là một trong những chứng tích mang dấu ấn của Hà Nội xưa.

Thời xưa, cửa ô vốn là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm soát, thu thuế, ngăn ngừa đạo chích, canh chừng hỏa hoạn.

Tuy nhiên, nhằm mục đích phá hủy nền văn hóa của dân tộc Việt, thực dân Pháp đã thi hành chính sách phá huỷ các dãy phố cổ Hà Nội. Theo đó, các cửa ô và con đê đã bị tàn phá nặng nề nhằm mở rộng thành phố.

Trước bối cảnh các công trình chứa đựng hồn Thủ đô đang dần lụi tàn dưới tay thực dân Pháp, cai tổng Đồng Xuân Đào Đăng Chiểu đã cùng nhân dân đứng dậy, đấu tranh quyết liệt giữ lại được cửa ô Đông Hà - nay gọi là Ô Quan Chưởng.

Ô Quan Chưởng hay Ô Đông Hà được xây dựng dưới thời vua Lê Hiển Tông vào năm 1749. Cửa ô nằm ở phía Đông từ phía kinh thành Thăng Long, cách bến sông Hồng chỉ khoảng 80 mét nên được chọn làm nơi giao thương, buôn bán hàng hóa, từ đó hình thành nên nhiều khu chợ lớn, nhỏ xung quanh.

Ô Quan Chưởng được đặt tên theo một quan sĩ mang tên Chưởng Cơ, người đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn quyết chiến đấu khi thực dân Pháp kéo đến tấn công Hà Nội từ cửa ô Đông Hà vào ngày 20/11/1873. Song, do lực lượng quá chênh lệch, ông thất thủ ở Gia Lâm, bị quân Pháp áp giải về Hà Nội chém đầu và đem bêu bên bờ sông Cái ngay phía trước cửa Ô Đông Hà. Để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của ông, nhân dân trong vùng đã đặt tên cửa ô là Ô Quan Chưởng.

Đến nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững, uy nghi giữa đất trời Hà Nội, là bằng chứng đanh thép nhất về tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm và gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc Việt.

Người lính canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội
Ô Quan Chưởng đã chứng kiến biết bao thăng trầm, dấu mốc lịch sử của Thủ đô Hà Nội

Đến thăm Ô Quan Chưởng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của di sản văn hoá Thủ đô mà còn có dịp gặp gỡ một nhân vật vô cùng đặc biệt, ông đã canh gác, gìn giữ dấu tích cửa ô cuối cùng này trong suốt hơn 20 năm.

Hằng ngày, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh người đàn ông với vóc dáng nhỏ bé nhưng chắc nịch, râu tóc bạc phơ, khoác trên mình bộ quần áo bảo vệ đã sờn vai đều đặn từ 6h sáng đến 6h tối tới Ô Quan Chưởng để trông coi. Đó là ông Tạ Văn Nhân “người lính gác cửa ô cuối cùng” năm nay đã ngoài 76 tuổi.

Người lính canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội
Ông Lê Văn Nhân (76 tuổi) người tự nguyện trông coi Ô Quan Chưởng hơn 20 năm nay.

Theo lời kể của ông Nhân, vào đầu năm 2000, sau quãng thời gian phục vụ tại ngũ, ông trở về Hà Nội, về với căn nhà cấp 4 đơn sơ trên phố Thanh Hà. Dù đất nước đã trong thời bình nhưng khát khao được cống hiến cho tổ quốc trong ông không khi nào nguôi. Chính vì vậy, người lính bộ đội cụ Hồ quyết định tình nguyện trông coi Ô Quan Chưởng.

Ông Nhân chia sẻ: “Công việc hàng này của tôi chủ yếu là quét dọn hoa, lá rụng; nhắc nhở những gánh hàng rong không được tụ tập gây mất trật tự; nhắc các hộ kinh doanh xung quanh để xe của khách đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi”.

Trong hơn 20 trông coi Ô Quan Chưởng, không ít lần ông Nhân gặp phải những khó khăn, va chạm khi nhắc nhở những người trèo tường, những gánh hàng rong xả rác bừa bãi... và đặc biệt là những lần đôi co với các “dân chơi nửa mùa" tay lúc nào cũng cầm bình sơn xịt. Thế nhưng, với sự cứng rắn cùng bản lĩnh của người chiến sĩ thì không gì có thể làm khó được ông.

Người lính canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội
Vọng lâu Ô Quan Chưởng

Ngay dưới chân Ô Quan Chưởng có một lối đi bằng đá nhỏ, hẹp dẫn lên vọng lâu nơi thờ tự các quan, các vị anh hùng đã hi sinh cho tổ quốc. Đến rằm, mùng 1 hàng tháng, ông Nhân đều chuẩn bị hương khói, hoa quả để cúng các quan. Du khách nếu muốn lên tham quan phải có sự cho phép của ban quản lý, ông Nhân mới mở của dẫn lên.

Ông Nhân tâm sự: “Tôi làm việc xuất phát từ cái tâm của mình, chính quyền có bồi dưỡng cho tôi 60.000 đồng một ngày nhưng với vật giá hiện giờ thì cũng chỉ đủ 1 bữa ăn. Trước thì ngày nào tôi cũng túc trực ở đây nhưng giờ có tuổi rồi, ngày khỏe tôi ra trông nom còn hôm nào trái gió trở trời, toàn thân đau nhức thì sẽ ghé đến tùy thời điểm trong ngày".

Người lính canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội
Ô Quan Chưởng đã được công nhận và xếp hạng di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Sau bao nhiêu năm gắn bó, ông Nhân coi Ô Quan Chưởng như ngôi nhà thứ hai của mình.

“Nếu trời cho sức khỏe làm được ngày nào tôi sẽ cố làm ngày đấy, khi nào sức khỏe không cho phép thì để phường thuê người khác. Bản thân tôi luôn mong muốn được góp chút sức lực nhỏ bé cống hiến cho tổ quốc, gìn giữ sự thiêng liêng của dấu tích Hà Nội xưa", ông Nhân nói.

Thanh Thùy - Minh Đức